Các cựu lãnh đạo Ngân hàng TrustBank chỉ bị đề nghị mức án nhẹ

Lê Anh 04/05/2018 08:00

Sau hai ngày xét xử, ngày 3/5 phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” bước vào phần đề nghị mức án của đại diện công tố thuộc TAND TP HCM, trong đó các cựu lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) chỉ bị đề nghị các mức án từ 5 – 7 năm tù giam…

Theo đại diện Viện KSND TP HCM, giữ quyền công tố tại phiên tòa, cơ quan này có đủ cơ sở để xác định các cựu lãnh đạo và cán bộ của ngân hàng Trustbank đã vi phạm pháp luật trong quy trình phê duyệt cho vay, cụ thể là chấp nhận tài sản đảm bảo là giá trị quyền sử dụng khu đất sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) là loại hình tài sản hình thành trong tương lai. Qua đó, đã gián tiếp giúp cho hai công ty ma của ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam) vay tiền và gây thiệt hại cho chính Ngân hàng này số tiền hơn 471 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong phần đề nghị mức án, đại diện Viện KSND TP chỉ đề nghị bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Trustbank) mức án từ 6-7 năm tù; bị cáo Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Trustbank) mức án 5-6 năm tù; và 5 đồng phạm còn lại các mức án từ 3 năm tù treo trở lên.

Cũng tại phiên tòa, các bị cáo khi được HĐXX yêu cầu trình bày quá trình phê duyệt khoản vay cho các công ty của ông Phạm Công Danh, vẫn kêu oan khi cho rằng TrustBank đã làm đúng quy trình (!?). Cụ thể, ông Toàn khai không hề biết hồ sơ các công ty của ông Danh là ngụy tạo. Và, quá trình phê duyệt cũng đã có quyết định chấp thuận của Hội đồng cổ đông của Ngân hàng này.

Do đó, việc xét duyệt cho 2 công ty Thịnh Quốc và Đại Hoàng Phương vay 650 tỷ đồng đã được xem xét đầy đủ, có tài sản đảm bảo và chứng thư thẩm định giá trị lô đất tại sân vận động Chi Lăng, hoàn toàn thực hiện đúng theo các quy định của NHNN và pháp luật hiện hành. Cùng với ông Toàn, các thuộc cấp lại khai hoàn toàn ngược lại khi cho rằng, họ đã không hề biết, hoặc tham gia bất kỳ cuộc họp nào liên quan tới hai khoản vay này.

Chủ tọa phiên tòa, do đó, xét hỏi bị cáo Toàn xoáy vào nội dung kể trên, đồng thời khẳng định bị cáo Toàn đã khai không thành khẩn, trung thực, bởi thực tế đã không hề họp Hội đồng tín dụng nhưng bị cáo này vẫn ký cho vay số tiền trên. Ngoài ra, tất cả hồ sơ, chứng cứ từ cơ quan công tố đều chứng minh các hồ sơ ngụy tạo để hợp thức hóa khoản cho vay của TrustBank.

Liên quan đến quá trình thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng cho 2 công ty “ma” của ông Phạm Công Danh vay. (Công ty Thịnh Quốc vay 370 tỷ đồng và Công ty Đại Hoàng Phương vay 280 tỷ đồng), chủ tọa phiên tòa cũng bước đầu chỉ ra các vi phạm mà các cựu lãnh đạo, cán bộ TrustBank đã cố tình vi phạm để “thông qua” khoản vay cho các công ty trên. Trong khi đó, khu đất ở sân vận động Chi Lăng hiện vẫn chưa giải tỏa xong, UBND TP Đà Nẵng vẫn chưa được cấp chứng nhận đầu tư dự án và cũng không có bất kỳ hoạt động đầu tư nào của dự án này nên không có cơ sở, căn cứ để các lãnh đạo, cán bộ của TrustBank phê duyệt cấp tín dụng.

Sau đề nghị mức án của đại diện công tố, HĐXX sẽ tiếp tục bước vào phần tranh tụng, trước khi cho các bị cáo nói lời sau cùng, để tuyên án vụ án.

Hoàn tất Kết luận điều tra bổ sung vụ án Phạm Công Danh gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng

Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT), Bộ Công an vừa hoàn tất Kết luận điều tra bổ sung vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại các ngân hàng gồm: TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), TMCP Tiên Phong (TPBank) và TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Trước đó, tại phiên tòa xét xử vụ án, TAND TP. Hồ Chí Minh đã quyết định trả hồ sơ để điều tra lại nhằm làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến vụ án.

Theo Kết luận điều tra bổ sung, Phạm Công Trung (em trai của Phạm Công Danh) đã thành lập nhiều công ty nhưng không hoạt động kinh doanh, mà nhằm giúp sức cho Phạm Công Danh sử dụng các pháp nhân để vay vốn của nhiều ngân hàng. Trung cũng chỉ đạo cháu mình ký hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng, giúp Phạm Công Danh vay tiền của BIDV. Theo Kết luận điều tra bổ sung, có cơ sở căn cứ về hành vi của Phạm Công Trung là đồng phạm, giúp sức cho Phạm Công Danh. Tuy nhiên, Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã bỏ tội “Cố ý làm trái”. Trung đang điều hành Công ty Thiên Thanh, công ty này đang hoạt động bình thường và phối hợp với công an giải quyết vấn đề dân sự của vụ án. Vì vậy, Cơ quan điều tra đã không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự với Phạm Công Trung...

Hoàng Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các cựu lãnh đạo Ngân hàng TrustBank chỉ bị đề nghị mức án nhẹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO