Chết khi bị tạm giữ, tạm giam: Ai chịu trách nhiệm?

Luật sư Lê Đức Tiết 16/11/2015 09:50

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, có đại biểu đề cập đến việc xử lý các trường hợp công dân chết trong khi bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị giam tại nhà tù. Đây là vấn đề có liên quan đến việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã nhấn mạnh. Nhưng như thực trạng cho thấy, những người gây ra cái chết trong các trường hợp này chưa được làm rõ trách nhiệm.

Dư luận cảm nhận có sự bao che, giấu giếm cho nhau trong một số người có thẩm quyền. Khiếu kiện của gia đình những người bị chết trong các trường hợp này bị chìm dần trong im lặng. Dư luận xã hội tỏ ra rất bức xúc, do tình trạng trên đây vẫn bị kéo dài mà chưa được quan tâm giải quyết thấu đáo .

Tình trạng nói trên xảy ra, một phần, do thiếu sự quy định rõ ràng của luật. Vì vậy cử tri rất hoan nghênh khi Đại biểu Quốc hội đã nêu ra vấn đề trên để Quốc hội thảo luận và cho ý kiến. Chậm còn hơn không.

Người bị tạm giữ, tạm giam chết thì việc điều tra vụ án sẽ bị đình chỉ, theo quy định của Luật (xem Khoản 7, Đ.107 BLTTHS). Nhưng với câu hỏi việc đình chỉ điều tra vụ án có dẫn đến việc đình chỉ điều tra nguyên nhân và giải quyết quyền lợi hợp pháp của người đã chết hay không thì hiện chưa có câu trả lời thỏa đáng của luật.

Cơ quan soạn thảo Luật về tạm giam, tạm giữ và giam cũng chưa đưa ra các phương án giải quyết. Chính do sự thiếu hụt này của luật mà nhiều hiện tượng vội vàng khép lại vụ việc để lẩn tránh trách nhiệm đã xẩy ra. Một phần do quá uất ức, nên gia đình người chết đã có những hành vi cực đoan trong đấu tranh đòi làm rõ sự thật.

Thực trạng cho thấy, những người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị giam chết trong nhiều hoàn cảnh rất khác nhau. Có người bị chết do cán bộ điều tra dùng nhục hình để buộc phải nhận tội. Có người tự tử do bị oan ức. Có người chết do bị bạn tù đánh chết. Việc khám nghiệm tử thi trong các trường hợp này thường bị bỏ qua mọi thủ tục cần thiết. Nguyên nhân thực sự gây ra cái chết của công dân không được phản ảnh trung thực trong biên bản khám nghiệm tử thi. Người chết bị đem chôn cất vội vàng.

Vì vậy trong BLTTHS ở Điều 151 Khám nghiệm tử thi nên sửa đổi và bổ sung thêm như sau: “Việc khám nghiệm tử thi ở hiện trường, nơi tạm giữ, tạm giam, nơi giam giữ hoặc khai quật tử thi do một hoặc do hội đồng bác sỹ giám định pháp y thực hiện với sự chứng kiến của cán bộ điều tra, đại diện gia đình hoặc luật sư của gia đình công dân chết.

Việc khai quật tử thi được tiến hành theo quyết định của cơ quan điều tra. Đại diện gia đình người chết có quyền yêu cầu khai quật tử thi khi không đồng ý với kết luận nguyên nhân chết của bác sĩ pháp y”.

Luật phải quy định rõ là việc khám nghiệm tử thi phải do “bác sĩ pháp y” đảm nhiệm. Kết luận của bác sĩ pháp y mang tính chuyên môn và độc lập với cán bộ điều tra. Điều này không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra của cán bộ điều tra. Cán bộ điều tra căn cứ vào kết luận của bác sĩ pháp y để xác định nguyên nhân chết chứ không phải bác sĩ pháp y kết luận theo ý kiến của cán bộ điều tra. Không nên giao cho cán bộ điều tra đảm nhiệm như đã quy định ở Điều 151 BLTTHS cũ. Nếu không đồng ý với kết luận của bác sĩ pháp y thì cán bộ điều tra, hoặc đại diện gia đình có quyền yêu cầu bác sĩ pháp y khác khám nghiệm lại.

Những người gây ra cái chết của công dân trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, giam giữ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Gần đây đã có vụ cán bộ điều tra dùng nhục hình gây chết cho người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam tuy đã bị điều tra truy tố song việc xét xử chưa thật công minh. Còn có hiện tượng bao che cho cán bộ điều tra có sai phạm. Điều này càng gây thêm bức xúc trong dư luận xã hội.

Sự sửa đổi bổ sung như đề nghị trên đây là nhằm ngăn chặn các hành vi trốn tránh trách nhiệm của cơ quan điều tra khi để xảy ra cái chết oan ức của công dân.

Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Từ quy định của Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013, có thể kết luận rằng những công dân bị dùng nhục hình, bị bạn tù đánh chết hoặc tự tử trong thời gian bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam là những người không có tội. Họ bị chết oan. Vì vậy đối với người chết trong khi bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam phải áp dụng chính sách hiện hành về đền bù thiệt hại vật chất, tinh thần đối với người bị oan sai.

Công bằng, công lý không trực tiếp cung ứng sự thỏa mãn về nhu cầu vật chất cho con người. Nhưng nó có tác dụng rất lớn cho việc duy trì sự ổn định và đoàn kết xã hội.

Hiến pháp năm 2013 đã mở ra một chương mới về đấu tranh bảo vệ quyền con người, về quyền công dân, về công bằng, công lý xã hội.
Nhiệm vụ cấp thiết của Quốc hội là phải nhanh chóng luật hóa và cơ quan hành pháp, tư pháp phải thực thi đầy đủ, nghiêm túc các điều quy định thuộc lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chết khi bị tạm giữ, tạm giam: Ai chịu trách nhiệm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO