Day dứt vụ án VN Pharma

Ngọc Quang 27/08/2017 07:15

Sau 5 ngày xét xử và nghị án, ngày 25-8, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng- cựu Chủ tịch Công ty Dược VN Pharma và bị cáo Võ Mạnh Cường- Giám đốc Công ty Hàng hải quốc tế H&C cùng mức án 12 năm tù về tội “buôn lậu”. 7 bị cáo khác trong vụ án này nguyên là lãnh đạo VN Pharma và các công ty dược liên quan bị phạt từ 2 năm tù (cho hưởng án treo) đến 5 năm tù về các tội “buôn lậu” hoặc “làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức”. Vụ án thuốc ung thư giả đã tạm khép lại, nhưng sự d


Các bị cáo tại phiên tòa sáng 25-8.

Tóm tắt vụ án

Năm 2013, Nguyễn Minh Hùng, trên cương vị Chủ tịch Cty Dược VN Pharma đặt Võ Mạnh Cường- Giám đốc Cty Hàng hải quốc tế H&C (trong vai trò mối giới) mua thuốc tân dược của Công ty Helix Pharmaceuticals Canada sản xuất để cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam.

Ngày 16-10-2013, VN Pharma đề nghị Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu hơn 200.000 hộp H-Capita. Do không có hồ sơ kỹ thuật, tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc để nộp cho Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thẩm định theo quy định, Hùng chỉ đạo nhân viên thuê người làm hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita 500mg giả. Sau đó, tổ thẩm định do ông Nguyễn Tấn Đạt- Trưởng phòng quản lý kinh doanh dược được thành lập. Từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12-2013, tổ thẩm định đánh giá hồ sơ đạt yêu cầu; từ đó Cục Quản lý dược có công văn cho phép VN Pharma nhập 200.000 hộp thuốc H-Capita từ Canada. Ngày 13-1-2014, Võ Mạnh Cường đã ký hợp đồng bán thuốc H-Capita cho VN Pharma. Ngày 11-4-2014, VN Pharma mở tờ khai hải quan nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita. Đến tháng 8-2014, Cục Quản lý dược kiểm tra lô thuốc, từ đây hàng loạt sai phạm được phát hiện.

Vậy, H-Capita là loại thuốc gì? H-Capita được cho là thuốc trị ung thư. Theo ông Đỗ Văn Dũng- Trưởng phòng Quản lý Dược Sở Y tế TPHCM thì H-Capita 500mg Caplet vào thời điểm năm 2014 được Sở đấu thầu tập trung với giá kế hoạch mời thầu là 66.000 đồng một viên. Kết quả đợt đấu thầu này, thuốc của Công ty VN Pharma trúng thầu với giá 31.000 đồng một viên. Tuy nhiên, ngay khi mới nhập về Việt Nam, Bộ Y tế xác định lô thuốc này không rõ nguồn gốc, không đủ các điều kiện sử dụng cho người. Do đó đã niêm phong, cấm lưu hành ra thị trường và Sở Y tế TPHCM cũng đã quyết định hủy kết quả trúng thầu.

Theo giám định của Bộ Y tế, lô thuốc do VN Pharma nhập chứa 97% hoạt chất Capecitabine kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Hoạt chất Capecitabine được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các loại thuốc khác để điều trị một số loại ung thư như vú, đại tràng, trực tràng, dạ dày. Cơ chế hoạt động của thuốc là làm chậm hoặc ngăn sự tăng trưởng các tế bào ung thư và giảm kích thước khối u. Tuy nhiên, nếu thuốc làm giả hoặc không đủ hàm lượng theo quy định của nhà sản xuất sẽ không đảm bảo công năng, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị của bệnh nhân.

Sơ lược về VN Pharma
Khi vụ việc vỡ lở, người ta đã lấy làm kinh ngạc về sự phát triển “thần tốc” của Cty VN Pharma. Cùng đó là những thương vụ béo bở rơi vào tay công ty này trong quá trình kinh doanh, mở rộng thị phần.

Ngày 25-11-2011, Công ty cổ phần VN Pharma chính thức thành lập. Tới cuối tháng 5-2012 VN Pharma tiến hành đại hội cổ đông, đại hội công nhân viên lần đầu tiên. Tuy nhiên, trong thời gian rất ngắn đó, Công ty đã nhanh chóng thành lập thêm VN Pharma An Giang (27-2-2012). Và cũng chỉ ít tháng sau, lại có thêm thêm VN Pharma Cà Mau (18-6-2012). Cũng trong năm này, ngày 26-12-2012, VN Pharma Hà Nội ra đời.

Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, VN Pharma đã nhanh chóng mở rộng hệ thống phân phối thuốc ra nhiều địa điểm trọng yếu của cả nước. Chưa hết, Công ty còn triển khai chiến lược đa lĩnh vực hoạt động trong ngành y tế, bằng cách liên tiếp thành lập các đơn vị thành viên như VN Medicare (tháng 11-2012) hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh và sinh hóa phẩm y tế, VN Logistics (tháng 3-2013) hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kho bãi và hậu cần ngành dược, VN Clinic (tháng 7-2013) hoạt động trong lĩnh vực phòng khám. Đáng chú ý, trong chiến lược mở rộng đó, VN Pharma đã thành lập Công ty TNHH MTV Dược Nam Anh, Công ty cổ phần Dược Nam Hùng, Công ty TNHH MTV Dược VN Pharma.

Từ đó, vốn điều lệ cũng như doanh thu bán hàng tăng lên nhanh chóng, dự kiến của năm 2014 là hơn 1.000 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân giúp Công ty phát triển rất nhanh là do họ thắng nhiều hợp đồng về y tế khi tham gia đấu thầu. Có thể nêu ví dụ, với Sở Y tế TPHCM, VN Pharma và Cty Dược Nam Anh (Nguyễn Minh Hùng làm phó tổng giám đốc) đã trúng thầu cung ứng 63 mặt hàng thuốc với tổng trị giá hơn 476 tỉ đồng (thời điểm tháng 5-2014).

Chiều 24-8, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu Bộ Y tế có văn bản báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ về việc Cty VN Pharma nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-8-2017.
Cùng ngày, Bộ Y tế cũng đã có văn bản khẳng định: Sau khi có phán quyết cuối cùng của tòa án, Bộ Y tế sẽ xử lý nghiêm khắc, theo đúng pháp luật, không bao che đối với những đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của bộ nếu có vi phạm.

Thuốc giả, nỗi đau thật
Diễn biến tại phiên tòa xét xử 9 bị cáo trong vụ án thuốc trị ung thư giả, được quy vào tội “buôn lậu” và “làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức” cho thấy sự việc rất phức tạp. Càng phức tạp thì nỗi đau càng lớn, vì đó là sự nhẫn tâm trục lợi trên cơ thể người bệnh. Ung thư là bản án tử đối với bất cứ ai, tới nay y học vẫn chỉ có thể làm chậm quá trình phát triển bệnh, kéo dài thêm cuộc sống cho người bệnh chứ chưa thể chữa khỏi. Người bệnh ung thư vô cùng đau đớn, suy kiệt, tìm mọi phương thức, mọi phương thuốc để hy vọng sự sống. Vì thế, việc bắt tay nhau, giả mạo giấy tờ, mua bán thuốc giả, nâng giá, chia chác lợi nhuận phi pháp... ở vụ việc này được coi là sự táng tận lương tâm.

Trước tòa, Nguyễn Minh Hùng thừa nhận trách nhiệm trong việc nhập phải thuốc giả; nhưng lại cho rằng đó chỉ là sai phạm về thủ tục hành chính, chứ ý chí chủ quan không biết, không mong muốn nhập thuốc giả. Và rằng, lô thuốc bị kết luận là giả này thực tế chỉ là thuốc không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, HĐXX đã kết luận, Hùng đã tiến hành một chuỗi gồm nhiều hành vi sai phạm, như chỉ đạo nhân viên thuê người viết hồ sơ thuốc, sử dụng con dấu, chữ ký của hai công ty nước ngoài không còn phép hoạt động tại Việt Nam, nâng khống giá thuốc, sử dụng các giấy tờ giả của công ty ở Canada do Cường cung cấp… để làm hồ sơ nhập khẩu 9.300 hộp thuốc không rõ nguồn gốc, không đạt tiêu chuẩn. “Hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động quản lý của nhà nước… cần phải xử lý nghiêm”- Tòa nhận định.

Phiên tòa khép lại, nhưng vẫn còn đó nỗi đau về hành vi trục lợi trên thân thể người bệnh. Và, số tiền các bị cáo khai ra rằng dùng tới 7,5 tỷ đồng chi hoa hồng cho các bác sĩ tại bệnh viện để kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc do công ty mình nhập khẩu- lại cho thấy một nỗi đau khác: đó là sự móc nối tàn bạo giữa nơi bán thuốc với người có quyền chỉ định thuốc, nạn nhân chính là những người bệnh khốn khổ- những người không được quyền trả giá với bệnh tật, với cái chết. Nói như Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thì qua vụ án này cho thấy có những kẽ hở trong quản lý đối với ngành dược. Bên cạnh việc mua bán thuốc giả, kém chất lượng, để lại hậu quả nặng nề cho người dân thì còn có sự tha hóa của các bác sĩ khi đưa tay nhận hoa hồng để kê đơn thuốc kém chất lượng, giá cao cho người bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Day dứt vụ án VN Pharma

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO