Điều chỉnh chức danh công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cần thủ tục như thế nào?

PV (theo VGP) 02/11/2017 10:02

Công ty của bà Lê Thu Giang (Hà Nội) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vắc xin và sinh phẩm y tế, có 100% vốn Nhà nước. Công việc chính của cán bộ, công nhân viên là nhóm công việc trong danh mục nghề/công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Dù thực tế công việc của nhiều cán bộ công nhân viên nằm trong danh mục nghề/công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng khi công ty hỏi cơ quan BHXH để giải quyết chế độ về hưu trước tuổi cho cán bộ công nhân viên theo Điều 55 Luật BHXH 2014 thì được tư vấn là không đủ điều kiện với lý do, chức danh công việc trong sổ BHXH của người lao động không giống 100%, không bao gồm 100% nội dung đề cập trong danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Cụ thể, chức danh trong sổ BHXH của cán bộ nhân viên công ty hiện tại ghi là Chuyên viên công nghệ sản xuất; Công nhân sấy rửa /Công nhân rửa chai lọ; Công nhân chăn nuôi động vật thí nghiệm. Còn chức danh trong sổ BHXH cơ quan BHXH tư vấn phải là Chuyên viên nghiên cứu, sản xuất các loại Vacxin và huyết thanh phòng, chữa bệnh; Công nhân xúc, rửa, thanh trùng dụng cụ, chai lọ dùng trong nghiên cứu, sản xuất, kiểm định các loại Vaccin, huyết thanh, chế phẩm sinh học.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, bà Giang hỏi, cơ quan BHXH quận tư vấn như trên có đúng không? Các thủ tục cần thiết phải nộp cho cơ quan BHXH để người lao động có thể nghỉ hưu trước tuổi và không bị trừ phần trăm lương cho thời gian về hưu trước tuổi cần những gì? Có cần phải giám định sức khỏe hay không?

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 54 Luật BHXH quy định người lao động nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành thì được hưởng lương hưu. Điều 96 của Luật BHXH cũng quy định sổ BHXH được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH theo quy định.

Trên cơ sở hồ sơ hưởng lương hưu quy định tại Điều 108 của Luật BHXH, cơ quan BHXH căn cứ vào tuổi, thời gian đóng BHXH và thời gian người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ghi trong sổ BHXH để giải quyết chế độ đối với người lao động.

Đối với trường hợp người lao động đủ điều kiện theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 54 nêu trên thì khi nghỉ hưu không phải giám định mức suy giảm khả năng lao động và không bị giảm tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.

Đối với trường hợp người lao động thực tế làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng trong sổ BHXH chưa ghi đúng tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành thì thực hiện điều chỉnh thông tin tham gia BHXH theo quy định tại Điều 98 của Luật BHXH để làm căn cứ giải quyết chế độ hưu trí đối với người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều chỉnh chức danh công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cần thủ tục như thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO