Hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn trong thi hành án

Lan Hương 16/11/2018 07:17

Ngày 15/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2019.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, công tác thi hành án dân sự (THADS) năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên năm 2019 cần phải nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Thi hành án tham nhũng, kinh tế gặp khó

Báo cáo về công tác THADS năm 2018, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi cho biết, về việc, tổng số thụ lý là 927.249 việc, tăng 44.512 việc (5,04%) so với năm 2017. Tổng số phải thi hành là 914.083 việc, trong đó số có điều kiện thi hành là 711.990 việc (77,89%). Kết quả thi hành xong 571.708 việc, đạt tỷ lệ 80,30%. Về tiền, tổng số thụ lý là trên 196 nghìn tỷ đồng, tăng trên 23 nghìn tỷ đồng (13,32%) so với năm 2017. Tổng số phải thi hành là 178 nghìn tỷ đồng, trong đó: số có điều kiện thi hành là trên 90 nghìn tỷ đồng (51,28%). Kết quả đã thi hành xong trên 34 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38,35%.

Về kết quả theo dõi thi hành án hành chính, đã thực hiện theo dõi 363 bản án, quyết định của Tòa án, ban hành văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án đối với 336 việc; đăng tải công khai 57 quyết định buộc thi hành án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án 128 việc; kiến nghị xử lý đối với 13 trường hợp. Kết quả đã thi hành xong là 139 việc.

Tuy nhiên, công tác THADS còn nhiều khó khăn. Điều kiện thi hành án trong các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp khó do việc truy tìm, kê biên, phong tỏa tài sản để bảo đảm thi hành án trong giai đoạn tố tụng còn hạn chế.

“Việc xác minh, kê biên, định giá, đấu giá tài sản thế chấp trong các vụ việc tín dụng gặp nhiều khó khăn do các tổ chức tín dụng định giá tài sản thế chấp trước khi cho vay cao hơn nhiều lần so với giá thẩm định khi kê biên đấu giá. Một số ngân hàng thiếu hợp tác trong cung cấp tài khoản, tài sản thế chấp của người phải thi hành án. Việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 còn gặp một số khó khăn, vướng mắc” - Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi cho biết.

Hoàn thiện thể chế

Trước kết quả mà công tác THADS đạt được, phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã biểu dương, đánh giá cao các kết quả và thành tích của Bộ Tư pháp, hệ thống THADS đã đạt được, góp phần giúp tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý vẫn còn một số sai sót, vi phạm của chấp hành viên, công chức trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án. Số công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật tuy giảm so với năm 2017, nhưng vẫn còn nhiều (17 trường hợp). Một số việc tồn đọng từ nhiều năm qua chưa được giải quyết dứt điểm...

Riêng đối với việc thi hành án hành chính, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm 2018, nhưng theo Phó Thủ tướng, kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan nhà nước trong việc chấp hành các bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật còn chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đến nay vẫn còn 151 bản án hành chính mà người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND chưa thực thi xong, tức tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp, Hệ thống THADS cần bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác thi hành án năm 2019. Đồng thời, tập trung chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức THADS, tập trung, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn trong thi hành án

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO