Hợp đồng cho lao động giúp việc: Luật đã có nhưng vẫn 'ngại' thực hiện

Khanh Lê 22/11/2017 08:05

Thuộc đối tượng được quy định và điều chỉnh trong Bộ luật Lao động năm 2012, tuy nhiên việc triển khai quy định ký kết hợp đồng lao động đang gặp phải sự bất đồng từ cả phía người sử dụng lao động và người lao động giúp việc gia đình. Lý do cả người sử dụng lao động với người lao động đều cho rằng, đây là những công việc giản đơn, có thể thỏa thuận miệng mà không cần đến hợp đồng lao động.

Nhiều người giúp việc gia đình chỉ ăn công hàng ngày, không có bảo hiểm. Ảnh: Thái Phương.

Chỉ 3% lao động giúp việc có Bảo hiểm xã hội

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, nhu cầu về lao động giúp việc gia đình trong và ngoài nước ngày càng tăng cao. Chính vì vậy, nước ta đã có một bước tiến lớn trong việc tăng cường bảo vệ pháp lý cho người giúp việc gia đình thông qua Bộ luật Lao động năm 2012 và Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình, cũng như Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Quốc hội ban hành ngày 29/11/2006. Tuy nhiên, do phải làm việc trong môi trường khép kín, bị đánh giá thấp, không được ràng buộc bởi các điều khoản rõ ràng về việc làm nên lao động giúp việc gia đình ít được bảo vệ bởi luật pháp. Do đó, nhiều người sử dụng lao động đã cố tình phớt lờ không kí kết hợp đồng bằng văn bản mà chỉ thực hiện quy trình ký kết văn bản miệng.

Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh- giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, hiện nay lao động giúp việc gia đình tại nước ta có đến 98,6% là nữ giới, tập trung ở độ tuổi trung bình khoảng 44,8 tuổi. Điều đáng nói là phần lớn trong số họ là những người chưa qua đào tạo, trình độ học vấn thấp, 20% có trình độ dưới tiểu học, 57% học hết THCS.

Bà Ngọc Anh cũng cho biết thêm, qua khảo sát thực tế, những người giúp việc gia đình và người đang có mong muốn làm công việc giúp việc gia đình đều không quan tâm, hiểu về các điều luật, hợp đồng liên quan đến giúp việc gia đình. Theo luật, người làm công việc giúp việc gia đình được tham gia BHXH, BHYT, nhưng thực tế, lại có đến 91,6% người giúp việc gia đình không có lương hưu và trợ cấp xã hội thường xuyên.

Chỉ có khoảng 3% lao động giúp việc gia đình có BHXH, nhưng phần lớn do họ tham gia khi còn công tác tại các đơn vị khác trước khi làm giúp việc gia đình. Có 19,5% người làm công việc này có BHYT, trong đó, đa số là tự mua hoặc được Nhà nước chi trả theo diện gia đình chính sách, hộ nghèo.

Cần có hợp đồng tiêu chuẩn cho giúp việc gia đình

Thực tế cho thấy, mối quan hệ giữa người giúp việc và người sử dụng lao động tồn tại từ lâu. Đặc biệt, từ khi Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực, đã khẳng định rằng người giúp việc gia đình là người lao động, người thuê họ là người sử dụng lao động, cả hai chủ thể này có vị trí ngang hàng nhau trong quan hệ lao động như bất cứ nghề nào khác. Trong đó các quy định pháp luật về hợp đồng lao động dành cho lao động giúp việc gia đình đã tương đối đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về hợp đồng lao động với lao động giúp việc gia đình vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc gây tranh cãi và thiếu khả thi trên thực tế. Đơn cử như khi thuê người giúp việc, giữa người sử dụng lao động và người lao động phải ký kết hợp đồng. Nội dung hợp đồng nêu rõ thỏa thuận về tiền lương, điều kiện ăn ở của người giúp việc.

Những quy định trên được đánh giá là bước tiến đáng mừng trong chính sách bảo vệ quyền lợi lao động giúp việc gia đình. Điều kiện sống và làm việc của những người giúp việc gia đình cũng có phần đảm bảo hơn. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết hợp đồng lao động được không được ký bằng hình thức văn bản, nếu có được ký bằng văn bản thì nội dung thỏa thuận thường cũng rất sơ sài chủ yếu là nội dung về tiền lương; công việc và địa điểm làm việc, những nội dung khác ít được người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận. Hậu quả là tình trạng người lao động phải làm việc nhiều hơn 8 giờ/ngày, không được nghỉ 4 ngày/tháng, phải làm việc cả trong ngày nghỉ lễ, Tết khá phổ biến.

Theo bà Tống Thị Minh- cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương Bộ LĐTBXH, cần bổ sung điều khoản đặc biệt ngoài tiêu chuẩn chung để đảm bảo được quyền lợi của nhóm lao động này. Mặc dù hành lang pháp lý đối với nhóm lao động giúp việc gia đình đã được ban hành đầy đủ, tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện các luật này vẫn chưa được hiệu quả. Vì vậy, theo bà Minh cần thiết phải có hợp đồng mẫu mang tính chất gợi ý, khuyến cáo để các bên có thể tham khảo đưa vào thỏa thuận hợp đồng tương đối đầy đủ.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho những lao động giúp việc gia đình, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng hợp đồng tiêu chuẩn chung, vừa giúp mang lại lợi ích cho người lao động, vừa tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ lao động. Theo ILO, hợp đồng tiêu chuẩn là một trong các công cụ tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí việc làm chính thức, bền vững cho lao động giúp việc gia đình. Khi chính thức hoá quan hệ lao động thông qua các thoả thuận bằng văn bản, sẽ giúp cho người sử dụng lao động và người lao động tuân thủ đúng luật định; đồng thời giúp các bên thảo luận, thống nhất việc tổ chức thời gian làm việc, tiền công, phúc lợi xã hội và các điều khoản quan trọng khác.

Trên thực tế, hầu hết hợp đồng lao động được không được ký bằng hình thức văn bản, nếu có được ký bằng văn bản thì nội dung thỏa thuận thường cũng rất sơ sài chủ yếu là nội dung về tiền lương; công việc và địa điểm làm việc, những nội dung khác ít được người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận. Hậu quả là tình trạng người lao động phải làm việc nhiều hơn 8 giờ/ngày, không được nghỉ 4 ngày/tháng, phải làm việc cả trong ngày nghỉ lễ, Tết khá phổ biến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hợp đồng cho lao động giúp việc: Luật đã có nhưng vẫn 'ngại' thực hiện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO