Hướng dẫn xử lý về xâm hại tình dục trẻ em: Cần cụ thể, chi tiết

Lan Hương 10/06/2019 08:00

Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) phối hợp với cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc tế (UNODC) vừa tổ chức hội thảo tham vấn đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 của Bộ luật Hình sự.

Lúng túng khi xét xử

Theo báo cáo của TAND Tối cao, tổng số vụ án xâm hại tình dục trẻ em trong 5 năm (từ năm 2013 đến năm 2017), tòa án đã thụ lý 8.254 vụ án/8.892 bị cáo; trong đó đã xét xử 7.586 vụ án/8.113 bị cáo, trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát là 549 vụ án/612 bị cáo. So với tổng số vụ án đã thụ lý, tỷ lệ trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát chiếm 6,65% số vụ án và 6,88% số bị cáo.

Còn theo thống kê của Bộ Công an, chỉ riêng năm 2018 đã có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em, giảm 2,8% so với năm 2017. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em), với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 trẻ em. Đáng chú ý, qua thực tiễn xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, Bộ Công an cho rằng việc phát hiện, thu thập, chứng cứ giám định chứng minh tội phạm gặp rất nhiều khó khăn do thiếu dấu vết, chứng cứ...

Nói về những khó khăn trong công tác xét xử, nhiều đại biểu cho biết, hiện nay một số khái niệm theo quy định về hiếp dâm, cưỡng dâm, quan hệ tình dục, dâm ô với người độ tuổi 13 đến 16 tuổi chưa được giải thích rõ ràng nên trong thực tiễn có phần lúng túng. Chẳng hạn, như thế nào là quan hệ tình dục khác, thế nào là bộ phận nhạy cảm… Những hành vi như thế cần phải có sự hướng dẫn, giải thích chính thống của cơ quan có thẩm quyền như Hội đồng Thẩm phán, TANDTC hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì người thực hiện mới có thể áp dụng.

Cần có những hướng dẫn cụ thể

Trước thực trạng trên, để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TANDTC đã triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số điều luật của Bộ luật Hình sự về các tội xâm hại tình dục trẻ em. Theo dự thảo Nghị quyết, Dâm ô quy định tại Khoản 1, Điều 146 của Bộ luật Hình sự là một trong các hành vi nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội, nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 16 tuổi.

Đáng chú ý, theo dự thảo Nghị quyết để đảm bảo phòng ngừa tội phạm và tái phạm tội khi xét xử các vụ án xâm hại trẻ em, cùng với việc phạt hành chính, tòa án phải áp dụng hình phạt bổ sung cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đối với người phạm tội. Ngoài ra trong dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số điều của Bộ luật Hình sự quy định về các tội xâm hại tình dục trẻ em, khái niệm dâm ô mới đã được mở rộng với nhiều hành vi cụ thể được liệt kê.

Đánh giá việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho rằng, xuất phát từ một số vụ việc xâm hại tình dục người chưa thành niên đã chỉ ra những vướng mắc mà pháp luật chúng ta không truy tố được thì việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn rất cần thiết. Tuy nhiên việc hướng dẫn cần nêu cụ thể các hành vi bởi cùng một hành vi như vậy ở các quốc gia khác họ xử lý được, xử lý nhanh, nhưng ở Việt Nam lại rất khó xử lý vì lúng túng trong việc xác định các hành vi phạm tội. Vì vậy việc hướng dẫn cần phải bổ sung các quy định cho phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng dẫn xử lý về xâm hại tình dục trẻ em: Cần cụ thể, chi tiết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO