Kê khai tài sản cá nhân: Tránh bệnh hình thức

Đức Sơn 15/04/2016 09:15

“Công chức từ chức vụ cao nhất đến thấp nhất trong diện phải kê khai tài sản đều phải kê khai, đã kê thì phải công khai. Phải có một cơ quan chịu trách nhiệm xác minh tính trung thực của người kê khai đó, có thế mới quản lý được tài sản, công tác phòng chống tham nhũng mới đạt hiệu quả”- Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (thuộc Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt phát biểu tại buổi họp báo Quý I/2016 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức sáng 14/4.

Ông Phạm Trọng Đạt. nguồn: nld.com.vn.

Kiến nghị thu hồi 731 tỷ đồng

Trong quý I/2016, toàn ngành thanh tra đã triển khai 1.553 cuộc thanh tra hành chính và 33.927 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 23.351,4 tỷ đồng và 1.973,5 ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 731,5 tỷ đồng và 335,6 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 22.619,9 tỷ đồng và 1.637,9 ha đất; ban hành 60.661 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 642,7 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 156 tập thể, 34 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 5 vụ việc, 5 đối tượng.

Cũng trong quý này, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 3.722 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao, đạt tỷ lệ trên 57,5%. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân hơn 8,4 tỷ đồng, 7 ha đất các loại; trả lại quyền lợi cho 207 người, kiến nghị xử lý hành chính 115 người, khởi tố 4 vụ, 2 đối tượng.

Về công khai, minh bạch, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra 806 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 2 đơn vị vi phạm. Trong quý I/2016, có 1 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngoài ra, ngành Thanh tra đã phát hiện 4 vụ, 6 đối tượng tại Thừa Thiên- Huế, Hà Nội, Lâm Đồng và Đồng Nai có hành vi tham nhũng với số tiền 3,1 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 196 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính 3 cá nhân, xử lý hình sự 3 vụ, 5 đối tượng. Qua điều tra tội phạm, cơ quan chức năng khởi tố 24 vụ, 39 đối tượng có hành vi tham nhũng.

Kê khai tài sản mang nặng tính hình thức

Theo ông Phạm Trọng Đạt-Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, TTCP đánh giá, công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta đã có tiến bộ nhưng còn diễn biến phức tạp, chưa ngăn chặn đẩy lùi được nhất là tham nhũng vặt. 3 tháng đầu năm 2016 phát hiện được 4 vụ tham nhũng với số tiền 3,1 tỷ đồng nhưng TTCP chỉ kiến nghị thu hồi 196 triệu đồng.

“Nhận hối lộ cũng là tham nhũng, sai quy định cũng là tham nhũng. Khi làm sai quy định thì lại phải chứng minh được việc làm sai đó có gây thiệt hại tài sản không, thiệt hại bao nhiêu nên xác định tài sản thu hồi ra sao là rất khó…”- ông Phạm Trọng Đạt nhấn mạnh.

Nêu quan điểm về vấn đề kê khai tài sản, ông Phạm Trọng Đạt đánh giá đây là một trong những biện pháp quản lý tài sản của đối tượng có nguy cơ tham nhũng, cụ thể là quan chức cần phải kê khai. Tuy nhiên việc kê khai tài sản hiện nay vẫn mang nặng tính hình thức.

Kê nhưng chưa công khai được nhiều, được sâu. Kê khai nhưng không có thẩm tra, xác minh được. Nhiều người kê khai không trung thực, không quản lý được.

“Công chức từ chức vụ cao nhất đến thấp nhất trong diện phải kê khai tài sản đều phải kê khai, phải công khai. Phải có một cơ quan chịu trách nhiệm xác minh tính trung thực của người kê khai đó, có thế mới quản lý được tài sản. Nếu là quan chức phải chấp nhận điều đó. Nếu không thì đừng làm quan chức nữa. Quan chức phải chịu sự giám sát chặt chẽ như vậy công tác phòng chống tham nhũng mới đạt hiệu quả.”- ông Đạt nhấn mạnh.

“Chúng ta còn tiêu tiền mặt rất nhiều còn tiền mặt thì dứt khoát không thể chống tham nhũng tốt được. Vì vậy, chúng ta phải đặt vấn đề quản lý tiền mặt như thế nào. Trả lương qua thẻ ATM chỉ quản lý đồng lương Nhà nước của cán bộ, công chức thôi. Không thể nào quản lý được nguồn thu nhập ở bên ngoài vào nên không thể nào chống được tội hối lộ và nhận phong bì được. Hiện nay, vấn đề kê khai tài sản đang trong tình trạng như thế. Tới đây tổng kết Luật phải sửa Luật...”- ông Đạt cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tiến độ thu hồi tài sản của đối tượng Giang Kim Đạt- nguyên Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin tại Singapore, Cục trưởng Cục chống tham nhũng của TTCP cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ phía Singapore. Tới đây vụ án Giang Kim Đạt tham nhũng sẽ được đưa ra xét xử công khai.

Liên quan đến Kết luận Thanh tra tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh xác nhận, Kết luận Thanh tra tại Petrolimex mà TTCP tiến hành, sau khi ký Kết luận rồi mới có nhiều ý kiến khác nhau. Chính phủ đã triệu tập họp để lắng nghe các Bộ, ngành, Thanh tra Chính phủ và Petrolimex trao đổi. Sau đó, Chính phủ đã có thông báo giao cho TTCP chủ trì phối hợp với các bộ ngành khác và phối hợp với Petrolimex để rà soát lại từng nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Cơ bản những nội dung Kết luận Thanh tra về Petrolimex đã được ký không có gì thay đổi. Tuy nhiên có một số số liệu phải được giải thích rõ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kê khai tài sản cá nhân: Tránh bệnh hình thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO