Khai thác cát tại Cam Ranh - Khánh Hòa - Bài 1: Đua nhau xẻ thịt suối Sông Cạn

Văn Nhất 27/05/2017 08:35

Trên khu vực một đoạn suối nhỏ diện tích khoảng 7ha, thuộc địa phận xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa, trong một thời gian ngắn, chính quyền địa phương đã cấp phép cho 3 doanh nghiệp cùng khai thác cát đã gây ô nhiễm môi trường, sạt lở nghiêm trọng đến diện tích canh tác, cây trồng và thủy sản của người dân.

Hút cát, hút luôn cây trồng và ao nuôi

Chúng tôi có mặt tại thôn Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) nơi có đại công trường hút cát ngày đêm. Dừng chân tại quán nước bên đường quốc lộ, hỏi thăm suối Sông Cạn thì được người dân chỉ rõ: “Cứ đi từ đường quốc lộ vào cỡ 200 m là thấy cả đại công trường khai thác cát, nào là xe múc, xe ben, máy hút cát, nó làm rầm rầm cả ngày”.

Từ Quốc lộ 1A, men theo con đường bê tông đã xuống cấp chừng 20m chúng tôi đã nghe những tiếng gầm rú của máy hút cát, xe múc, xe ben chở cát từ xa. Tiến sâu hơn chút nữa, các bãi cát lớn hàng trăm m3, cùng những chiếc xe múc, xe tải đã xuất hiện trên con đường hằn vết bánh xe.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những hàng cây dừa, xoài đổ ngã xuống sông. Chạy men theo bờ sông là hình ảnh của bờ cát đã bị sạt lở nghiêm trọng. Có nhiều đoạn sông sạt lở đã vào sâu hơn 3m và tính từ đáy sông cũng đã cao hơn 3m.

Ông Đoàn Quan Đang, trú tại thôn Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông đang trồng ớt tại thửa đất của mình chia sẻ: “Họ hút cả ngày cả đêm các chú ơi, đất cát sạt lỡ hết. Lúc trước, khu vực đất này không dốc và sạt lở vậy đâu, đất bằng và thoải lắm nhưng hai năm nay, hễ mưa xuống là bờ sạt lở. Đấy các chú xem, cả mấy km có đoạn nào không lở đâu, cây cối, hoa màu, kể cả dừa cũng đổ”.

Ông Đang cho biết thêm: “Khu vực này, năm ngoái người ta hút mạnh lắm. Họ hút từng đoạn, cứ hút đoạn trên thượng lưu xong là chuyển dần về phía dưới hạ lưu. Khi mưa và nước chảy xuống là đất cát hai bên bờ sạt lở xuống. Cát trên thượng nguồn đổ về thì khu vực hút cát lại bình thường. Cứ như thế chúng hút trên xong lại quay về hút dưới, cát thì không biết đi đâu, nhưng hai bờ sông cứ thế mà sạt lở, cây cối của người dân cứ thế mà đổ theo. Nghe nói mấy công ty này được chính quyền cấp phép khai thác”.

Tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở hai bên bờ suối Sông Cạn.

Một đoạn suối ngắn, 3 doanh nghiệp hút cát

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, vào ngày 14/4/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký văn bản cho phép Công ty TNHH TM DV& XD Đại Cát được phép khai thác hơn 2,1 ha với khối lượng 15.000 m3 trong 3 năm (mỗi năm 5.000 m3). Sau đó 10 ngày, ngày 24/4/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục ký văn bản cho phép thêm Công ty CP Đầu tư và PTTMDV Trung Hậu được phép khai thác trong diện tích 3,9 ha với tổng khối lượng là 27.000 m3 trong 3 năm.

Chưa dừng lại ở đó, đến tháng 2/2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục ký quyết định cho phép Công ty TNHH ĐT-DV Cát Khánh được phép khai thác diện tích 1ha với khối lượng 14.000m3 cũng trong 3 năm và cũng trên con suối Sông Cạn này. Như vậy, trên một con suối nhỏ, hẹp với nguồn nước ít ỏi dùng tưới tiêu cho cây trồng, UBND tỉnh đã cấp phép cho 3 doanh nghiệp cùng khai thác.

Ông Bạch Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Đông cho biết: “Tôi nói thật là xã không được lợi gì từ việc hút cát đó, có chăng là cung cấp cát xây dựng cho người dân địa phương, còn doanh nghiệp lấy cát đi bán thì họ được lợi thôi. Dân thì cứ kêu cứu chính quyền”. Việc đánh giá tác động môi trường về hút cát, theo ông Sửu là có, nhưng công tác đó được thực hiện như thế nào là việc của cấp trên. “Chúng tôi chỉ biết họ càng hút, bờ sông, đất nông nghiệp của người dân càng sạt lở” - ông Sửu buồn bã.

Ông Sửu cho biết thêm: “Cho nạo vét cát 3 năm, nhưng thực tế số liệu này thì ai kiểm tra được. Nếu họ khai thác sâu hơn thì số lượng nhiều hơn, nhưng xã không thể nắm được. Nói thật chứ xã không có khoản kinh phí nào chi để đi kiểm tra được việc đó, mà nếu có người thì năng lực, nhân lực cũng không túc trực được. Tỉnh bảo chỉ nạo vét cát bồi lấp song mấy chục năm rồi dù không nạo vét thì nước vẫn thoát. Quan điểm của xã, thành phố là không đồng tình tiếp tục cho các doanh nghiệp hút cát ở đó nữa nhưng tỉnh quyết định thì đành chịu”.

Mới đây nhất, vào ngày 22/3/2017, trong buổi tiếp xúc cử tri của HĐND thành phố Cam Ranh, nhiều cử tri cũng đã phản ánh tình trạng khai thác cát tại suối Sông Cạn. Qua khảo sát thực tế của Đoàn kiểm tra HĐND TP Cam Ranh cũng cho thấy, do không thực hiện đúng quy định, thời gian nạo vét, vị trí và độ sâu nên đã làm sạt lở dọc theo bờ sông, bờ suối Sông Cạn, ảnh hưởng đến đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp và nơi trồng thủy sản của các hộ dân…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai thác cát tại Cam Ranh - Khánh Hòa - Bài 1: Đua nhau xẻ thịt suối Sông Cạn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO