Khai thác mỏ đá ở Lạng Sơn: Quá nhiều sai phạm

Đức Sơn 04/01/2017 08:05

Kết quả thanh tra mới đây trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cho thấy: Trong 60 mỏ đá đang hoạt động khai thác, ngành chức năng phát hiện có 8 mỏ đã hết hạn khai thác theo giấy phép nhưng chưa có quyết định đóng cửa mỏ. 4 mỏ quá thời hạn 12 tháng chưa xây dựng cơ bản, chưa khai thác.

Không ít quả núi bị vạt hẳn do tình trạng khai thác đá ồ ạt.

Đáng chú ý, Sở Xây dựng Lạng Sơn đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc, nhưng phần lớn các đơn vị khai thác mỏ đá chưa thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm theo quy định mà vẫn lưu thông sản phẩm trên thị trường nhưng chưa có cơ quan nào kiểm tra, xử lý.

Mới đây, qua thanh tra 60 mỏ đá trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ngành chức năng phát hiện có 8 mỏ đã hết hạn khai thác theo giấy phép nhưng chưa có quyết định đóng cửa mỏ. 4 mỏ quá thời hạn 12 tháng chưa xây dựng cơ bản, chưa khai thác; Nhiều đơn vị chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về nộp tiền cấp quyền khai thác đối với Nhà nước trong thời gian từ năm 2014 đến nay.

Mạnh ai nấy sai

Những năm gần đây, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã cấp phép cho hàng trăm mỏ khai thác đá hoạt động, nhưng nhìn chung các đơn vị được cấp phép khai thác đá hoạt động chưa thực sự hiệu quả và tình trạng vi phạm các quy định diễn ra tràn lan. Mới đây, qua thanh tra 60 mỏ đá trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ngành chức năng phát hiện có 8 mỏ đã hết hạn khai thác theo giấy phép nhưng chưa có quyết định đóng cửa mỏ. 4 mỏ quá thời hạn 12 tháng chưa xây dựng cơ bản, chưa khai thác.

Mặt khác, trong 36 mỏ đang hoạt động, hầu hết các đơn vị chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong khai thác, chế biến mỏ đá. Cụ thể, một số đơn vị đang hoạt động khai thác nhưng chưa hoàn thành các thủ tục về thuê đất khu vực khai thác và chế biến. Chưa có văn bản xác nhận đã thực hiện đầy đủ các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án.

Nhiều đơn vị, không cấp phát trang bị bảo hộ lao động, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc hết hạn kiểm định an toàn lại các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt thuộc danh mục phải kiểm định định kỳ hàng năm.

Ngoài ra, một số đơn vị chưa hoàn thành việc xây dựng cơ bản mỏ đã thực hiện khai thác dẫn đến khai thác sai thiết kế đã được phê duyệt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Theo tìm hiểu được biết, những vi phạm chủ yếu là khai thác không tạo tầng, góc nghiêng sườn tầng khai thác lớn hơn quy định, vi phạm về chiều cao tầng khai thác, còn nhiều đá treo nhưng chưa được xử lý triệt để, có nguy cơ sạt lở.

Đáng chú ý, nhiều đơn vị chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về nộp tiền cấp quyền khai thác đối với Nhà nước trong thời gian từ năm 2014 đến nay gây thất thu đối với ngân sách nhà nước như: Công ty TNHH Hồng Phong (13,35 tỷ đồng với 2 mỏ), Công ty TNHH Tiến Long ( 3,99 tỷ đồng), Công ty CP Trường Sơn Lạng Sơn (5,53 tỷ đồng)…

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn, tổng số tiền cấp quyền khai thác các đơn vị chưa nộp tính đến thời điểm thanh tra là khoảng 73,5 tỷ đồng (chưa kể phạt chậm nộp). Tuy nhiên các cơ quan chức năng chưa phạt chậm nộp cũng như tham mưu cho UBND tỉnh Lạng Sơn thu hồi mỏ theo quy định.

Hiện nay, có tình trạng các đơn vị đang hoạt động khai thác chưa nộp tiền cấp quyền khai thác từ năm 2014 đến nay nhưng sau đấy trả lại một phần mỏ để giảm số tiền cấp quyền khai thác phải nộp, trên cơ sở đó tính lại và nộp tiền cấp quyền khai thác theo giấy phép mới mà không phải nộp phạt chậm nộp. Điều này tạo nên sự thất thu ngân sách nhà nước, tạo ra sự thiếu công bằng đối với các đơn vị đã nộp đúng, đủ theo quy định.

Đặc biệt, Sở Xây dựng Lạng Sơn đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc, nhưng phần lớn các đơn vị khai thác mỏ đá chưa thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm theo quy định nhưng vẫn lưu thông sản phẩm trên thị trường kể từ đầu năm 2015 đến nay nhưng chưa có cơ quan nào kiểm tra, xử lý.

Không chỉ vậy, hoạt động khai thác mỏ đá và vận chuyển đá ở một số nơi như tại huyện Hữu Lũng, Cao Lộc, Chi Lăng cũng ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm nứt nhà cửa của nhân dân và phá nát đường giao thông. Mặc dù người dân kiến nghị nhiều lần những vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Thiếu trách nhiệm

Đánh giá về thực trạng nêu trên, Thanh tra Bộ Xây dựng xác định, UBND tỉnh Lạng Sơn chưa tổ chức lập, trình HĐND cùng cấp thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất VLXD thông thường thẩm quyền cấp phép theo quy định tại Điểm D, Khoản 7, Điều 2, Quyết định 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam đến năm 2020.

Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ việc cấp phép khai thác đá cho các đơn vị kể từ ngày 1/7/2011 sau khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực đến thời điểm UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường ngày 30/8/2016 (tại Quyết định số 37/2016/QĐ-UBND) trong khi chưa có quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường được UBND tỉnh phê duyệt mà chỉ dựa trên quy hoạch phát triển VLXD là chưa đủ cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Khoáng sản.

Đồng thời, Quy hoạch phát triển VLXD được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt chưa phù hợp với nhu cầu đến năm 2016 về dự báo nhu cầu đá xây dựng dẫn tới quy hoạch đã vượt quá lớn so với nhu cầu thực tế, công suất đã cấp phép vượt 227% và công suất quy hoạch vượt 522% so với nhu cầu thực tế đến năm 2016.

“Tỉnh Lạng Sơn chưa kiên quyết trong việc chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định đối với các đơn vị hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy theo quy định nhưng vẫn lưu thông trên thị trường. Tại thời điểm thanh tra chỉ có 5 đơn vị khai thác đá thực hiện công bố hợp quy theo quy định, các đơn vị khai thác khác hầu hết chưa công bố hợp quy sản phẩm theo quy định nhưng vẫn lưu thông trên thị trường và chưa có cơ quan chức năng nào xử lý theo quy định của pháp luật…”- Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định.

Thanh tra Bộ Xây dựng cũng cho rằng, 3 đơn vị gồm: Công ty TNHH Anh Thắng, Công ty CP đầu tư khoáng sản và than Đông Bắc, Công ty TNHH khoáng sản Minh Long…được cấp giấy phép khai thác nhưng gần 4 năm chưa thực hiện xây dựng mỏ cơ bản, không có hoạt động khai thác mà không vì lý do bất khả kháng nhưng UBND tỉnh Lạng Sơn chưa chỉ đạo Sở TN&MT rà soát để thu hồi theo quy định.

Một số đơn vị đã hết hạn khai thác theo giấy phép từ năm 2012 nhưng đến thời điểm thanh tra chưa có quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, quyết định đóng cửa mỏ theo quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai thác mỏ đá ở Lạng Sơn: Quá nhiều sai phạm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO