Nan giải cuộc chiến chống cát tặc

Tấn Thành- Chí Đại 15/08/2017 07:50

Thời gian qua, tình trạng cát tặc và chở cát quá tải trên sông Thu Bồn, Vu Gia, thuộc tỉnh Quảng Nam diễn biến phức tạp. Nạn khai thác cát đã để lại những hậu quả khó lường như làm thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, làm mất đất sản xuất, thất thoát tài nguyên khoáng sản và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người dân sinh sống đôi bờ.

Tạm giữ các ghe hút cát trái phép trên sông Thu Bồn.

Nóng chuyện cát tặc

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Bùi Văn Ba- Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TNMT Quảng Nam) cho biết: “Toàn tỉnh có 184 mỏ, điểm mỏ cát, sỏi được quy hoạch thăm dò, khai thác với tổng diện tích 1.777ha và trữ lượng dự kiến hơn 60 triệu mét khối.

Hiện có 35 giấy phép khai thác cát, sỏi còn hiệu lực với tổng diện tích gần 150ha, trữ lượng 6,3 triệu mét khối, chủ yếu ở các tuyến sông Vu Gia, Thu Bồn, với tổng công suất khai thác khoảng 1,4 triệu m3/năm.

Thế nhưng, do cung không đủ cầu nên tình trạng khan hiếm cát, khiến giá cát tăng chóng mặt từ 130.000 đồng/m3 thế mà giờ đây đã là 250.000 đồng/m3, vì thế cát tặc tiếp tục hoành hành trên các tuyến sông, nhất là dòng sông Thu Bồn.

Mỗi ngày, có hàng chục phương tiện lợi dụng đêm tối, hay lúc vắng người lén lút hút trộm cát dưới lòng sông, dẫn đến tình trạng thay đổi dòng chảy gây sạt lở bờ sông, mất đất canh tác hoa màu của hàng trăm hộ dân ở dọc hai bờ sông.

Đã xuất hiện một số điểm tập kết cát lậu mọc lên ở hai bên bờ sông và sự gia tăng của nhiều phương tiện hút cát lậu và chở cát quá tải lưu thông trên sông, gây nhức nhối ở các địa phương.

Ông Nguyễn Th. (60 tuổi), trú xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên bức xúc: Hút cát không chỉ gây sạt lở đất canh tác của bà con mà rất nguy hiểm về mùa mưa bão.

Ông Nguyễn Thanh Tôn, ở thôn Kỳ Lam, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn bức xúc: “Các tàu hút cát hoạt động mạnh từ 3 đến 4h sáng hàng ngày. Dân ra cản nhiều lần mà đâu có được, nhiều người làm đơn gửi đi các nơi nhưng chưa có phản hồi”.

Theo ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, hiện nay ngành nông nghiệp đang chịu sức ép về sạt lở bờ sông. Thực tế sông Vĩnh Điện sạt lở rất nhiều do vận chuyển cát. Thế nhưng chưa có quy định 1 chiếc tàu vận chuyển bao nhiêu m3, chạy với vận tốc bao nhiêu trên sông?

Cuộc chiến chưa có hồi kết

Đại úy Lê Phan Minh Mẫn, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy tỉnh Quảng Nam cho biết: 2 tháng vừa qua, đơn vị đã xử lý gần 100 tàu, ghe vi phạm về giao thông đường thủy.

Trong đó, 10 tàu vi phạm hút cát, sỏi trái phép, còn lại các tàu vi phạm chở cát quá tải trên các tuyến sông, chủ yếu là Vu Gia-Thu Bồn. Đến thời điểm hiện tại, Đội đã lập biên bản xử phạt gần 100 trường hợp tàu chở cát quá tải.

CSGT đường thủy tỉnh còn phát hiện nhiều tàu chở cát qua vạch dấu mức nước an toàn. “Tình trạng tàu chở cát quá tải nguy hiểm trên sông đe dọa tính mạng con người trên các phương tiện, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Khi quá tải khiến tàu chìm sâu xuống làm khuất tầm nhìn, rất nguy hiểm cho những tàu khác đi ngược chiều lại. Nếu những tàu bị xử phạt rồi mà còn cố tình vi phạm hoặc chở vượt quá số lượng cát so với phiếu xuất kho, khi bị kiểm tra thì sẽ bị tạm giữ phương tiện, phạt mức cao hơn để giảm thiểu tình trạng chở quá tải lưu thông trên sông” - Đại úy Lê Phan Minh Mẫn cho biết.

Còn Thượng tá Lê Đinh Xê, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: “Lực lượng Cảnh sát Giao thông đường thủy cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền lưu động đến các doanh nghiệp vận tải đường thủy ở Cửa Đại, TP Hội An và các tài công để hiểu rõ luật và phòng tránh vi phạm trong việc vận chuyển cát, hành khách khi lưu thông trên sông, đồng thời quyết liệt xử lý các đối tượng khai thác vận chuyển cát trái phép”.

Thế nhưng xem ra “cuộc chiến” này khó kết thúc, đồng nghĩa bờ sông vẫn tiếp tục sạt lở, nông dân còn mất đất sản xuất, tài nguyên khoáng sản bị thất thoát, tính mạng người dân mưu sinh trên sông, sống ở đôi bờ các dòng sông tiếp tục bị đe doạ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải cuộc chiến chống cát tặc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO