Quy định điều kiện KD karaoke trong khu dân cư như thế nào?

PV (theo VGP) 18/07/2017 16:30

Theo ý kiến của ông Phùng Xuân Tuất (TP HCM), Văn bản hợp nhất số 3207/VBHN-BVHTTDL bỏ quy định điều kiện kinh doanh và hoạt động kinh doanh karaoke trong khu dân cư phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề là không phù hợp thực tiễn, gây nhiều hệ lụy cho người dân.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, ông Tuất đề nghị xem xét lại việc bãi bỏ quy định trên.

Cũng liên quan đến điều kiện kinh doanh karaoke, ông Phạm Quang Tuyển (Quảng Nam) cho rằng, quy định mới yêu cầu các hộ kinh doanh karaoke tại tầng 2 trở lên phải có lối thoát hiểm, nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh là bất hợp lý. Quy định này ban hành sau khi gia đình ông được cấp phép kinh doanh. Nếu muốn thực hiện, gia đình ông sẽ bị phát sinh chi phí lớn.

Do vậy, ông Tuyển kiến nghị, đối với các hộ kinh doanh karaoke quy mô nhỏ, cơ quan chức năng có thể gia hạn quy định bảo đảm lối thoát hiểm trong thời gian 1 năm kể từ khi cơ quan phòng cháy chữa cháy địa phương tới làm việc, đồng thời Chính phủ hỗ trợ tối thiểu 50% chi phí cho các cơ sở kinh doanh karaoke đã hoạt động trước thời điểm quy định mới về lối thoát hiểm được ban hành, để chủ cơ sở thay đổi kết cấu nhà bảo đảm quy định.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời như sau:

Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng quy định một trong các điều kiện "địa điểm hoạt động karaoke trong khu dân cư phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề". Tuy nhiên, nhằm tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh giảm thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân muốn kinh doanh, nên tại Điểm h, Khoản 6, Điều 2 Nghị định 01/2012/NĐ-CP ngày 4/1/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/2/2012, đã không còn quy định điều kiện đối với "hộ liền kề".

Nhưng để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến các hộ liền kề, các tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh karaoke vẫn phải tuân thủ các điều kiện đã được quy định tại Điều 30 Nghị định số 103/2009/NĐ-CP.

Quy định về lối thoát hiểm cơ sở kinh doanh karaoke

Để cụ thể hóa các quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy và các văn bản hướng dẫn thi hành về điều kiện, trách nhiệm, biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của tổ chức, cá nhân.

Ngày 6/10/2015, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 47/2015/TT-BCA hướng dẫn về bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke, có hiệu lực thi hành từ ngày 4/12/2015.

Theo đó, Khoản 2, Điều 15 Thông tư số 47/2015/TT-BCA quy định: "Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke thực hiện bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo hướng dẫn tại Thông tư này".

Như vậy, đến ngày 4/12/2017 thì cơ sở đang hoạt động kinh doanh vũ trường, karaoke phải thực hiện bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo hướng dẫn tại Thông tư số 47/2015/TT-BCA.

Do nội dung đơn kiến nghị của ông Phạm Quang Tuyển chỉ nêu là cơ sở kinh doanh karaoke quy mô nhỏ với 4 phòng thuộc tầng 2 mà chưa nêu cụ thể diện tích, khối tích đang sử dụng kinh doanh karaoke nên chưa thể xác định được chính xác cơ sở này có thuộc danh mục cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy. Do đó:

Nếu cơ sở đang kinh doanh karaoke thuộc danh mục cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (cơ sở có khối tích từ 1.500m3 trở lên) thì phải bảo đảm các giải pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy, có quy định: "Lối thoát nạn của chương trình phải bảo đảm theo quy định tại QCVN 06/BXD; Cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường thuộc nhóm nhà F2.1. Các gian phòng có mặt đồng thời hơn 50 người và các tầng nhà của cơ sở sinh doanh karaoke, vũ trường phải có không ít hơn 2 lối thoát nạn".

Trường hợp cơ sở kinh doanh karaoke có khối tích nhỏ hơn 1.500m3 thì phải bảo đảm các yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Khoản 6, Điều 15 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.

Đối với kiến nghị của ông Tuyển, trường hợp các cơ sở kinh doanh karaoke trước ngày Thông tư số 47/2015/TT-BCA có hiệu lực (4/12/2015), Bộ Công an đã cho các cơ sở thời hạn 24 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Do đó, đề nghị gia hạn thêm thời gian của ông Tuyển là không hợp lý.

Việc trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, thay đổi kết cấu nhà để bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định là biện pháp để ngăn chặn cháy, nổ và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có cháy, nổ xảy ra, qua đó bảo đảm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của cơ sở.

Vì vậy kinh phí cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy của cơ sở do cơ sở chịu trách nhiệm bảo đảm.

Hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở kinh doanh karaoke như theo ông Tuyển đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy định điều kiện KD karaoke trong khu dân cư như thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO