Rút gần 50 tỷ đồng của khách hàng: Lừa ký vào giấy tờ khống

Bắc Vũ 29/09/2016 09:00

Đó là lời khai của cả Nguyễn Thị Lam (đối tượng chủ mưu vụ rút ruột gần 50 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng) và Đặng Đình Hồng (SN 1973) trú tại xã Tràng Sơn (Đô Lương)- nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch Đô Lương (Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Vinh).

Đối tượng Nguyễn Thị Lam tại cơ quan điều tra.

Ngày 27/9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) - Công an Nghệ An công bố thông tin về vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” tại Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Vinh. Cụ thể, theo thông tin từ cơ quan điều tra, Nguyễn Thị Lam sinh ngày 17/7/1987, trú tại xóm Yên Hương, xã Yên Sơn (Đô Lương).

Tháng 3/2011, Lam được nhận vào làm nhân viên ngân quỹ tại Phòng Giao dịch Đô Lương, với nhiệm vụ thu chi tiền mặt, kiểm tra hồ sơ cho vay vốn của khách hàng, huy động vốn, cho vay theo chỉ tiêu...Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, Lam giàu lên một cách bất thường khi đi xe ô tô đắt tiền, xây nhà, mua nhiều đất đai…

Qua công tác nắm tình hình, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Nghệ An nhận thấy Nguyễn Thị Lam có dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự, và chuyên án 916E được xác lập. Ngày 19/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, thời điểm này, đối tượng Nguyễn Thị Lam vắng mặt tại địa phương. Thông qua công tác vận động, đến ngày 21/9, đối tượng Nguyễn Thị Lam ra đầu thú và bước đầu khai báo các hành vi phạm pháp.

Tiếp đó, ngày 24/9, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Đặng Đình Hồng (SN 1973), trú tại xã Tràng Sơn (Đô Lương) – nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch Đô Lương, Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Vinh về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285 BLHS. Thủ đoạn của Lam là tự nâng lãi suất tiền gửi từ 3,5 – 5,5% lên 7-12%/năm nên đã tạo được lòng tin, mối thân quen với khách hàng, thậm chí những thủ tục Lam còn làm trực tiếp tại nhà riêng và lãi suất tự nâng đó đều được Lam thanh toán đầy đủ. Cũng theo công bố của cơ quan điều tra, từ năm 2013, Lam bắt đầu nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền và dùng các thủ đoạn gian dối để rút tiền từ Ngân hàng Eximbank.

Cũng phải nhắc lại rằng, Ngân hàng Thương mại CP XNK Việt Nam có Quyết định 356 ngày 8/9/2014 về việc ban hành Quy chế sử dụng tiền gửi: “Khách hàng muốn đến rút tiền tiết kiệm đã gửi tại Eximbank, bắt buộc trực tiếp đến tại Ngân hàng để trực tiếp ký các hồ sơ, thủ tục; Trực tiếp xuất trình giấy CMND và hộ chiếu đang còn hiệu lực; Xuất trình sổ tiết kiệm mà ngân hàng giao cho mình nắm giữ”.

Vậy nhưng, vì mối quan hệ thân quen từ trước, Lam đã lừa khách hàng ký vào các bản khống chỉ, sau đó tự viết tay những yêu cầu về nội dung (cần rút hoặc chuyển khoản bao nhiêu tiền) để nhân viên ngân hàng trực tiếp đánh máy vào các bản khống chỉ đã có chữ ký của khách hàng rồi trình kiểm soát viên ký duyệt. Ngoài ra, ở một số bản khống chỉ, Lam còn giả mạo chữ ký của khách hàng. Với thủ đoạn này, Lam đã trực tiếp rút ra khỏi hệ thống 48 tỷ đồng, đứng tên 6 khách hàng. Trong số này có 14 tỷ đồng từ các giấy tờ do Đặng Đình Hồng - nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch Đô Lương ký. Suốt thời gian đó, cả Ngân hàng Eximbank và khách hàng đều không hề hay biết.

Trao đổi với báo chí, Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm đánh giá: Đây là vụ rút tiền sai quy định ra khỏi hệ thống lớn nhất từ trước đến nay ở Nghệ An. Hiện Công an Nghệ An đang phối hợp với VKSND tỉnh Nghệ An xác định rõ tội danh của Nguyễn Thị Lam là “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản” hay “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm - Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý và chức vụ (Công an Nghệ An) cho biết, khách hàng không sợ mất số tiền đã gửi, Ngân hàng phải đảm bảo nguyên vẹn số tiền gửi của khách hàng. Được biết, trong số 6 khách hàng bị Lam lợi dụng đứng tên rút tiền ra khỏi hệ thống, người có số tiền gửi nhiều nhất là 34 tỉ đồng, ít nhất là 350 triệu đồng.

Theo quan điểm của cơ quan điều tra, cần xác định khách thể bị xâm hại ở đây không phải là khách hàng mà là phía Ngân hàng Eximbank. Nếu xác định rõ chủ thể bị xâm hại ở đây là phía Ngân hàng thì trách nhiệm dân sự thuộc về Nguyễn Thị Lam, còn Ngân hàng phải đảm bảo nguyên vẹn số tiền gửi của khách hàng. Bởi tiền gửi của khách hàng được pháp luật bảo hộ và bảo hiểm của ngân hàng, khách hàng không rút, không trực tiếp đến ngân hàng rút tiền, không ủy quyền cho ai, còn giữ sổ tiết kiệm thì tiền sẽ không mất đi.

Trường hợp Đặng Đình Hồng là người từng đứng đầu Phòng Giao dịch Đô Lương, hiện nay cơ quan điều tra mới chỉ xác định là do nể nang dẫn tới tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” chứ chưa phát hiện ra dấu hiệu cùng lợi dụng để chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng - tức là đồng phạm của Nguyễn Thị Lam.

Liên quan đến vụ án này, ngày 28/9/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 2 bị cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rút gần 50 tỷ đồng của khách hàng: Lừa ký vào giấy tờ khống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO