Sông Hậu trước nguy cơ bị đầu độc

Lê Quốc Khánh 27/06/2016 09:46

Những ngày qua, dư luận xã hội hết sức quan tâm đến chuyện của nhà máy giấy Lee & Man của Công ty TNHH giấy Lee & Man (Hong Kong - Trung Quốc) đặt tại cụm công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang trên diện tích 80 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỉ USD. Nhà máy này được xem là có quy mô lớn nhất Việt Nam và nằm trong số 5 nhà máy giấy lớn nhất thế giới đang ở giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị đi vào hoạt động thử nghiệm vào tháng 7/2016 và cho ra sản phẩm vào

Sông Hậu trước nguy cơ bị đầu độc

Môi trường sông Hậu bi đe dọa.

Kỳ 1: Cái chết được báo trước

Dư luận cũng như các nhà khoa học băn khoăn cho rằng: Khi nhà máy giấy Lee & Man đi vào sản xuất, sông Hậu sẽ bị đầu độc bởi công nghệ sản xuất giấy sử dụng một lượng lớn hóa chất trong đó có hóa chất xút (NaOH), khi xả nước thải ra môi trường sẽ hủy hoại môi trường, trong đó môi trường được thải ra là sông Hậu – nơi nuôi sống gần 5 triệu người ở các tỉnh, thành gồm: Thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh.

Dự án đã được cảnh báo

Hồi năm 2007-2008, khi dự án nhà máy giấy Lee & Man chuẩn bị khởi công, (luận chứng đưa ra là khởi công vào tháng 8/2007), dự kiến hoàn thành sau 14 tháng. Tuy nhiên, không biết thế nào mà khởi công được một thời gian ngắn thì dừng lại. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang thúc mãi thì đến 2014, Lee & Man mới khởi động lại.

Tuy nhiên việc đánh giá tác động môi trường của nhà máy không được tiến hành lại, gây ra bao nỗi lo lắng cho người dân quanh vùng. Trước đó, khi biết thông tin dự án xây dựng nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man đang xin cấp phép thành lập tại Cụm công nghiệp Nam Sông Hậu, VASEP đã gửi văn bản báo cáo tới Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề nghị Bộ có ý kiến với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan về việc này.

Sau khi nhận được kiến nghị của VASEP và được sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 6/9/2007, Cục Lâm nghiệp đã có công văn trả lời về vụ việc trên, nêu rõ: Theo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” thì không quy hoạch xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang và theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Lúc đó, có một vị đại biểu Quốc hội đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối việc xây dựng nhà máy giấy ven sông Hậu, bởi đây là vùng vựa lúa của cả nước, vựa thủy sản và là vùng trái cây của huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Hơn nữa, nơi tọa lạc nhà máy giấy lại cạnh nhà máy nước Cần Thơ cung cấp nước sinh hoạt cho gần 500.000 dân ở các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy. Dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng cuối cùng nhà máy Lee & Man vẫn được khởi công.

Làm lấy được...

Báo cáo số 72/BC-UBND ngày 17/6/2016 của UBND tỉnh Hậu Giang gửi Thủ tướng Chính phủ nhận định cơ sở pháp lý về dự án Lee & Man là sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm và nhà máy bột giấy tẩy trắng sản lượng 330.000 tấn/năm tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành trong đó phía nhà máy phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra sông.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với công suất thiết kế 420.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng công suất 330.000 tấn/năm đã được phê duyệt, Lee & Man xây dựng trạm xử lý nước thải 155.000 m3/ngày đêm, đầu tư thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 xây dựng nhà máy xử lý nước thải (NMXLNT) công suất 50.000 m3/ngày đêm và giai đoạn 2, xây dựng NMXLNT công suất 105.000 m3/ngày đêm.

Tuy vậy, đến nay, khi Lee & Man chuẩn bị đi vào họat động thì Lee & Man chỉ mới xây dựng nhà máy xử lý nước thải (NMXLNT) công suất 20.000 m3/ngày đêm (!?). Ngày 21/6/2015, nhà máy giấy có công văn gửi UBND tỉnh Hậu Giang và Sở TN-MT tỉnh này xin điều chỉnh một số nội dung theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt.

Theo các nhà khoa học, công nghiệp giấy được xếp vào loại gây ô nhiễm hơn cả công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là sử dụng nhiều chất tẩy độc hại trong quá trình sản xuất và việc tái chế giấy càng thải ra nhiều chất độc hại.

Tại cuộc họp báo ngày 17/6/2016 kéo dài gần 5 giờ, Tổng giám đốc Chung Wai Fu nhắc đi nhắc lại nhiều lần là Lee & Man chỉ sản xuất giấy, không sản xuất bột giấy, không sử dụng hóa chất xút (loại hóa chất cực độc trong công nghệ sản xuất giấy), nhưng luận chứng của dự án ghi rõ là có sản xuất bột giấy công suất 330.000 tấn/năm.

Như vậy, nếu Lee & Man có hệ thống sản xuất bột giấy thì chắc chắn phải dùng xút và sẽ gây ô nhiễm môi trường lớn nhất là dịch đen (black liquor) trên sông Hậu. Theo đánh giá ĐTM của dự án đã được phê duyệt vào năm 2008, Công ty Lee&Man sẽ sử dụng 215.217 kg xút/ngày đêm cho hoạt động sản xuất giấy

Ngoài ra, ông Chung Wai Fu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man VN, cho biết, chưa có đánh giá ĐTM tổng thể mà chỉ có báo cáo từng hạng mục và sẽ tiến hành gom lại thành một.

Đây là một kiểu nói lấy được của lãnh đạo Lee & Man. Tổng giám đốc Chung cũng cho biết là hệ thống ống xả thải của Lee & Man được thiết kế nổi và được đấu nối với Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang để giám sát việc xả thải. Tuy nhiên, khi các nhà báo đề cập đến vấn đề này thì Tổng giám đốc Chung lại cho rằng nhà máy chưa đi vào họat động nên chưa đấu nối. Sở cũng chưa xây dựng trạm quan trắc tự xử lý nước của Lee & Man để theo dõi đơn vị này.

Quả là có quá nhiều điều chưa rõ ràng về dự án nhà máy giấy Lee & Man.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sông Hậu trước nguy cơ bị đầu độc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO