Tàng trữ 50g sừng tê giác đã bị xử lý hình sự

Ngọc Anh 11/03/2016 11:25

Sáng 10/3, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã tổ chức Hội thảo tham vấn các cơ quan báo chí trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm động vật hoang dã. Hội thảo cho thấy cần sự hợp tác chặt chẽ, tích cực hơn giữa các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã và báo chí trong công cuộc đấu tranh phức tạp và lâu dài này.

Tàng trữ 50g sừng tê giác đã bị xử lý hình sự

Tàn sát gà rừng, chim rừng, rồi vô tư treo cổ chúng
ở ven quốc lộ bán cho thực khách (chụp tại Phong Thổ, Lai Châu).

Theo bà Hoàng Bích Thủy- Quản lý chương trình Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS), tình trạng tội phạm động vật hoang dã đang cực kỳ nghiêm trọng. Trong vòng một thế kỷ qua, 95% dân số loài tê giác đã bị tiêu diệt, trong đó, năm 2011, con tê giác cuối cùng ở Việt Nam đã chết. Có thể nói là loài tê giác đã hoàn toàn tuyệt chủng ở Việt Nam. Từ năm 2010 đến 2012, trên thế giới có 100.000 con voi bị giết hại, 1 triệu con tê tê bị buôn lậu trái phép trong vòng một thập kỉ. Sự biến mất của một quần thể động vật lớn trong khoảng thời gian quá ngắn có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ sinh thái.

Cũng theo bà Hoàng Bích Thủy, buôn bán động vật hoang dã không chỉ gây nên các nguy cơ như tàn phá cân bằng sinh thái, là tác nhân lây truyền bệnh dịch đe dọa sức khỏe con người mà còn là nguồn gốc dẫn đến các loại tội phạm khác, đe dọa an ninh xã hội và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam trở thành một trong những điểm trung chuyển và buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm trên thế giới từ các nước trong khu vực và các nước từ châu lục khác, đặc biệt là mẫu vật ngà voi và sừng tê giác. Đồng thời họ cũng chỉ trích sự lỏng lẻo trong quản lý của các cơ quan chức năng Việt Nam, trong đó có nguyên nhân là hình phạt đối với loại tội phạm này còn nhẹ và chưa được xử lý đúng với các qui định của pháp luật, trong khi lợi nhuận của hành vi này mang lại là khổng lồ.

Trước vấn đề nhiều đại biểu dự Hội thảo nêu lên là cơ sở pháp lý để xử lý tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã còn nhẹ, bà Lê Thị Hòa (Bộ Tư pháp) cho biết Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/7/2016 tới đây đã có nhiều điểm mới quan trọng. Theo đó, mở rộng phạm vi các loài động vật hoang dã được bảo vệ, nâng mức hình phạt đối với các hành vi nghiêm trọng. Đặc biệt là hình sự hóa hành vi tàng trữ động vật quý hiếm, điều chưa có trong Bộ luật Hình sự trước đây. Đây cũng chính là kẽ hở để các cơ quan thực thi pháp luật căn cứ để né tránh việc xử lý hình sự các vụ việc buôn bán trái phép động vật hoang dã. Để chứng minh cho tính pháp lý chặt chẽ hơn của Bộ luật Hình sự 2015 đối với hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã, bà Hòa đưa ra một ví dụ: Từ 1/7/2016 tới đây, chỉ cần tàng trữ 50g sừng tê giác đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự… Đây là những điểm mới mà báo chí cần tuyên truyền mạnh để thay đổi hành vi và nhận thức của xã hội.
Tuy nhiên, bằng những hình ảnh và dẫn chứng sinh động trong tham luận trình bày tại Hội thảo, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng- người dành nhiều tâm huyết cho mảng đề tài về bảo vệ động vật hoang dã với nhiều bài điều tra công phu cả trong và ngoài nước, được các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã trao những giải thưởng lớn – cho biết: Vấn đề bức xúc nhất hiện nay lại ở khâu thực thi pháp luật. Có nhiều vụ việc đã được báo chí điều tra cụ thể, bằng chứng cụ thể nhưng các cơ quan có trách nhiệm vẫn né tránh không xử lý. Thậm chí không thể không nghi ngờ có sự “bảo kê” trong nhiều vụ việc tàng trữ, buôn bán động vật hoang dã. Nhà báo này đặt câu hỏi: Vì sao những người tâm huyết nhất với bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam hiện nay lại là những người nước ngoài?

Đồng tình với các ý kiến là cần những tiếng nói mạnh mẽ hơn từ báo chí, theo ông Nguyễn Văn Hùng- Hàm Vụ trưởng Vụ báo chí - xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Hội thảo này được Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì với sự tham gia của nhiều tổ chức và lắng nghe tiếng nói từ báo chí, là để đề cao vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về bảo tồn động vật hoang dã. Khuyến khích các cơ quan báo chí mở chuyên mục về bảo tồn động vật hoang dã và sắp tới đây sẽ có kiến nghị xây dựng quỹ khen thưởng cho các nhà báo có nhiều bài viết xuất sắc liên quan đến động vật hoang dã hàng năm.

Chúng ta có hàng nghìn tờ báo, nhưng mỗi năm theo thống kê của WCS chỉ có 324 tin bài về bảo tồn động vật hoang dã. Bởi vì các tác phẩm ấy không có tác dụng câu view vì nó không hot. Cho nên thách thức đối với nhà báo hiện nay là phải làm cho hay hơn, nóng hơn và có phương pháp phân tích để nó hấp dẫn hơn, ra vấn đề hơn đối với các đề tài liên quan đến động vật hoang dã. Báo chí cần vào cuộc quyết liệt hơn đối với chủ đề này. Động vật hoang dã giống như linh hồn của thiên nhiên, là linh hồn của chúng ta.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tàng trữ 50g sừng tê giác đã bị xử lý hình sự

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO