Xét xử đại án kinh tế Phạm Công Danh và đồng phạm: Tạo điều kiện để các bị cáo khắc phục hậu quả

Lê Anh 10/08/2016 00:40

Ngày 9/8, tại TP HCM, phiên tòa xét xử đại án kinh tế liên quan đến bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB) cùng 35 đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng bước sang ngày xét xử thứ 16 với sự tham gia xét hỏi của các luật sư, cũng như những người có quyền và trách nhiệm liên quan được triệu tập để làm rõ các sai phạm bị cáo buộc trong Cáo trạng.

Xét xử đại án kinh tế Phạm Công Danh và đồng phạm: Tạo điều kiện để các bị cáo khắc phục hậu quả

Các cán bộ, nhân viên VNCB đồng loạt kêu oan.

Đáng chú ý, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã triệu tập bà Quách Kim Chi, là vợ của bị cáo Phạm Công Danh để làm rõ các tài sản chung và riêng của gia đình bị cáo Danh trong việc “khắc phục hậu quả” của vụ án.

Trước tòa, ông Danh mong muốn có thể dùng các tài sản chưa bị niêm phong để khắc phục hậu quả. Trong đó, phần tài sản tại Tập đoàn Thiên Thanh do bị cáo Danh làm Tổng giám đốc, có cả phần góp vốn của bà Chi (vợ bị cáo Danh) nên cần phải làm rõ.

HĐXX đã mời bà Quách Kim Chi lên tham gia xét hỏi. Bà Chi cho biết: Đối với những khoản vay thì xin HĐXX thực hiện đúng theo pháp luật, còn đối với những việc về tài sản chung của hai vợ chồng thì bà sẽ bàn bạc cụ thể hơn với ông Danh.

Tại tòa, bị cáo Phạm Công Danh cũng đã xin HĐXX cho phép được bàn riêng với vợ mình về “tài sản chung, tài sản riêng”, có sự tham gia của các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phạm Lương Toản đã chấp nhận đề nghị của bị cáo Danh, đồng thời cho phép hai vợ chồng bị cáo được bàn về “khu đất 250 triệu USD” để sử dụng vào phần khắc phục hậu quả của vụ án.

Như vậy đây là lần thứ hai HĐXX cho phép Phạm Công Danh và các đồng phạm được bàn bạc với gia đình và luật sư bào chữa để xác định khả năng khắc phục hậu quả của vụ án. Các tình tiết cho thấy xu hướng mới trong xét xử các vụ án hình sự liên quan đến kinh tế, nhắm vào hiệu quả khắc phục hậu quả sau cùng của các vụ án.

Cũng trong ngày 9/8, HĐXX cũng làm rõ các sai phạm của bị cáo Phan Tuấn Anh (nguyên Quyền trưởng phòng tín dụng VNCB) liên quan đến khoản vay 3.570 tỷ đồng của 10 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh.

Đáng chú ý, các công ty này đều chỉ có một giám đốc, không có nhân viên và cũng không có hoạt động kinh doanh. Các giám đốc đều do bị cáo Danh sắp xếp từ các nhân viên, bảo vệ, tài xế thuộc Tập đoàn Thiên Thanh do mình làm Tổng GĐ, đã gây thất thoát hơn 1.600 tỷ đồng cho VNCB.

Trước tòa, bị cáo Phan Tuấn Anh khai nhận, không biết 10 giám đốc của 10 công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh, cũng như không biết các hồ sơ được lập khống. Bị cáo cũng không đi thẩm định thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty “ma” của Phạm Công Danh, do đó đã vô tư ký đồng ý cho vay.

Cũng liên quan đến các cáo buộc về hành vi “Vi phạm quy định về cho vay”, hầu hết các bị cáo là cán bộ thuộc Ngân hàng VNCB đều phủ nhận các sai phạm mà cho rằng đã làm theo đúng quy trình và chỉ đạo của Phạm Công Danh trong việc VNCB cho 12 công ty con của Phạm Công Danh vay, qua đó gây thất thoát 2.095 tỷ đồng của ngân hàng này.

Hôm nay (10/8), HĐXX sẽ tiếp tục làm rõ các sai phạm liên quan đến “Vi phạm quy định về cho vay” đối với các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của VNCB.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét xử đại án kinh tế Phạm Công Danh và đồng phạm: Tạo điều kiện để các bị cáo khắc phục hậu quả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO