Xét xử sơ thẩm Hà Văn Thắm và đồng phạm: Làm 'xiếc' với khoản vay 500 tỷ đồng

Tinh Anh 01/03/2017 23:32

Ngày 1/3, HĐXX tiếp tục tục phần thẩm vấn đối với các bị cáo. Liên quan đến khoản tiền vay 500 tỷ đồng mà Công ty Trung Dung vay của OceanBank, TGĐ Trần Văn Bình khai rằng chỉ ký mà không biết vay để làm gì và nguồn vốn đó có rót về công ty này hay không, trong khi Hà Văn Thắm một mực đổ tội cho Phạm Công Danh đã lừa đảo mình về khoản vay này.

Bị cáo Hà Văn Thắm tại tòa.

“Nhờ” đứng tên... giám đốc

Cả chiều ngày 28/2 và sáng 1/3, trong khi các bị cáo khác bị cách ly, Hà Văn Thắm khai với HĐXX rằng khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung (công ty sân sau của Phạm Công Danh) không có khả năng thu hồi là do sai sót và tin người nên bị lừa. Nguyên Chủ tịch Oceanbank tố rằng đã bị Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh) lừa đảo để chiếm đoạt số tiền này.

Ngạc nhiên là khi thẩm vấn TGĐ của Công ty Trung Dung Trần Văn Bình, bị cáo này khẳng định ông ta vốn chỉ là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, nhưng Phạm Công Danh đã nhờ đứng tên hộ làm Giám đốc Công ty Trung Dung.

Khi bị HĐXX chất vấn là vì sao bản thân làm giám đốc mà không đọc hồ sơ vay vốn, không biết vay để làm gì vẫn ký, Trần Văn Bình thừa nhận trong trình tự thủ tục vay 500 tỷ đồng của OceanBank đúng là cẩu thả và giờ đã biết là sai. Thực chất thì bị cáo Bình chỉ là nhân viên lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh, do vậy anh ta khai rằng không biết gì về khoản vốn góp điều lệ, thậm chí chẳng biết tý gì về Công ty Trung Dung, chẳng qua người ta bảo sao anh ta làm vậy.

Cũng liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng mà Công ty Trung Dung vay của OceanBank, bà Đặng Quỳnh Mai (thời điểm xảy ra vụ việc là lãnh đạo khối khách hàng doanh nghiệp của Oceanbank) cho biết, nhận hồ sơ vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung từ bị cáo Nguyễn Văn Hoàn - nguyên Phó TGĐ Oceanbank.

Bà Mai khẳng định lúc thẩm định hồ sơ thì chỉ là chứng từ copy và tài sản đảm bảo cũng chưa đủ cho khoản vay. Hơn nữa, số tiền 250 tỷ đồng của Công ty Trung Dung dùng làm tài sản đảm bảo chỉ là báo cáo nhưng chưa được kiểm toán (sau này số tiền vốn điều lệ của Công ty Trung Dung được CQĐT xác định là ảo. “Lúc đó tôi xác định hồ sơ của Công ty Trung Dung chưa đủ điều kiện cho vay nên đã có báo cáo lãnh đạo vấn đề này...” - bà Mai nói.

Ông chủ ngân hàng cho vay bằng... niềm tin

Trả lời HĐXX, Hà Văn Thắm cho rằng lúc đó dù điều kiện vay của Công ty Trung Dung chưa đủ điều kiện nhưng anh ta biết thực chất Phạm Công Danh là chủ của công ty này nên khá yên tâm.

“Bị cáo có niềm tin vì Công ty Trung Dung có giá trị thương mại tốt vì khi đó công ty này đang có mặt bằng cho BigC thuê, có trung tâm tổ chức sự kiện, tiệc cưới. Ngoài ra, Phạm Công Danh cũng từng vay tiền tại Oceanbank để mua khu đất ở Đà Nẵng...” - nguyên Chủ tịch OceanBank biện bạch.

Trước lời phân trần của nguyên Chủ tịch OceanBank, HĐXX dẫn lời khai của chính bị cáo tại CQĐT về việc biết được những những rủi ro trong phê duyệt hồ sơ cho vay đối với Công ty Trung Dung như tài sản đảm bảo là dự án kinh doanh bất động sản (vào thời điểm đó mức độ rủi ro khá cao), tài sản đảm bảo 250 tỷ đồng của Công ty Trung Dung bị cáo cũng biết là không có thật, đồng thời khi cân đối khoản vay và tài sản đảm bảo đã vượt quá 103%... cho thấy bị cáo khi nhận hồ sơ đã nhận thức được rủi ro, khó thu hồi vốn nhưng vẫn “quyết” cho vay là cố ý làm trái các quy đinh của Nhà nước.

HĐXX còn đặt vấn đề: Liệu việc cho vay số tiền này có liên quan đến lời hứa hỗ trợ Ngân hàng Đại Tín sau khi chuyển nhượng cho Phạm Công Danh không? Hà Văn Thắm cho rằng, mình chỉ giúp trong phạm vi có thể chứ không hứa hẹn gì. Bị cáo còn khẳng định chắc chắn rằng: “Không có bất cứ ai tác động tới bị cáo trong khoản vay này”.

Liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng này, nguyên Phó TGĐ Oeanbank Nguyễn Văn Hoàn khai rằng, việc ký hợp đồng tín dụng với Công ty Trung Dung là được phân quyền của TGĐ và Hội đồng Tín dụng cũng đã đồng ý cho vay.

Theo lời khai của Hà Văn Thắm, ông ta đã đề nghị Ngân hàng Đại Tín phong tỏa tài khoản của Công ty Trung Dung, đồng thời việc giải ngân số tiền này phải được sự đồng ý của Oceanbank khi đầy đủ hồ sơ gốc. Bởi vậy, số tiền 500 tỷ đồng của OceanBank không thu hồi được là trách nhiệm của Ngân hàng Đại Tín.

Tuy nhiên, trả lời HĐXX về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Xây dựng (trước đây là Ngân hàng Đại Tín) cho biết, trong tài liệu hồ sơ lưu không hề nhận được biên bản cam kết về việc phong tỏa tài khoản.

Lập công ty sân sau để kiếm lời

Khai tại tòa, Hà Văn Thắm thừa nhận những khách hàng không đủ điều kiện vay tiền ngân hàng thì có thể thông qua công ty sân sau của Thắm là BSC để vay tiền. Bản chất thực hoạt động của BSC là làm các dịch vụ, thu phí, kiếm lời từ việc giúp các khách hàng không đủ điều kiện vay vốn có thể vay vốn OceanBank.

“Số tiền thu được từ BSC được chi cho khách hàng của Nguyễn Xuân Sơn, và chủ trương này làm theo đề nghị của Nguyễn Xuân Sơn. Bản thân bị cáo không nhận thức được vấn đề hoạt động dịch vụ của BSC là đúng hay sai...” - nguyên Chủ tịch OceanBank biện giải.

Liên quan đến vấn đề này, TGĐ Công ty BSC Phạm Hoàng Giang cho biết, trong quá trình làm việc tại đây anh ta không làm theo bất kỳ chỉ đạo nào của Hà Văn Thắm hay Nguyễn Xuân Sơn. Một số lời khai liên quan đến hoạt động của BSC như 600 hợp đồng dịch vụ được xác định là sai phạm, Phạm Hoàng Giang không thừa nhận.

Về số tiền thu được từ các hợp đồng thu phí dịch vụ này, Phạm Hoàng Giang cho rằng vì mình là người làm thuê nên không biết và đó cũng là quyền của HĐQT. Bị cáo chỉ biết khi có kết luận điều tra về vụ án.

Hà Văn Thắm cho biết việc thành lập BSC là nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng vì nhiều ngân hàng trong nước hay quốc tế hay yêu cầu các công ty đứng ra làm dịch vụ như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét xử sơ thẩm Hà Văn Thắm và đồng phạm: Làm 'xiếc' với khoản vay 500 tỷ đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO