Xét xử sơ thẩm lần 2 đại án kinh tế tại OceanBank: Dựng lái xe làm Tổng Giám đốc

Tinh Anh 29/08/2017 21:28

Ngày 29/8, phiên tòa sơ thẩm lần 2 xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm trong vụ đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) bước sang phần xét hỏi. Là người đầu tiên đứng trước vành móng ngựa, Trần Văn Bình – nguyên Tổng giám đốc Công ty Trung Dung khai rằng, vốn dĩ anh ta chỉ là lái xe nên không biết đến khoản tiền 500 tỷ đồng mà công ty này vay của OceanBank.


Các bị cáo tại phiên tòa.

Bị cáo buộc 4 tội danh

Trong vụ đại án kinh tế xảy ra tại OceanBank gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, cơ quan công tố cáo buộc 51 bị cáo 4 tội danh: Tham ô tài sản; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong đó, riêng cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm bị truy tố cả 4 tội danh trên. Trước đó, Hà Văn Thắm bị truy tố 3 tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, sau khi HĐXX phiên tòa sơ thẩm lần 1 trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung thì cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đã được CQĐT chuyển thành cáo buộc Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, đồng thời thêm cáo buộc Tham ô tài sản.

Đứng thứ 2 trong danh sách bị cơ quan công tố cáo buộc nhiều tội danh phải kể đến cựu TGĐ OceanBank Nguyễn Xuân Sơn, với 3 tội danh bị truy tố: Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Người kế nhiệm vị trí TGĐ OceanBank sau khi Nguyễn Xuân Sơn được rút về Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) là bị cáo Nguyễn Minh Thu, bị cơ quan công tố cáo buộc 2 tội danh: Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tiếp đó là bị cáo Nguyễn Văn Hoàn – cựu Phó TGĐ OceanBank cũng bị Viện KSND Tối cao truy tố 2 tội danh: Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng...

Cơ quan công tố cáo buộc trong quá trình hoạt động, Hà Văn Thắm có vai trò chủ mưu cùng các đồng phạm thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong việc cho vay vốn, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng. Chính từ những hành vi của Hà Văn Thắm cùng những người liên quan đã gây ra thiệt hại nặng nề cho các cổ đông góp vốn (trong đó có vốn Nhà nước), đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ. Tổng số tiền mà Hà Văn Thắm và các đồng phạm gây thiệt hại là gần 2.000 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc... hờ

Trong lần xét xử sơ thẩm thứ 2 này, nguyên TGĐ Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Trung Dung Trần Văn Bình đã được bổ sung vào danh sách các bị cáo phải hầu tòa. Trần Văn Bình bị Viện KSND Tối cao truy tố tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, làm thất thoát hơn 500 tỷ đồng của OceanBank. Để làm rõ khoản tiền lớn đã bị thất thoát này, HĐXX đã yêu cầu Trần Văn Bình là người đầu tiên phải trả lời trong phần xét hỏi.

Trước tòa, Trần Văn Bình khai, anh ta vốn chỉ là nhân viên lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh. Chỉ đến khi bị CQĐT “hỏi thăm” mới biết mình là TGĐ Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Trung Dung. “Bị cáo chưa bao giờ tham gia điều hành công ty nên không biết mình là TGĐ Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Trung Dung. Đến khi CQĐT nói mới biết mình là TGĐ...” – Trần Văn Bình khai nhận.

Được hỏi về các khoản vay của Công ty TNHHMTV Thương mại và dịch vụ Trung Dung tại OceanBank, bị cáo Bình khai rằng không nhớ. Khi HĐXX cho biết có chữ ký vay tiền với Nguyễn Văn Hoàn (Phó TGĐ OceanBank), lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh, kiêm TGĐ Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Trung Dung cũng không còn nhớ là mình có ký hay không. Những người dự tòa không khỏi ái ngại khi Chủ tọa liên tục đưa ra nhiều câu hỏi chất vấn, nhưng bị cáo Bình đều trả lời không nhớ, không biết.

Đùn đẩy trách nhiệm

Không thể hỏi thêm anh lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh thêm thông tin gì để làm rõ khoản vay 500 tỷ đồng, HĐXX yêu cầu cựu Chủ tịch Ngân hàng VNCB Phạm Công Danh trả lời thẩm vấn. Đầu tiên Phạm Công Danh phủ nhận rằng chưa từng gặp Trần Văn Bình, chỉ biết anh ta là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh. Tuy nhiên, ngay sau đó, Phạm Công Danh lại khẳng định, Trần Văn Bình không hề bị ép mà tự anh ta xin được đứng tên lãnh đạo của Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Trung Dung. Giải thích với HĐXX về việc thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Trung Dung, Phạm Công Danh nói rằng, việc thành lập công ty này là do đang thực hiện cơ cấu lại Tập đoàn Thiên Thanh.

Khi bị chất vấn về quan hệ với Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh khai chỉ là quan hệ trong hoạt động tín dụng. Do không được đồng ý cho phép lập ngân hàng chuyên trong lĩnh vực xây dựng nên Hà Văn Thắm giới thiệu cho Phạm Công Danh Ngân hàng Đại Tín, vì đây là ngân hàng có dư nợ thấp. Cũng theo lời khai của Phạm Công Danh, việc lót tay để chuyển nhượng ngân hàng được mặc cả từ 1.000 tỷ đồng xuống còn 800 tỷ đồng, nhưng trước mắt chuyển cho Hà Văn Thắm 500 tỷ đồng. Sau khi chuyển tiền, Hà Văn Thắm tiết lộ cho Phạm Công Danh biết thông tin sẽ tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, đồng thời hứa chuyển giao ngân hàng này.

Tiếp đó, Hà Văn Thắm đưa Phạm Công Danh đi gặp Hứa Thị Phấn nhưng người phụ nữ này không đồng ý chuyển nhượng ngân hàng lại cho Phạm Công Danh vì lý do bị cáo không có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng. Nhưng thời gian sau, không biết nguyên nhân gì mà bà Phấn đồng ý chuyển nhượng lại Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh. Phạm Công Danh cũng khai nhận đã ngồi lại với Hứa Thị Phấn để bàn việc chuyển giao toàn bộ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm tại Ngân hàng Đại Tín. Đến khoảng giữa năm 2013, Phạm Công Danh chính thức tiếp quản Ngân hàng Đại Tín.

Trước câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa về việc ai là người nghĩ ra việc vay 500 tỷ của OceanBank, Phạm Công Danh khai nhận: Vào thời điểm đó Ngân hàng Đại Tín gặp khó khăn, cần phải có tiền để cân đối thanh khoản nên bà Phấn là người gợi ý việc bỏ tiền vào Ngân hàng Đại Tín. Chính Phạm Công Danh đã bỏ hơn 1.000 tỷ vào Ngân hàng Đại Tín để cân đối thanh khoản, khi không còn tài sản nữa thì bà Phấn gợi ý việc vay tiền và hứa sẽ cho mượn tài sản để vay.Trước thực trạng không có tài sản thế chấp sẽ không thể vay ở bất cứ tổ chức tín dụng nào, Hứa Thị Phấn nhắc Phạm Công Danh nhớ lại lời hứa của Hà Văn Thắm hỗ trợ tiền trong phi vụ chuyển nhượng ngân hàng. Cũng theo lời khai của Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn đã thuyết phục bị cáo rất nhiều lần về việc vay tiền đổ vào Ngân hàng Đại Tín. Do vậy toàn bộ việc hoàn tất các thủ tục vay tiền ngân hàng là do Hứa Thị Phấn thực hiện.

Theo đó, Phạm Công Danh phủ nhận trách nhiệm về khoản vay 500 tỷ đồng của OceanBank.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét xử sơ thẩm lần 2 đại án kinh tế tại OceanBank: Dựng lái xe làm Tổng Giám đốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO