Xét xử sơ thẩm lần 2 đại án kinh tế tại OceanBank: Ngân hàng không được phép hạch toán sai

Tinh Anh 23/09/2017 08:00

Ngày 22/9, đối đáp lại quan điểm của các luật sư (bào chữa cho Hà Văn Thắm và các đồng phạm) cho rằng OceanBank không hề bị thiệt hại 1.576 tỷ đồng, thậm chí còn hoạt động hiệu quả, có lãi nhờ việc chi lãi ngoài hợp đồng cho khách hàng, vị đại diện cơ quan công tố khẳng định: Việc “cấu” tiền từ các tài khoản để chi lãi ngoài là trái quy định của pháp luật, mỗi tài khoản đều có quy định mục đích chi riêng, trong lĩnh vực ngân hàng không được phép hạch toán bừa, sai mục đích...

Thiệt hại không chỉ là tiền

Trong phần bào chữa của mình tại phiên toà, các luật sư và các bị cáo đều cho rằng hành vi chi lãi ngoài không những không gây hậu quả, mà còn tạo hiệu quả, không những duy trì được hoạt động của OceanBank, mà còn làm ăn có lãi. Số tiền 1.576 tỷ đồng không phải là thiệt hại mà là khoản đầu tư để sinh lợi. Tuy nhiên, vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa lại không nghĩ như vậy.

“Qua lời khai và nguyên tắc đánh giá chứng cứ, VKS thấy rằng số tiền 1.576 tỷ đồng chi lãi ngoài là trái quy định của NHNN, trái nguyên tắc về quản lý kinh tế của Bộ Tài chính, không có khả năng thu hồi gây thiệt hại cho ngân hàng và các cổ đông...” – công tố viên khẳng định.

“Tại CQĐT, các bị cáo Lê Thị Thu Thuỷ và Vũ Thị Thuỳ Dương đều thừa nhận là số tiền tạm ứng đều được lấy từ nguồn của OceanBank, nội dung được tạm ứng lẽ ra phải được ghi rõ, nhưng lại chỉ được ghi chung chung, không có căn cứ để chi tạm ứng... Hậu quả làm thiệt hại 1.576 tỷ đồng đối với Ngân hàng OceanBank và hơn nữa là mất niềm tin của nhân dân đối với các tổ chức tín dụng, đặc biệt khi số tiền lớn lại rơi vào tay của một số cá nhân...” – đại diện VKS giữ quyền công tố nhận định.

Cũng theo quan điểm của cơ quan công tố, hành vi của các bị cáo đã dẫn đến việc phát sinh nợ xấu của OceanBank lên tới hơn 14.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế lỗ 10.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 2,5 lần. Trong tổng số tiền chi lãi ngoài 1.576 tỷ đồng, có 246 tỷ đã bị Nguyễn Xuân Sơn – cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) chiếm đoạt, do đó còn lại 1.330 tỷ đồng do Hà Văn Thắm và các đồng phạm gây ra và các bị cáo phải chịu trách nhiệm về số tiền thiệt hại này.

“Hậu quả của việc cố ý làm trái của các bị cáo không chỉ gây thiệt hại về vật chất, mà còn là tiền đề cho tội phạm tham nhũng phát triển, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông trong đó có PVN là chủ sở hữu vốn Nhà nước...” – đại diện cơ quan công tố nhấn mạnh.

Chiếm đoạt tiền của Nhà nước là tham ô

Các luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn đều cho rằng, cựu Chủ tịch HĐTV PVN không phạm tội tham ô, bởi vào thời điểm đó bị cáo không phải là người có chức vụ quyền hạn, bị cáo lại không phải là người đại diện phần vốn của PVN tại OceanBank. Cũng theo phân tích của các luật sư thì về mặt khách thể, số tiền 49 tỷ đồng trong tổng số 246 tỷ đồng bị cáo Sơn đã nhận của Hà Văn Thắm không phải là tiền của PVN (tiền của Nhà nước) nên không cấu thành tội tham ô tài sản.

Phản biện lại quan điểm của các luật sư, đại diện VKS giữ quyền công tố khẳng định: Kết quả điều tra xác định, tổng số tiền OceanBank đã chi lãi ngoài đều được lấy từ các nguồn của OceanBank, đó là khoản tiền mà ngân hàng có được từ nhiều nguồn trong đó có nguồn tiền gửi của khách hàng, cổ đông góp vốn... Lẽ ra, các bị cáo với vai trò là lãnh đạo ngân hàng phải làm cho số tiền đó sinh sôi nảy nở, hoặc chí ít là giữ nguyên để đảm bảo thanh khoản khi khách hàng và cổ đông có nhu cầu rút, thì các bị cáo lại mang đi chi lãi ngoài trái pháp luật.

“Trong lĩnh vực ngân hàng không cho phép hạch toán bừa, hạch toán nhầm và sai mục đích. OceanBank phải có nhiệm vụ sử dụng đúng số tiền trên để mang lại hiệu quả...” – cơ quan công tố nêu quan điểm.

Trong nỗ lực chứng minh luận điểm buộc tội tham ô đối với cựu Chủ tịch HĐTV PVN, đại diện VKS giữ quyền công tố cho rằng, số tiền 246 tỷ đồng nhận từ cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank mà Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt có 20% là của PVN (bởi PVN nắm giữ 20% cổ phần). Trong khi đó PVN là đơn vị thuộc sở hữu của Nhà nước do Nhà nước quản lý nên số tiền thất thoát này là tài sản của Nhà nước.

“Theo quy định của Luật Phòng, Chống tham nhũng năm 2005, với việc nắm giữ các chức vụ Phó TGĐ PVN, người đại diện phần vốn của PVN tại OceanBank, bị cáo Sơn đã lợi dụng chức vụ của mình tại PVN (đơn vị có khả năng chi phối hoạt động của OceanBank) để chiếm đoạt tài sản từ ngân hàng. Do vậy, bị cáo Sơn đã vi phạm tội tham ô chiếm đoạt 49 tỷ đồng...” – đại diện VKS giữ quyền công tố khẳng định.

Thay đổi quan điểm luận tội

Trong phần đối đáp của mình, đại diện VKS giữ quyền công tố cũng cho biết: Sau khi cân nhắc lời bào chữa của các luật sư và các bị cáo, VKS có một chút thay đổi quan điểm về các đề xuất mức án đối với một số bị cáo.

Cụ thể, áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo Phạm Hoàng Giang (TGĐ Công ty BSC), Lê Thị Thu Thủy (Phó TGĐ OceanBank), Nguyễn Xuân Sơn (TGĐ OceanBank). Cơ quan công tố cũng đề nghị thay đổi cho bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ được hưởng 30-36 tháng án treo. Giảm một phần hình phạt cho nhóm bị cáo nguyên là GĐ chi nhánh OceanBank có mức án đề nghị 36-42 tháng tù gồm: Lê Tuấn Anh (GĐ chi nhánh Thăng Long), Nguyễn Thị Kiều Liên (GĐ chi nhánh Vũng Tàu), Nguyễn Minh Đạo (GĐ chi nhánh Hà Nội), Hoàng Bích Vân (GĐ chi nhánh TP.HCM)...

Về phần dân sự, ngoài việc đề nghị trả lại khoản tiền mà các bị cáo nguyên là lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch của OceanBank tự nguyện nộp khắc phục hậu quả, đại diện VKS cũng bổ sung đề nghị HĐXX trả lại các khoản tiền cho các cá nhân, cụ thể: Phan Thị Loan: 300 triệu đồng, Nguyễn Trà My: 500 triệu đồng, Trần Thị Thu Hương: 1.299 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét xử sơ thẩm lần 2 đại án kinh tế tại OceanBank: Ngân hàng không được phép hạch toán sai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO