Phạt

Nam Việt 27/07/2015 07:00

Lâu nay, bằng nhiều biện pháp, tai nạn giao thông (nhất là đường bộ) đã biến chuyển. Tuy nhiên số vụ tai nạn, số người chết, người bị thương vẫn ở mức cao. Đặc biệt nghiêm trọng là với những vụ tai nạn thảm khốc, cùng một lúc cướp đi nhiều sinh mạng. Trong các nguyên nhân, người ta hay nói đến khía cạnh thiếu văn hóa khi tham gia giao thông. Điều đó đúng, nhưng thực tế cho thấy nếu hình phạt không nghiêm thì cũng khó hình thành ý thức chứ chưa nói đến văn hóa giao thông, từ đó tai nạn vẫn rất ng

Phạt

Xe quá tải vẫn chưa bị xử lý nghiêm.

Cách đây 1 tuần, ngày 20/7, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về sửa đổi Nghị định 171. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng nặng mức phạt vi phạm, coi đó như một biện pháp quan trọng để kéo giảm TNGT.

Cũng cần nhắc lại, với 2 Nghị định 171 và 107, việc thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng đã có nhiều biến chuyển. Nhưng, theo thời gian, giao thông đường bộ đã trở nên phức tạp hơn.

Nhất là việc xuất hiện quá nhiều xe chở hàng quá tải trọng; uống rượu bia trong khi lái xe, còn người điều khiển môtô, xe gắn máy, xe thô sơ “vô tư” phạm luật, kể cả vượt đèn đỏ, đi vào đường cao tốc, đường một chiều…, rất dễ dẫn đến tai nạn, không chỉ nguy hiểm cho mình mà còn gây nguy hại cho người khác.

Ý thức người lái xe ôtô, điều khiển xe máy ra sao để dẫn đến tình trạng đó?

Hầu hết những người vi phạm biết mình đang vi phạm, nhưng vẫn cố tình thực hiện cốt chỉ để nhanh hơn một tí, lợi đường hơn một tí, hoặc là chở hàng nhiều thì thu được nhiều tiền, “vợt” được khách nhiều thì tiền cũng chảy thêm vào túi. Như vậy, việc vi phạm luật lệ giao thông không phải do kém hiểu biết, mà là do cố tình, chỉ vì chữ lợi, chữ tiện lợi cho cá nhân mình.

Trong khi việc xử phạt hành chính với đa số các hành vi vi phạm lại không đủ sức răn đe, hay nói đơn giản hơn là không đủ để người ta chừa, người ta sợ không dám vi phạm. Để ý sẽ thấy, người nước ngoài vào Việt Nam nhất nhất tuân thủ luật lệ giao thông, trong khi chắc chắn rằng họ không được học, được “giáo dục” luật giao thông nước ta. Có nghĩa là ý thức tôn trọng giao thông, vì mình mà cũng vì người khác của họ đã ăn sâu vào máu.

Điều đó có được do việc xử phạt những hành vi vi phạm luật của họ rất nghiêm. Đường trống trơn nhưng có đèn đỏ, thì người ta vẫn dừng lại, không thấy một “ông tây, bà đầm” nào vượt đèn đỏ trên phố của Hà Nội hay TP HCM cả. Cũng không thấy họ uống say lái xe “đánh võng” trên đường như ta.
Nói điều đó để thấy rằng, chúng ta thấy điều đó cả, nhưng không chịu học theo làm theo, mà cứ “đường ta ta cứ đi”. Vì thế, tai nạn giao thông ở ta mới nhiều, một năm có đến ngót sư đoàn người bị thiệt mạng.

Tai nạn giao thông là nỗi đau của toàn xã hội, nên cách gì cũng phải kéo giảm xuống. Việc tăng mức phạt người vi phạm là cần thiết, để răn đe “đủ liều”. Các cụ đã dạy “thuốc đắng dã tật”, đánh thẳng vào túi tiền thì người ta sẽ chờn, sẽ không còn dám vi phạm. Nâng mức phạt lên gấp 5 lần thì không bác tài nào dám chở quá tải, cũng không có bác tài nào dám phóng vù vù bất chấp sinh mạng hành khách. Và đơn giản hơn, những người đi xe máy quen vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều hay là không đội mũ bảo hiểm, kẹp ba kẹp bốn sẽ “hết hồn”.

Văn hóa của mỗi con người hình thành từ nhiều cách. Trong đó, khía cạnh liên quan đến luật pháp, liên quan đến cộng đồng thì rất khó hình thành từ sự tự giác, cảm hóa giáo dục, mà phải có chế tài đủ mạnh mang tính cưỡng chế, từ đó mới tạo thành ý thức. Khi nói đến cưỡng chế, phạt nặng, có người cho rằng như vậy là “cứng” quá, phải thông cảm với người dân (ở đây là thu nhập thấp). Nhưng cứ thông cảm mãi thì tình hình sẽ không biến chuyển.

Ở đời có cái cứng, có cái mềm, vi phạm pháp luật dẫn đến tại họa cho cộng đồng, trở thành gánh nặng của xã hội thì không thể “mềm” được. Ví dụ, xe máy đi vào đường cao tốc dành cho ôtô mà chỉ bị phạt từ 200-400.000 đồng như hiện thời thì không đủ răn đe. Do đó, dự thảo sửa đổi Nghị định 171 theo hướng tăng nặng mức xử phạt rất cần được xã hội ủng hộ. Có ý kiến đề nghị mức phạt tăng gấp 2 lần, có ý kiến đề nghị 3, và cũng có ý kiến đề nghị gấp 5 lần.

Tăng nặng mức xử phạt hành vi vi phạm an toàn giao thông không phải là “dã man”, vì nếu anh không vi phạm thì có ai lấy tiền của anh đâu; cái chính là để anh không dám vi phạm, từ đó sẽ kéo lùi được tai nạn giao thông. Mà điều đó thì xã hội đã mòn mỏi trông chờ từ lâu lắm rồi, nhưng vẫn không thực hiện được.

Tất nhiên khi xử phạt cũng cần xem mức độ vi phạm tới đâu, tác hại của nó ở mức nào chứ không thể “vơ đũa cả nắm”. Cái đó phụ thuộc vào quy định trong Nghị định (sửa đổi), phải thật chi tiết, rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, cũng cần lưu ý một điều: khi đó quyền của người xử phạt là rất lớn (do số tiền lớn). Đội ngũ chấp pháp ấy phải công tâm, trung thực, không cả nể cũng không tham lam.

Nói tóm lại, nếu tăng chế tài xử phạt đối với người vi phạm luật giao thoogn, thì cũng phải tăng cường giám sát người có quyền xử phạt, và cũng phải phạt họ thật nặng nếu nhận tiền của người vi phạm, một hình thức mãi lộ làm loạn kỉ cương không thể chấp nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phạt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO