Phật giáo với sứ mệnh bảo vệ môi trường

Hà Thị Xuyên 29/07/2016 12:10

Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ đơn thuần là những giải pháp mang tính kỹ thuật hay kinh tế, mà còn là sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, liên quan mật thiết đến nền tảng đạo đức, yếu tố văn hóa và gốc rễ tinh thần mà các tôn giáo đóng vai trò quan trọng. Trong đó không thể nhắc tới vai trò của Phật giáo.

Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sẻ chia trách nhiệm với xã hội và đất nước, tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể phát động. Đặc biệt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực và thiết thực thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phật tử nhận thức mối quan hệ mật thiết giữa con người với thế giới tự nhiên qua giáo lý duyên khởi và vô ngã, từ đó gây dựng niềm tin về một đạo đức ứng xử “thiện” với tự nhiên, với môi trường nhằm tiến tới một thế giới chung an bình, tốt đẹp.

Tại Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tổ chức tháng 12-2015 tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Thông điệp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong đó “kêu gọi mỗi người bằng hành động thiết thực của mình, cam kết với chính mình hãy bảo vệ môi trường bền vững và đó cũng là sự bảo vệ chính mình. Hãy cùng nhau làm cho môi trường xung quanh chúng ta xanh hơn, sạch hơn, và đẹp hơn”.

Sau khi ký kết Chương trình phối hợp, Giáo hội đã cử Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cùng lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo cấp cao của 14 tôn giáo.

Hưởng ứng Chương trình phối hợp đã ký kết, nhân dịp Đại lễ Phật đản năm 2016, PL. 2560, Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành Thông điệp với nội dung trọng tâm là bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.

Diễn văn Phật đản năm 2016 của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã kêu gọi các cấp Giáo hội và tăng ni, phật tử bằng những Kế hoạch và hành động cụ thể, tích cực tham gia thực hiện Chương trình phối hợp đã ký kết giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với 40 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam về việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Góp phần xây dựng thế giới hòa bình và tịnh lạc cho hành tinh của chúng ta.

Trên tinh thần đó, đến nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiều tỉnh, thành phố ký Chương trình hoặc Kế hoạch phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố về việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp cùng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khảo sát và xây dựng các mô hình điểm cấp quốc gia về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Trung tâm tham vấn và hỗ trợ cộng đồng Pháp Bảo (chùa Pháp Bảo, thành phố Hồ Chí Minh); Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng Hải Đức (chùa Hải Đức, Tp Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) và mô hình điểm tại Chùa Pháp Vân (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Lý Duyên khởi của Phật giáo khẳng định mối tương quan giữa các hiện tượng tự nhiên, nhân sinh và vũ trụ: Cái này có thì cái kia có; cái này sinh thì cái kia sinh; cái này diệt thì cái kia diệt. Các Pháp tùy thuộc vào nhau mà sinh khởi, hủy hoại thiên nhiên đồng nghĩa với với hủy hoại môi trường sống của con người. Như vậy, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là mối quan hệ cộng sinh, cùng sinh tồn và phát triển. Do đó, con người không thể nào tách mình ra khỏi thiên nhiên mà vẫn có thể tồn tại được.

Chung tay cùng xã hội vào các hoạt động bảo vệ môi trường cũng chính là để bảo vệ chính mình, Phật giáo Việt Nam đã và đang làm hết sức mình để cùng cộng đồng xây dựng một xã hội an lành, con người được hưởng thanh bình, ấm no và hạnh phúc, xây dựng một cõi cực lạc thực sự tại thế gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phật giáo với sứ mệnh bảo vệ môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO