Phát hành phim: Cuộc cạnh tranh bình đẳng

Hoàng Minh (thực hiện) 02/06/2016 14:00

Các trung tâm phát hành phim nhà nước không chỉ thiếu nguồn phim để phục vụ khán giả, mà lâu nay các bộ phim Việt Nam cũng đang lép vế ngay trên sân nhà. Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, thực tế này là do phim Việt Nam vẫn chưa làm tốt công tác quảng bá. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông xung quanh chủ đề này.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.

PV: Thưa ông! Tham gia sản xuất nhiều phim, cũng như chứng kiến nhiều thăng trầm của nền điện ảnh Việt Nam. Ông đánh giá sao về cuộc cạnh tranh giữa hệ thống rạp nhà nước và tư nhân hiện nay?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Tôi thấy hầu hết các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng ở các tỉnh, thành hiện nay đều có một chung một đề xuất là xin xây rạp mới. Nhưng tôi cũng đặt câu hỏi ngược lại xây rạp rồi thì nguồn phim ở đâu để chiếu? Cần hiểu cạnh tranh thị trường là bình đẳng giữa tư nhân và nhà nước. Việc đầu tư xây rạp cũng phải tính toán kỹ vì xây rạp rồi nguồn phim ở đâu, không lẽ nhà nước lại phải bỏ tiền mua tiếp phim? Có lẽ nên cải tạo các rạp cũ và kêu gọi tư nhân nâng cao vai trò đóng góp xã hội hơn nữa, ưu đãi về giá phim bán cho các trung tâm chiếu bóng địa phương. Theo tôi điều quan trọng hơn hiện nay là chúng ta phải tạo được cho công chúng văn hóa xem phim, thưởng thức phim.

Vậy theo ông các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng nhà nước đang bị hụt hơi ở đâu?

- Các đơn vị chiếu phim tư nhân họ làm tốt được công tác tuyên truyền bởi họ có một đội ngũ riêng về dịch phim, giới thiệu về phim rất cẩn thận. Tuy vậy việc quảng cáo phim ra rạp hiện nay mới chỉ dừng lại là phim có nhiều cảnh bạo lực, cảnh nóng…

Nhưng có một tín hiệu mừng là hài nhảm bây giờ gần như không còn “đất sống”. Vừa qua, tôi có đi Hàn Quốc tham gia Liên hoan phim Busan thì mới hiểu tại sao Hàn Quốc có một nền điện ảnh rất phát triển. Đơn giản một lực lượng mà nhà nước bỏ tiền gọi là điện ảnh cộng đồng phát triển rất mạnh. Họ đến cộng đồng tiếp xúc với từng học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ, thậm chí là CLB Cô dâu Việt… hướng dẫn người ta xem phim, làm phim… Từ đó trình độ nhận thức và thưởng thức điện ảnh của khán giả được nâng cao. Thậm chí ngay tại Hà Nội, hiện nay trung tâm TPD một năm trung tâm có khoảng 300 em được học làm phim trong vòng ít tuần. Nhưng tôi chắc là 300 em đó sẽ hiểu về điện ảnh theo một cách khác.

Hiện chúng ta đang không có định hướng khán giả trong việc thưởng thức phim ảnh. Đơn cử như ở trường phổ thông các giáo viên có thể dạy nhạc, dạy họa… nhưng không ai dạy xem phim cả. Đơn cử như những bô phim đoạt giải Oscar, giải Cannes thì không ai xem. Đặc biệt, là nhiều khán giả đến rạp xem phim theo cách như kiểu chơi games. Có nghĩa họ đến đấy để tìm một thứ cảm giác mạnh trong 1-2 tiếng, xong về quên luôn. Ngày xưa chúng tôi xem phim xong bao giờ cũng về nghĩ ngợi, thảo luận, bàn bạc. Do đó, chúng ta đang rất thiếu cái gọi là giáo dục xem phim.

Tại sao phim Việt vẫn chưa cạnh tranh được ở rạp? Chúng ta có thể tháo được nút thắt này không?

- Điều quan trọng nhất là các hãng phim cần phải biết PR. Tôi nói thi dụ như phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thì khả năng PR của họ quá giỏi. Họ làm cho đến mức chính bản thân tôi cũng phải muốn đi xem. Ngay ở những trailer quảng cáo có những chi tiết hoàn toàn không có trong phim. Họ làm về sắc màu thời trang trong đó, phần 1 là về phim, còn ở phần 2 là giới thiệu các phần dự kiến tiếp theo của phim. Đấy là cái mà chúng ta chưa làm được, mà nhất là những phim nhà nước đặt hàng thì không có một khoản tiền nào về chuyện PR cả. Thậm chí nhiều phim chẳng ai biết đó là phim gì.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát hành phim: Cuộc cạnh tranh bình đẳng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO