Phát hiện tham nhũng trong nội bộ và qua thanh tra: Vẫn là khâu yếu

H.Vũ 28/03/2019 23:00

Ngày 28/3, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn lần thứ 2 Báo cáo nghiên cứu thực tiễn áp dụng phương pháp, khung đánh giá và chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh ở Việt Nam (PACA Index).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong năm 2017 có đến 37 tỉnh không phát hiện được tham nhũng trong nội bộ, 54 tỉnh không phát hiện được tham nhũng qua giám sát.

Công tác quản lý nhà nước về PCTN được đánh giá thông qua 6 tiêu chí và 27 tiêu chí thành phần với tổng điểm là 20 điểm. Cụ thể điểm trung bình toàn quốc ở nội dung quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng là 16.69/20 điểm, đạt 83.5 % so với yêu cầu. Kết quả cho thấy vẫn còn có địa phương đạt điểm dưới trung bình (tỉnh Cao Bằng: 9.3/20 điểm), nhiều tỉnh đạt điểm trên trung bình ở mức thấp (Bình Phước: 10.3/20 điểm; Điện Biên: 14.08 điểm;Quảng Ninh, Tây Ninh đều đạt 14.8/20 điểm).

Đáng chú ý, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đánh giá thông qua 7 tiêu chí và 15 tiêu chí thành phần với tổng điểm là 30 điểm. Theo đó, điểm trung bình của nội dung này là 19.12/30 điểm, đạt 63.73% yêu cầu của bộ chỉ số đặt ra, trong đó cơ cấu điểm về việc thực hiện cải cách hành chính đạt 77.72% so với yêu cầu; việc thực hiện công khai minh bạch ở cơ quan, tổ chức, đơn vị đạt 85.44% (7.69/9 điểm); việc chuyển đổi vị trí công tác đạt 76.5% (1.53/2 điểm) trong đó có 11 tỉnh đạt điểm tối đa; việc thực hiện minh bạch tài sản thu nhập đạt kết quả thấp, đạt 36% (1.7/5 điểm).

Đặc biệt, qua công tác đánh giá cũng đã làm rõ được thực trạng việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra nội bộ và giám sát đạt thấp (37 tỉnh không phát hiện được hành vi tham nhũng nào qua công tác kiểm tra nội bộ; 54 tỉnh không phát hiện được hành vi tham nhũng nào qua công tác giám sát), đạt điểm trung bình lần lượt là 1.81/6 điểm và 0.43/4 điểm. Trong khi việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và qua công tác giải quyết tố cáo tham nhũng với điểm số lần lượt là 2.32/5 điểm, 3.21/4 điểm và 2.39/5 điểm.

Nguyên nhân của những yếu kém được PACA 2017 xác định, là do quy định về công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện. Các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình còn chưa cụ thể, không khuyến khích được tính chủ động của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng. Các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát được biến động về tài sản, thu nhập; việc xử lý người kê khai không trung thực hoặc không giải trình được một cách hợp lý về biến động tài sản, thu nhập còn chưa hiệu quả. Mặt khác, các quy định về cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước và giám sát chưa phù hợp, chưa phát huy được vai trò, chức năng của mỗi cơ quan.

Ông Trần Ngọc Liêm - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, khung đánh giá và chỉ số đánh giá công tác PCTN là giải pháp quan trọng trong công tác PCTN tại các địa phương. Sau mỗi năm đánh giá cho thấy, công tác PCTN tại cấp tỉnh đã có tiến bộ rõ rệt và là biện pháp có hiệu quả.

* 10 tỉnh không có kết quả xử lý hành chính về hành vi tham nhũng: Theo PACA 2017, kết quả xử lý các hành vi tham nhũng được đánh dựa trên 3 tiêu chí trên thang điểm 25 điểm. Điểm trung bình của cả nước ở nội dung này là 14.08/25 điểm, đạt 56.32% so với yêu cầu. Sự chênh lệch về điểm số cũng thể hiện khá rõ rệt: Tỉnh có điểm cao nhất là Đắk Nông - 22.5/25 điểm và tỉnh có điểm thấp nhất là Bình Phước - 3.28/25 điểm; 10 tỉnh không có kết quả xử lý hành chính về hành vi tham nhũng; 16 tỉnh đạt điểm tối đa trong việc xử lý hành chính đối với các hành vi tham nhũng; 100% đơn vị đã xảy ra hành vi tham nhũng có xử lý đều bị kỷ luật; 100% người có hành vi tham nhũng đã phát hiện bị xử lý kỷ luật. Có 4 địa phương không có điểm về xử lý hình sự là Bạc Liêu, Bình Phước, Bình Dương và Hà Tĩnh. Tỷ lệ thu hồi tài sản đạt 3.445/10, đạt 34.45%. Kết quả này phản ánh việc thu hồi và khắc phục về kinh tế do tham nhũng gây ra còn thấp, chưa đạt được với yêu cầu của việc xử lý hành vi tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát hiện tham nhũng trong nội bộ và qua thanh tra: Vẫn là khâu yếu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO