Phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận

Hiền Phương 06/09/2017 08:20

Sau 3 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, MTTQ thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ tới hệ thống Mặt trận 3 cấp. Với nhiều điểm mới trong cách thức thực hiện nên các hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã góp phần phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của Mặt trận trong lòng nhân dân.

MTTQ thành phố tham gia phản biện Đề án “Chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội”.

Huy động cả hệ thống vào cuộc

Từ khi ban hành Quyết định 217, 218 đến nay, UBMTTQ thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc giám sát và phản biện xã hội, có sức ảnh hưởng tới đời sống nhân dân. Điển hình như hội nghị phản biện Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố về việc thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”, phản biện về việc thu học phí trong hệ thống giáo dục mầm non... Từ các ý kiến góp ý tại hội thảo các cơ quan chức năng đã nghiên cứu, tìm hiểu để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Công tác giám sát và phản biện xã hội cũng đang được Mặt trận các cấp triển khai quyết liệt. Tại huyện Sóc Sơn, trước tình trạng người dân sống quanh Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn liên tục lên tiếng về việc ô nhiễm môi trường, Ủy ban MTTQ huyện đã vào cuộc giám sát quy trình xử lý chất thải của các doanh nghiệp.

Ông Vương Nguyên Minh, Chủ tịch MTTQ huyện Sóc Sơn cho biết, qua giám sát chúng tôi phát hiện những hạn chế trong quá trình xử lý rác khiến cho môi trường tại đây ô nhiễm nặng nề.

Đặc biệt, công ty chưa có biện pháp để giảm thiểu nước thải thấm rỉ ra bên ngoài; công tác hỗ trợ an sinh xã hội cho hộ dân ảnh hưởng xung quanh khu vực bị ô nhiễm chưa tương xứng…

Qua giám sát, đoàn giám sát đã kiến nghị với UBND huyện và thành phố cần tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn và có chính sách đặc thù hỗ trợ nhân dân vùng tái định cư ổn định cuộc sống.

Nhờ biết phát huy vai trò giám sát mà các Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy đã giám sát, phát hiện và kiến nghị với chính quyền phường xử lý 30 điểm buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, 5 điểm giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc, 5 gia đình xây dựng cơi nới sai quy định, 10 điểm đỗ xe ô-tô lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, 3 điểm tồn đọng để rác không đúng quy định, 5 điểm bán hàng ăn làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các hộ dân xung quanh...

Tổ dân phố 5, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm có cách làm rất chuyên nghiệp. Chi bộ có trên 1000 đảng viên thuộc diện nhận xét hai chiều nên ngay từ tháng 10, Trưởng ban Công tác Mặt trận đã đưa bản tự kiểm điểm theo mẫu đến từng đảng viên để tự nghiên cứu.

Khi cần giấy chứng nhận, đảng viên sẽ chuyển giấy đến Trưởng ban Công tác Mặt trận. Sau khi tập hợp được từ 15 - 20 người, ban Công tác Mặt trận sẽ họp xét duyệt và gửi sang chi bộ nhận xét.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trương Đình Quý, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 5, phường Nam Trung Yên cho biết: Việc nhận xét đảng viên 2 chiều được tiến hành thông qua hệ thống Mặt trận cấp cơ sở đã đảm bảo tính chặt chẽ và khách quan. Nhờ cách làm này mà nhiều đảng viên đã nhiệt tình tham gia các phong trào do địa phương phát động.

Tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ

3 năm qua, MTTQ TP Hà Nội đã tham gia 18 cuộc giám sát và khảo sát với các cơ quan Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; 28 cuộc giám sát với thường trực và các ban của HĐND thành phố.

Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở cấp xã đã tổ chức gần 37.000 cuộc giám sát, trong đó phát hiện 12.590 vụ vi phạm, kiến nghị thu hồi hơn 157,6m2 đất và trên 14,6 tỷ đồng.

UBMTTQ thành phố phối hợp với Thường trực HĐND, UBND thành phố tổ chức 10 hội nghị phản biện góp ý kiến vào tờ trình và dự thảo Nghị quyết HĐND; cấp xã đã tổ chức được 692 hội nghị phản biện xã hội. Tuy nhiên, khi thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị nhiều địa phương còn gặp khó khăn nhất định.

Theo ông Biện Hòa An, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Thanh Xuân, đặc thù giám sát và phản biện xã hội ở cấp quận rất khó để thực hiện được đa dạng giống như cấp thành phố và Trung ương. Khó khăn này một phần do việc triển khai chưa được đồng bộ, chưa được cụ thể hóa, thể chế hóa thành luật pháp để triển khai đồng bộ trong hệ thống chính trị.

Còn Phó Chủ tịch MTTQ huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thắm cho rằng, hoạt động góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một nhiệm vụ khó,vì vậy những ý kiến đóng góp của MTTQ huyện mới chỉ tập trung vào một số các tờ trình, đề án, dự thảo nên chất lượng chưa cao...

Để công tác giám sát phản biện đạt kết quả cao hơn nữa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Lê Thị Kim Oanh cho rằng, Trung ương cần xây dựng và sớm ban hành cơ chế, các quy định cụ thể để MTTQ và các tổ chức đoàn thể thực hiện chức năng phản biện xã hội.

Cần quan tâm tạo điều kiện về tổ chức, cán bộ đối với hệ thống MTTQ các cấp… Bên cạnh đó, UB MTTQ thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động phối hợp giám sát và giám sát thường xuyên, nâng cao hiệu quả giám sát nhân dân ở cơ sở; cụ thể hóa nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vào chương trình phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức thành viên…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO