Phát huy sự đồng thuận

Vũ Hàn 04/04/2018 09:30

Về huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang hôm nay, mới thấy hết sự đổi thay trên nhiều xã nông thôn mới. Ở đó, từ trong nhà ra đến ngoài ngõ, những người làm công tác Mặt trận đang cùng người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Phát huy sự đồng thuận

Ông Nghĩa đốt rác bằng lò đốt tại gia đình.

Độc đáo mô hình lò đốt rác tại gia đình

Ông Dương Hoàng Nghĩa, 77 tuổi, ngụ ấp 4, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao xách xô rác đã được phân loại ra lò đốt, gặp chúng tôi, hào hứng chia sẻ, trước kia, khi chưa có lò đốt rác này, ông cũng phân loại rác, đối với rác khó phân huỷ như bao bì thì dồn lại cho vô bọc nilon chất đầy cả kho, số còn lại đem đốt, nhưng cũng không cháy hết.

“Từ ngày xây lò đốt rác, tất cả các loại rác đều được phân loại và đốt hết, trong nhà ngoài ngõ đều sạch sẽ” - Ông Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, số tiền để xây lò đốt rác là rất nhỏ (khoảng 500 ngàn đồng) so với lợi ích mà chiếc lò mang lại. Trước đây, khi rác không xử lý hết được, nhiều hộ dân bỏ ở ven kênh hoặc cho vô túi nilon quăng xuống kênh Ông Dèo, vừa làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt vừa gây khó khăn cho người lưu thông trên tuyến kênh này, thậm chí còn ảnh hưởng đến các kênh khác.

Khi Ban Công tác Mặt trận ấp phát động phong trào xây lò đốt rác, hầu hết người dân trong ấp 4 rất đồng lòng. Hộ thì mua vật liệu về tự xây, những hộ không có nhân công thì Ban Công tác Mặt trận ấp vận động người đến giúp đỡ.

“Tui mua vật liệu xong là mấy chú ở ấp xúm lại giúp tui xây có một buổi là xong. Cũng từ ngày có lò đốt rác, người dân không ai bỏ rác xuống kênh, nhờ vậy mà kênh Ông Dèo ngày càng sạch” - ông Nghĩa cho biết thêm.

Theo ông Lê Lý Tưởng, trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 4, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, khi người dân xây xong lò đốt rác, UBMTTQ huyện Gò Quao hỗ trợ 4 triệu đồng để làm nắp đậy, nhằm tránh bốc mùi và ngăn nước mưa vào làm ướt rác.

Cũng chính nhờ sự tích cực, tận tụy của Ban công tác Mặt trận các ấp mà đến nay nhân dân trong xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc đã xây được 336 lò đốt rác. Kế hoạch trong năm nay sẽ vận động nhân dân xây thêm 220 lò đốt rác, phấn đấu trong thời gian tới sẽ có 100% hộ dân có lò đốt để xử lý rác.

“Hiện nay xã tập trung chỉ đạo các hội, đoàn thể nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên xã đảm nhận vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân thực hiện xây lò đốt rác trên các tuyến đường trục chính từ trung tâm xã đi các ấp, riêng ở mỗi ấp Ban lãnh đạo phối hợp Chi bộ và các đoàn thể ấp chọn 1 tuyến đường điểm và vận động nhân dân thực hiện sau đó nhân rộng ra toàn ấp” - ông Lê Thanh Tổng, Phó Chủ tịch UMTTTQ xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc chia sẻ.

Hiện nay trong huyện Gò Quao mỗi xã đều có từ 100 lò đốt rác trở lên, đặc biệt những xã được công nhận nông thôn mới, mỗi xã có trên 300 lò. Ngoài việc vận động nhân dân xây lò đốt rác, Mặt trận các cấp trong huyện cũng thường xuyên vận động nhân dân trồng cây xanh làm hàng rào, tự xây dựng cảnh quan cho gia đình xanh, sạch, đẹp để đạt và giữ vững tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Về mô hình lò đốt rác này, bà Nguyễn Thị Hồng Đoan - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Gò Quao cho biết: Gò Quao là huyện nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (năm 2017 là 6,99%) nên các tiêu chí về hộ nghèo, nhà ở dân cư và tiêu chí số 17 về môi trường rất khó thực hiện. Do đó MTTQ huyện đã xây dựng kế hoạch chủ động phối hợp với các ngành triển khai thực hiện, đồng thời, tổ chức các cuộc họp dân theo từng khu dân cư để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân xây dựng lò đốt rác.

Bà Đoan chia sẻ thêm: “Bước đầu cũng gặp nhiều khó khăn vì không có kinh phí cho công tác tuyên truyền, người dân còn ngán ngại vì phải tự bỏ tiền ra xây dựng lò. Do vậy bước đầu chúng tôi vận động cán bộ, đảng viên, cán bộ Mặt trận các đoàn thể và những người có uy tín làm trước để nêu gương cho người dân cùng thực hiện nên dần dần phong trào đã có sức lan tỏa trên khắp địa bàn”.

Vai trò của Mặt trận ngày càng được nâng cao

Không chỉ vận động nhân dân xây lò đốt để xử lý rác, việc người dân Gò Quao tham gia bảo vệ môi trường còn thể hiện ở chỗ tất cả các vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đều được thu gom lại để xử lý đúng cách. Đối với một huyện nông thôn như Gò Quao, việc làm này có ý nghĩa rất thiết thực.

Gặp chúng tôi sau buổi phun thuốc bảo vệ thực vật với những vỏ chai thuốc trên tay chuẩn bị bỏ vào điểm thu gom, anh Nguyễn Hoàng Anh, 42 tuổi, ngụ ấp 4, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao vui vẻ nói: trước kia có khi bỏ vỏ chai ngay tại ruộng, cũng có khi mang về nhà, nhưng nếu mang về thì cũng gom lại thành đống rồi đốt, rất là hôi.

“Từ ngày có điểm thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi được chính quyền xã rồi Ban công tác Mặt trận ấp tuyên truyền, vận động nên giờ hễ xịt thuốc xong là đem vỏ chai về bỏ vô đây, đến khi đầy thì trên huyện họ xuống chở về xử lý, giờ ra ruộng hoặc trên các con kênh cũng rất ít khi thấy có vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật” - Anh Nguyễn Hoàng Anh nói.

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu - khó vạn lần dân liệu cũng xong”, với sự đồng thuận cao này, 5 xã của huyện Gò Quao đã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã còn lại cũng sắp cán đích. Kết quả rõ nhất của sự chung sức, đồng lòng của người dân là Gò Quao ngày càng thay da đổi thịt, những vùng quê lại thêm đẹp, thêm giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy sự đồng thuận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO