Phát huy vai trò của tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường

Thành Luân 16/05/2019 14:40

Ngày 16/5, tại TP HCM, UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp cùng Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) và Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA Việt Nam) đã họp Ban Chỉ đạo (BCĐ) chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Phát huy vai trò của tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu khai mạc tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chương trình. (Ảnh: Hồng Phúc).

Hội nghị do ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng BCĐ chương trình đồng chủ trì cùng Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân và ông Knut Christiansen, Giám đốc NCA Việt Nam.

Nhiều kết quả thiết thực

Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh, sau 3 năm triển khai chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), UBTƯ MTTQ Việt Nam, ngành TNMT và các tổ chức tôn giáo đã phối hợp triển khai và thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ký kết chương trình hoặc kế hoạch phối hợp giữa Mặt trận, ngành TNMT và các tổ chức tôn giáo, tạo lên một sự vào cuộc đồng bộ trên cả nước trong công cuộc bảo vệ môi trường.

“Từng tôn giáo, với những đặc điểm giáo lý, giáo luật khác nhau, đã có những hoạt động phù hợp, cụ thể và thiết thực để tham gia thực hiện chương trình. Các tôn giáo trên địa bàn cả nước đã xây dựng được nhiều mô hình, cách làm hay, thiết thực và hiệu quả, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm nhẹ rủi ro thiên tai”, ông Ngô Sách Thực khẳng định.

Theo thống kê từ Báo cáo sơ kết của Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố và ngành TNMT, đến nay trên cả nước đã có gần 1.000 mô hình các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cũng theo đánh giá của Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, nhiều nội dung của chương trình phối hợp đã được lồng ghép vào việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các Cuộc vận động, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” nên đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân cũng như các cộng đồng tôn giáo.

Ông Ngô Sách Thực khẳng định, việc triển khai thực hiện chương trình phối hợp đã góp phần tăng cường sự thống nhất hành động giữa MTTQ các cấp, ngành TNMT với các tôn giáo trong việc huy động nguồn lực của các tôn giáo nói riêng và toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Qua đó, chương trình đã góp phần tích cực tăng cường sự hiểu biết và sự gắn bó, đoàn kết giữa các tôn giáo trong ngôi nhà chung đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát huy vai trò của tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 1

Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Hồng Phúc).

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân khẳng định, chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH là hoạt động đặc biệt ý nghĩa, trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong thời gian qua.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, tháng 12/2015 tại TP Huế, Bộ TNMT, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tôn giáo đã ký kết Chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020. Qua hơn 3 năm triển khai và thực hiện Chương trình, Bộ TNMT đánh giá chương trình đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp của chức sắc và tín đồ các tôn giáo với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH ở mỗi địa bàn dân cư.

Trong thời gian tới, Bộ TNMT sẽ tiếp tục phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam triển khai nhiều hoạt động tập trung vào việc xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền phù hợp cho các tổ chức tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; đồng thời tăng cường phối hợp tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên nhiên nhiên và ứng phó với BĐKH cho giáo dân của các tổ chức tôn giáo.

Tại cuộc họp, ông Knut Christiansen, Giám đốc NCA Việt Nam bày tỏ tin tưởng nỗ lực của Việt Nam và các tôn giáo ở Việt Nam nói riêng sẽ giúp cho chương trình tiến tới các kết quả tích cực.

Phát huy vai trò của tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 2

Ban Chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo chương trình. (Ảnh: Hồng Phúc).

Nhiều mô hình, sáng kiến của tôn giáo về bảo vệ môi trường

Đóng góp ý kiến vào dự thảo tài liệu của chương trình, Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám quản Tòa Tổng Giám mục Tổng giáo phận TP HCM cho biết, Tổng giáo phận TP HCM đã thành lập Ban bảo vệ môi trường, với mỗi giám mục là một thành viên của ban. Thời gian qua, Ban này đã tổ chức các buổi học hỏi về bảo vệ môi trường tại các giáo xứ, với sự tham dự của các giảng viên Đại học TNMT TP HCM.

Tại các giáo xứ do Giáo phận quản lý, đã phát động các hoạt động phân loại rác tại nguồn; riêng các hộ giáo dân ở dọc các kênh rạch được khuyến nghị không xả rác xuống kênh và nâng cao ý thức trong việc bảo vệ cây xanh, tạo những mảng xanh để xây dựng môi trường trong lành.

Còn theo đại diện Hội đồng tinh thần Tôn giáo Baha’I Việt Nam, đến nay Hội đồng đã biên soạn được tài liệu riêng về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH để phổ biến cho toàn thể tín đồ Baha’I Việt Nam. Và, qua các tín đồ của mình, Hội đồng sẽ chia sẻ với họ về các kiến thức để nâng cao sự hiểu biết và cách thức để chung tay bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống.

Tinh thần phụng sự của Baha’I Việt Nam là “Phụng sự nhân loại là phụng sự Thượng đế”. Vì vậy, các buổi giảng thuyết của Baha’I sẽ đề nghị giáo dục cộng đồng về môi trường dựa trên các nguyên lý tâm linh mà Thượng đế ban cho nhân loại trong thời đại này, nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức của mỗi tín đồ trước các thách thức toàn cầu.

Hiện nay riêng Tịnh độ Phật hội Việt Nam đã xây dựng được mô hình kho dự trữ thuốc nam rộng hơn 13 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương , đây là mô hình về bảo vệ môi trường của Tịnh độ, trong đó việc ươm trồng và bảo vệ các giống thuốc nam quý sẽ nói không với thuốc trừ sâu hoặc các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Toàn bộ nguồn tài chánh để duy trì hoạt động này đều từ thiện nguyện và phát tâm của phật tử và tín đồ trong giáo hội. Nguồn thuốc quý này sẽ được Giáo hội sử dụng vào hoạt động khám chữa bệnh cho người dân cả nước, cũng hoàn toàn miễn phí.

Đối với Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, thời gian qua cũng đã đề ra được nhiều giải pháp và kế hoạch để thực hiện chương trình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường do Mặt trận chủ trì. Đại diện Ban Trị sự của Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương cho biết, thời gian qua Ban Trị sự đã xây dựng được mô hình điểm tại khu dân cư thôn Quảng Tây, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xây dựng thành công mô hình tuyên truyền bảo vệ môi trường tại 11 tổ đoàn kết dân cư, với 476 tín đồ và người tham dự. Sau đó, các tín đồ và người dân đã tham gia 7 đợt ta quân dọn dẹp vệ sinh ngõ xóm trong khu dân cư.

Theo dự kiến, Hội nghị quốc gia 2019, với chủ đề “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH” sẽ diễn ra trong hai ngày (14-15/10) tại TP Huế, với sự tham gia của tất cả đại diện các tôn giáo tại Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chính phủ và các Bộ ngành trung ương và địa phương.

Phát huy vai trò của tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 3

Ông Knut Christiansen, Giám đốc NCA Việt Nam phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Hồng Phúc).

Phát huy vai trò của tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường - 4

Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám quản Tòa Tổng Giám mục Tổng giáo phận TP HCM. (Ảnh: Hồng Phúc).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy vai trò của tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO