Phát triển bền vững

Mai Loan 05/07/2016 04:15

Sau sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, trong phiên họp Chính phủ diễn ra hôm cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo hướng giải quyết tiếp theo. Thủ tướng lưu ý: “Phát triển kinh tế phải chú ý tới môi trường, phải tính toán chặt chẽ. Tuyệt đối không phải vì phát triển kinh tế mà bỏ qua yếu tố môi trường”.

Suy cho cùng, đích đến quan trọng nhất là mục tiêu tăng trưởng bền vững như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra là “phải thật sự coi trọng chất lượng, hiệu quả tăng trưởng và phát triển bền vững”. Quả thực, bài học Formosa là rất đắt giá trong quá trình cân bằng giữa sự phát triển kinh tế và đảm bảo môi trường sống an toàn cho nhân dân; nhất là với một quốc gia đang phát triển như đất nước chúng ta.

Sự cố môi trường xảy ra tại khu công nghiệp Vũng Áng gần 3 tháng qua có thể xem là sự cố môi trường lớn nhất từ trước đến nay, nó ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên- nói chính xác hơn là môi trường biển của 4 tỉnh miền Trung. Điều đáng nói là với sự tàn phá nặng nề môi trường biển, càn quét cả những gì ở dưới đáy biển sâu; rồi đây chúng ta phải mất một thời gian dài nữa, có thể tới vài chục năm để khôi phục môi trường biển tại các tỉnh kể trên.

Nhưng hệ lụy trước mắt là vấn đề sinh kế cho những người dân ven biển 4 tỉnh miền Trung nói trên; dù rằng, Chính phủ đã rất kịp thời ngay trong và sau khi sự cố xảy ra đã có những hỗ trợ cho bà con góp phần ổn định cuộc sống. Sự cố môi trường ở Formosa dù sao cũng thật may mắn là chúng ta đã xử lý kịp thời, nhưng nếu các địa phương cứ chạy theo tăng trưởng nóng thì sẽ không thể bảo đảm rồi đây không có những sự cố môi trường lớn ở mức tương tự.

Không tính những vụ ô nhiễm môi trường lớn như vụ Vedan hay Formosa, từ năm 2015 cho đến nửa đầu năm nay chúng ta đã chứng kiến tình trạng hạn hán khốc liệt xảy ra tại nhiều địa phương. Đương nhiên, những vấn đề của thiên nhiên thì thật khó lường và nó cũng có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan; nhưng rõ ràng trong sự khốc liệt của biến đổi khí hậu và nước biển dâng có cả sự đóng góp của con người.

Ở Việt Nam, ví dụ cụ thể nhất đó là tình trạng phá rừng làm thủy điện. Cũng mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như lãnh đạo nhiều bộ, ngành đã chỉ ra: Hạn hán đã làm ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất nông nghiệp của Kon Tum. Thậm chí, thế mạnh của tỉnh là thủy điện thì nay lại là mặt bất cập khi tỉnh đối diện hạn hán, biến đổi khí hậu.

Cũng vì thế, yêu cầu phải bảo vệ, phát triển rừng đã được đặt ra với Kon Tum. “Kon Tum còn nghèo nhưng màu xanh, độ che phủ rừng của Kon Tum rất lớn, đây chính là nơi sinh tồn cho đồng bào cũng là điều kiện phát triển cho các vùng có liên quan ở Tây Nguyên”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói như thế trong buổi làm việc.

Với Kon Tum và vùng đất Tây Nguyên là thế; còn với những vùng đất, những khu vực kinh tế trọng điểm khác thì sao? Cũng trong một buổi làm việc với khu kinh tế Nghi Sơn hồi cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặc biệt lưu ý lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, khu kinh tế Nghi Sơn về việc phải đặc biệt quan tâm vấn đề môi trường do đây là khu kinh tế có diện tích sử dụng đất, mặt nước lớn, tập trung nhiều nhà máy công nghiệp nặng như lọc hoá dầu, sản xuất thép, xi măng, nhiệt điện…

“Từ bài học của Formosa, phải luôn cảnh giác, luôn có ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Trong từng nhà máy, tuỳ theo mức độ xả thải, phải có hệ thống xử lý nước thải phù hợp. Trong từng khu công nghiệp, phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung”- Phó Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng cũng phải tiến hành giám sát môi trường, xả thải theo đúng các quy định của luật, thông lệ quốc tế, phải nghiệm thu kết quả xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường.

Những địa danh khác nhau, có nơi đã xảy ra sự cố môi trường có nơi chưa và mức độ sự cố cũng khác nhau nhưng rõ ràng, việc đòi hỏi nâng cao ý thức giữ gìn môi trường là rất cần thiết; theo cách bảo vệ môi trường để chống ô nhiễm ngay từ đầu chứ không phải “mất bò mới lo làm chuồng” như nhiều bài học nhãn tiền.

Nhưng, sau các sự cố môi trường lớn nhỏ, người dân sẽ có ý thức hơn trong việc gìn giữ môi trường sống xung quanh. Và, cũng chính nhân dân sẽ là lực lượng quan trọng trong giám sát môi trường sống ở quanh họ. Thế nhưng chỉ có ý chí của Nhà nước và sự vào cuộc của nhân dân thì có lẽ cũng mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ.

Quan trọng nhất chính là ý thức của các doanh nghiệp mà cụ thể hơn nữa là ý thức của những người đứng đầu doanh nghiệp. Một hệ thống xử lý môi trường trong một nhà máy giấy hay một nhà máy luyện thép không phải khó xây dựng. Cái chính là doanh nghiệp có thực sự muốn làm điều đó vì môi trường hay không?

Bởi, một hệ thống xử lý nước thải sẽ tiêu tốn một lượng kinh phí lớn; nó cũng sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp trong khi chi phí cũng sẽ tăng cao hơn- chừng ấy lý do cũng đã đủ để nhiều chủ doanh nghiệp không muốn xây dựng hệ thống xử lý môi trường. Nhưng một môi trường bền vững cho phát triển dài lâu là hướng đi đúng được Đảng, Nhà nước đưa ra rất cần nhận được sự chung tay, ủng hộ của cả doanh nghiệp và người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO