Phát triển các trường sư phạm: Bắt đầu từ nhận diện năng lực

Vân Khánh 23/10/2017 08:00

Cả nước hiện có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm, chưa kể các trường đại học, cao đẳng, trung cấp có ngành đào tạo giáo viên khác. Mới đây, một hội thảo liên quan đến việc phát triển các trường sư phạm đã được tổ chức tại Hà Nội. Cùng đó, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã chính thức gửi công văn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước nêu 3 kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số điều trong các luật về giáo dục.

Tự chủ đại học không có nghĩa là tự do, mà gắn với kiểm soát điều kiện bảo đảm chất lượng, bảo đảm chuẩn đầu ra.

Theo quy chế tuyển sinh đại học, từ năm 2018, Bộ GD&ĐT không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trong xét tuyển đại học. Các trường sẽ phải cân nhắc để đảm bảo chất lượng đào tạo, khẳng định uy tín và thương hiệu của mình.

Cùng với đó, khắc phục những tồn tại lâu năm trong đào tạo sư phạm, Bộ GD&ĐT đã quyết định từ năm học 2018 - 2019 sẽ quy định điểm sàn riêng cho trường sư phạm và mức này phải cao hơn điểm sàn chung.

Đây cũng có thể xem như một yêu cầu tự chủ về chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo, nhằm khẳng định thương hiệu và lấy lại vị thế của các trường sư phạm.

Quy hoạch trường sư phạm: Không thể chậm thêm 1 năm nữa

Cả nước hiện có 14 trường đại học (ĐH) sư phạm, 33 trường cao đẳng (CĐ) sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Đó là chưa kể các trường ĐH, CĐ, trung cấp có ngành đào tạo giáo viên khác. Có thể thấy, số lượng các trường rất lớn, rải rác ở nhiều địa phương trên cả nước, các trường lại có giáo trình, chương trình đào tạo riêng dựa trên chương trình khung của Bộ GD&ĐT.

Tháng 4/2016, Thủ tướng ban hành Quyết định 732 phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó mục tiêu đến năm 2020, toàn hệ thống từ Trung ương tới địa phương chỉ được đào tạo thêm 190.000 người. Kể từ đó đến nay, trong vòng 2 năm, tổng chỉ tiêu tuyển mới của toàn hệ thống đã lên tới gần 100.000 em. Như vậy, trong 3 năm tới đây, ngành giáo dục sẽ chỉ được tuyển thêm 90.000 người nữa. Con số này cần phải được tính toán kỹ và điều tiết trên toàn hệ thống vì tình trạng thừa thiếu giáo viên ở các địa phương, các cấp học, thậm chí từng môn học đang diễn ra tại nhiều nơi. Nhưng trên thực tế, hiện nay Bộ GD&ĐT chưa làm được điều này.

Mới đây, Bộ GD&ĐT cho biết, đã liên tục cắt giảm chi tiêu tuyển sinh ngành sư phạm từ 10 - 20% trong 3 năm vừa qua nhưng chưa thể cho ngừng tuyển mới vì liên quan đến sự sống còn của các trường sư phạm. Đại diện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Chỉ tiêu của trường này và các trường ĐH Sư phạm khác do Bộ quản lý chỉ khoảng hơn 10 ngàn chỉ tiêu, còn lại do các địa phương quyết định và giao cho trường CĐ sư phạm trên địa bàn mình quản lý. Số chỉ tiêu này nằm ngoài khả năng của Bộ GD&ĐT.

Vì thế, nhằm khắc phục những bất cập kéo dài trong đào tạo sư phạm thời gian qua, một trong những giải pháp quan trọng mà lãnh đạo Bộ GD&ĐT đưa ra để đảm bảo quản lý tốt chất lượng tuyển sinh, đào tạo và đầu ra của các trường, sẽ bắt đầu từ việc quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ sư phạm trên cả nước. Việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm hiện phải được xác định là vấn đề cấp bách, cần làm ngay. Vì cứ chậm 1 năm, lại có thêm một lứa thí sinh được tuyển mới, thêm một lứa sinh viên ra trường mà triển vọng công việc của họ như thế nào vẫn là một dấu hỏi lớn...

Sinh viên trong phòng thí nghiệm. Nguồn: Dongnaigov.vn.

Tự chủ đồng nghĩa với đảm bảo đầu ra

Vậy để quy hoạch ngành sư phạm càng sớm càng tốt, giải pháp của Bộ GD&ĐT là gì? Bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho hay: Vấn đề của sư phạm không nằm ở việc quy định điểm đầu vào thế nào mà giải quyết được nguyên nhân dẫn tới việc sư phạm giảm sức hút đối với người học. Khi đã có sức hút, không cần quy định, mức điểm chuẩn vẫn sẽ cao. Bộ GD&ĐT đang thực hiện việc này để sớm trình Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, khoảng 8-10 trường có chất lượng cao, uy tín sẽ được chọn làm trung tâm. Các trường sư phạm chất lượng trung bình sẽ có hướng chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của trường trung tâm, cùng sử dụng chương trình, quy trình, đội ngũ giảng viên và đạt chuẩn chất lượng đầu ra.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ kiên quyết: Bộ GD&ĐT sẽ ban hành chuẩn giảng viên, giáo viên. Tự chủ ĐH không có nghĩa là tự do, mà gắn với kiểm soát điều kiện bảo đảm chất lượng, bảo đảm chuẩn đầu ra. Theo kế hoạch, đến 2020, các trường phải thực hiện tự chủ, vì thế các trường kể cả công lập và ngoài công lập phải chuẩn bị kỹ để triển khai. Cần thay đổi tư duy, chủ động để tháo gỡ khó khăn, không kêu ca nhiều. Tới đây đào tạo sư phạm phải bảo đảm sinh viên ra trường có việc làm và chất lượng tốt. Các trường sư phạm phải chấp nhận quy hoạch lại vì sự nghiệp chung.

Nhằm hỗ trợ các giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, Chương trình Phát triển các trường sư phạm (ETEP) vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) đã chọn 6 trường ĐH sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội, Hà Nội 2, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng), 1 Học viện Quản lí Giáo dục và ĐH Vinh để giúp nâng cao năng lực theo các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp trong khuôn khổ Chương trình ETEP.
Một hội thảo liên quan đến việc phát triển các trường sư phạm bắt đầu từ nhận diện năng lực cũng vừa được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội. Theo đó hội thảo đã tập trung phân tích các kết quả tự đánh giá và đánh giá đồng cấp của 8 trường nói trên sư phạm trong khuôn khổ Chương trình ETEP theo bộ chỉ số TEIDI (bộ công cụ đo lường năng lực các trường sư phạm có 7 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí và 60 chỉ số trên các lĩnh vực: Tầm nhìn chiến lược và quản lý chất lượng; Chương trình đào tạo, bồi dưỡng; Nghiên cứu, phát triển và đổi mới; Hoạt động đối ngoại; Môi trường và các nguồn lực; Hỗ trợ dạy học; Hỗ trợ người học).

V.K.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển các trường sư phạm: Bắt đầu từ nhận diện năng lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO