Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Còn nhiều rào cản

Thanh Giang 04/09/2015 06:05

Nhiều ý kiến cho rằng, có quá nhiều rào cản trì hoãn ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển, mặc dù TP HCM rốt ráo thực hiện. Muốn phát triển tốt CNHT, thành phố cần có những chính sách và cách thực hiện riêng cho từng ngành kinh tế.

Tỷ lệ nội địa hóa của DN Việt ở mức thấp so với các nước.

Khó khăn

Hội nhập sâu rộng, yêu cầu tất yếu gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên cấp thiết hơn. Đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong hoạt động đầu tư và sản xuất, TP HCM tìm mọi giải pháp để đẩy mạnh phát triển ngành CNHT. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy rõ quá nhiều rào cản đang trì hoãn CNHT phát triển đúng tầm.

Theo kết quả khảo sát của Cục Thống kê TP HCM năm 2015, DN sử dụng trang thiết bị hiện đại chiếm tỷ lệ thấp. Đơn cử, chỉ có 10% DN điện tử - công nghệ thông tin sử dụng trang thiết bị tự động, còn lại đa phần các ngành vẫn chạy dây chuyền sản xuất bằng công nghệ thủ công, bán tự động. Theo đó, có đến 70 - 80% DN da giày sử dụng thiết bị thủ công ở các công đoạn chính. Có tới 75% số DN không áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại. Trên 60% DN cơ khí sử dụng công nghệ thủ công và bán tự động. Đối với DN cao su – nhựa, có từ 50 - 86% sử dụng công nghệ bán tự động.

Đến ngành cơ khí - một trong những ngành trọng yếu, góp phần thúc đẩy các ngành khác cùng tiến bộ và phát triển song ngành này vẫn ì ạch. Kết quả, ngành cơ khí chỉ mới chế tạo được một số thiết bị thông thường, đơn giản như máy chặt thuỷ lực, băng tải chiếm tỷ lệ khoảng 10%. Khả năng cung ứng của ngành cơ khí còn khá xa so với nhu cầu của các ngành. Các ngành khác đa phần phải nhập khẩu máy móc từ các nước nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất theo hướng hiện đại. Như ngành dệt may 100% máy dệt, máy may, máy kéo sợi nhập 100%. Đối với ngành da giày, thiết bị sản xuất giày dép, túi xách đang nhập 50% của Đài Loan, 20% từ Hàn Quốc và 10% từ Trung Quốc. Hay ngành lương thực thực phẩm cũng đang phải nhập khẩu toàn bộ thiết bị, dây chuyền sản xuất.

Theo thống kê có tới 90% DN cơ khí tiêu thụ tại thị trường trong nước, 72% DN da giày tiếp cận khách hàng nhờ khách hàng cũ giới thiệu và qua các kênh quảng cáo khác… Rõ ràng năng lực sản xuất thấp, cho nên sản phẩm của DN trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của các DN FDI có công nghệ cao về chất lượng, tính đồng bộ. Đây cũng chính là nguyên nhân DN khan hiếm đơn đặt hàng.

Cần chính sách riêng biệt

Nhận biết rõ điểm yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh không ít DN mong muốn thay đổi công nghệ. Tuy nhiên khó khăn về nguồn vốn đang kìm hãm sự phát triển của DN. Hiện có trên 50% DN cho biết đang gặp khó khăn về vốn vay, tiếp cận tài chính và đa phần các DN đều muốn được hỗ trợ về vốn tín dụng. Mặc dù TP. HCM đã có chính sách bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi vay trong đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng phát triển sản xuất, nhưng DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các chính sách này do phần lớn là DN vừa và nhỏ, vốn ít tài sản thế chấp thấp, không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.

Ông Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM nhận xét, UBND thành phố yêu cầu các ngành tập trung triển khai đề án phát triển CNHT trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025 với 6 ngành nghề kinh tế chủ lực. Song, đến thời điểm này, ngành nào cũng có nhiều cái khó nhất định ảnh hưởng đến tiến độ phát triển lĩnh vực CNHT.

Theo ý kiến của nhiều DN, thành phố cần có những chính sách và cách thực hiện riêng cho từng ngành cụ thể. Ví dụ, ngành nhựa - cao su có đặc thù cung ứng cho nhiều ngành sản xuất khác, vì vậy cần có sự hỗ trợ trong mối liên kết để tạo thành chuỗi giữa các ngành. Đồng thời, phải có các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ gắn liền với thực tiễn. Còn ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm, yêu cầu phải bổ sung danh mục CNHT cho những ngành sản xuất sử dụng các loại nông sản làm nguyên liệu là thế mạnh của từng vùng. Bên cạnh đó nên dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường mà có chính sách phù hợp. Tiếp đó là phải đẩy mạnh việc sản xuất thiết kế máy móc ngay tại thị trường trong nước nhằm hạn chế nhập khẩu.

Nói về kế hoạch thực hiện đề án phát triển CNHT của TP HCM nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho hay, đề án đang Sở Công thương thành phố và trường đại học Kinh tế xây dựng và phát triển. Dự kiến, trong tháng 9 này dự thảo báo cáo tổng hợp đề án sẽ trình lên UBND TP Hồ Chí Minh để lấy ý kiến hoàn thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Còn nhiều rào cản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO