Phát triển kinh tế thiếu bền vững

Việt Thắng 26/05/2017 07:45

Chiều 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), nền kinh tế hiện không ổn định, thiếu bền vững. Kinh tế tăng trưởng chậm, cơ cấu kinh tế chưa có chuyển dịch rõ rệt, công nghiệp xuất khẩu chủ yếu khai khoáng phụ thuộc vào giá dầu, chi đầu tư giải ngân thấp, nông nghiệp giảm.

ĐB Nguyễn Mai Bộ (giữa) kiến nghị cần có biện pháp xử lý các loại lâm tặc, cát tặc, bảo kê…(Ảnh: Quốc Anh).

Cơ cấu kinh tế chưa có chuyển dịch rõ rệt

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã nhìn nhận, 2 chỉ tiêu rất quan trọng đều không đạt là GDP và xuất khẩu dẫn đến hệ lụy lớn về Ngân sách. Bội chi không giảm mà tăng trưởng lại giảm. Cho đến giờ chắc là hỏi bất cứ đại biểu nào năm nay tăng trưởng có được 6,7% không thì trăm phần trăm đều giơ tay không đạt. Giải pháp rất quan trọng là chi tiêu ngân sách, bội chi phải giảm thì mới có cơ hội lành mạnh, ngân sách ổn định vững chắc.

Đề cập đến giải pháp, đại biểu (ĐB) Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, cần có giải pháp mới. Chính phủ đưa ra 9 giải pháp và đây là giải pháp truyền thống nhưng không có đột phá. Vấn đề đặt ra chúng ta cần có giải pháp cụ thể hơn.

Trước mắt cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô; giảm lãi suất trung và dài hạn, hạn chế nợ xấu; tập trung tín dụng vào sản xuất hiện nay tín dụng chảy vào đầu tư bất động sản; đẩy nhanh giải ngân các dự án theo kế hoạch.

“Giải pháp Chính phủ đưa ra rất tốt nhưng tại sao chúng ta không tạo được đột phá không xoay chuyển được.Chúng ta nên xem xét lại, cần có cơ quan xem xét việc điều hành thực thi các chính sách kinh tế. Chính phủ cần thành lập các tổ công tác vào từng lĩnh vực. Ví dụ như việc tháo gỡ để doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động tốt hơn. Tổ công tác xem xét các vấn đề giải ngân, những dự án đầu tư công tại sao chậm, không hiệu quả”- ông Bình đặt vấn đề.

Thủ tục hành chính vẫn là lực cản

Theo ĐB Nguyễn Văn Giàu (An Giang) tồn tại lớn nhất chưa có chuyển biến lớn, chưa yên tâm cho cử tri và nhà đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy sản xuất kinh doanh chính là cải cách thủ tục hành chính chưa giảm nhiều.

Thậm chí có thời điểm chính khách nước ngoài nói môi trường đầu tư nước ta đã có cải thiện, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường bằng việc ban hành nhiều luật, nhưng thực thi chưa yên tâm như thủ tục đấu thầu, thuế, thành lập đăng ký doanh nghiệp, nhưng đặc biệt là tham nhũng.

“Nhật Bản họ sang Việt Nam dự hội nghị, họ nói sợ nhất là phí phi chính thức. Hỏi các ngành các cấp biết cả. Hy vọng Trung ương 6 bàn về hệ thống bộ máy tổ chức các chính sách về con người, sử dụng lao động”- ông Giàu cho hay.

Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, thủ tục hành chính nói nhiều nhưng làm chưa nhiều, chế độ trách nhiệm tập thể không rõ. Cái này rất quan trọng, không làm được thì khó giải quyết vấn đề khác.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng, công tác cải cách thủ tục hành chính cần phải được nâng lên thêm một bước nữa. Qua thông tin 20.000 viên thuốc ung thư tài trợ phải hủy vì hết hạn sử dụng, trong đó nguyên nhân do thủ tục hành chính để xin nhận thuốc về quá lâu (hơn 9 tháng), đây là dấu hiệu cho thấy cán bộ, công chức của chúng ta còn chưa thực sự thể hiện hết tinh thần cán bộ là công bộc của người dân.

“Chưng cất” lại bộ máy

ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng, cử tri rất quan tâm đến tình trạng đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa minh bạch chưa khác quan, nhiều nơi cả họ làm quan, người nhà nhiều hơn nhiều tài nhưng chưa báo cáo đánh giá chưa rõ về vấn đề này.

Cùng chung quan điểm, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu rõ: Chất lượng cán bộ có nhiều đánh giá khác nhau. Để đo đếm định lượng được chất lượng công chức rất khó khăn, đã từng có con số “30% cán bộ công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” với chất lượng cán bộ như vậy thì việc ban hành chính sách gặp khó khăn. “Tinh giản 10% chính là “chưng cất” lại chất lượng bộ máy chứ không phải thuần túy giảm số lượng”- ông Vân nói.

Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, tinh giản biên chế cần chú ý 2 vấn đề mà trong Nghị quyết 39 và Nghị đinh 108 của Chính phủ chỉ rõ đó là tinh giản biên chế kết hợp với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức một cách hợp lý.

“Tuy nhiên hiện nay chúng ta đang tinh giản một cách cơ học 10% mà chưa chú ý cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói, và cho rằng: Cơ cấu quan trọng thì có thể nơi này giảm nhưng nơi khác tăng. Cơ cấu lại là chúng ta phân theo vị trí việc làm cho phù hợp, chứ không phải tất cả đồng loạt giảm 10%. Cái này chúng ta tính toán lại cơ cấu để chúng ta thay đổi bộ máy, thay đổi lại đội ngũ công chức, viên chức để nâng chất lượng.

Xử lý chống lưng, bảo kê

Theo ĐB Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng - an ninh cho rằng, các loại lâm tặc, cát tặc, rồi bảo kê cho thấy quản lý xã hội hình như đâu đó có sự chống lưng, “cò mồi” nơi thu thuế vẫn hoành hành thì có bảo kê ở đâu đấy.

Cho nên Chính phủ phải có biện pháp xử lý ngay. Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, báo chí đề cập nhiều đến việc phá rừng phòng hộ, cát tặc. Mọi vấn đề trong tầm tay sao không xử lý được? Giờ lấy cả rừng phòng hộ, xâm phạm có liên quan đến chính quyền chứ dân nào dám làm.

ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành là khá kịp thời nhưng cách thức xử lý và đề ra các giải pháp chậm như chính sách phản ứng với tình huống giá nông sản, thịt lợn đã cảnh báo nhưng khi vào cuộc xử lý, rồi phản ứng của thị trường, cảnh báo chưa có hiệu lực hiệu quả. Theo ông Sơn, đó là do tác động chuyển động của bộ máy phải làm sao để cùng vào cuộc thì tình hình mới chuyển.

“Người dân khen Thủ tướng rất quyết tâm, chỉ đạo rất quyết liệt nhưng xuống cấp xã phường lại chậm. Cho nên sắp tới cần có giải pháp làm sao cho cả bộ máy chuyển động. Đây là nút thắt cần phải tích cực tháo gỡ. Ngay mới đây chúng ta bàn về xử lý nợ xấu thấy thị trường tiền tệ đã chuyển động tích cực. Điều đó cho thấy nếu bộ máy chuyển thì sẽ xử lý được các tồn tại”- ông Sơn cho hay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Khí thế bừng bừng sao GDP thấp?

“Quý I/2017 đang bừng bừng khí thế, tình hình thuận lợi hơn hẳn năm ngoái, không bị thiên tai, hạn hán, còn sự cố Formosa thì đã cơ bản khắc phục... Thiên thời, địa lợi, nhân hòa vậy mà sao tăng trưởng kinh tế vẫn thấp, sao GDP chưa chịu tăng theo”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi và cho rằng đây là vấn đề mà khi thảo luận trong TVQH cũng đã đặt ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thủ tục đầu tư công rất phức tạp

Cũng đề cập đến vấn đề tăng trưởng kinh tế, tại phiên thảo luận tổ hôm 25/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, rất quyết tâm cùng Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch tăng trưởng 6,7%.

Thủ tướng cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân là “do thủ tục đầu tư công rất phức tạp, vòng lên, lại vòng xuống, rất mất thời gian. Cái này là khuyết điểm chung của hệ thống, để biết được và có giải pháp khắc phục thời gian tới tốt hơn”.

M.L.(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển kinh tế thiếu bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO