Phát triển thị trường vốn, thúc đẩy giao dịch

H.Hương 08/04/2021 08:00

Phát triển thị trường vốn sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước sớm hoàn thành quy trình quản trị công ty minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn nhà nước. Qua đó, thúc đẩy tăng khối lượng giao dịch trên thị trường, tăng tính thanh khoản cho cổ đông.

Nguồn vay vốn đang bị hạn chế

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư hiện nay, nhu cầu tăng vốn, mở rộng thị trường, thay đổi công nghệ, xây dựng mô hình doanh nghiệp thông minh, doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp điện tử, doanh nghiệp số… là một trong những nhu cầu cấp thiết ưu tiên hàng đầu, để tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Hậu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hapaco, DN đầu tiên của miền Bắc niêm yết trên thị TTCK Việt Nam phân tích, kênh huy động này cũng có những hạn chế nhất định, nguồn vốn vay bị hạn chế do hạn mức, lãi suất cao, biến động. Đặc biệt là lãi suất thả nổi, trong trường hợp kinh tế vĩ mô không ổn định, thị trường biến động phức tạp, tác động lạm phát, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Qua đó làm làm tăng chi phí, tác động làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh và giảm hiệu quả dự án đầu tư (doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đầu tư kém hơn so với doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường chứng khoán).

Còn việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán có những hạn chế nhất định do các rào cản về thủ tục hành chính phức tạp, thời gian hoàn thiện các quy trình về hồ sơ thủ tục xin cấp phép phát hành…mất rất nhiều thời gian (chốt danh sách cổ đông, tổ chức đại hội, phát hành, niêm yết, lưu ký…) chi phí, tác động không nhỏ đến cơ hội kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp.

Để doanh nghiệp đại chúng hoạt động ổn định, phát triển bền vững, trong bối cảnh hiện nay đại đa số các doanh nghiệp lựa chọn song hành cả 2 kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán và qua kênh vay các ngân hàng để bảo đảm sự chủ động, bổ trợ tác động qua lại để tăng năng lực tài chính, bảo đảm cho các kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng và đầu tư phát triển trong ngắn hạn và dài hạn.

“Doanh nghiệp cần thị trường vốn phát triển để hoạt động ổn định, phát triển bền vững” - ông Hậu khẳng định.

Sẽ được tăng cường quản lý

Thị trường vốn trong giai đoạn 2021-2030 sẽ được tăng cường quản lý, giám sát để phát triển bền vững, đồng bộ giữa các cấu phần và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế và khu vực DNNN (các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước).

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng phát triển thị trường vốn chính là góp phần thúc đẩy các DNNN sớm hoàn thành quy trình quản trị công ty minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn nhà nước. Qua đó, thúc đẩy tăng khối lượng giao dịch trên thị trường, tăng tính thanh khoản cho cổ đông.

Các giải pháp để gắn sự phát triển của thị trường vốn với lộ trình tái cấu trúc DNNN giai đoạn 2021 – 2025 cũng được ông Đặng Quyết Tiến chỉ rõ như thực hiện công khai thông tin đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước (trừ các doanh nghiệp có liên quan đến quốc phòng, an ninh), đảm bảo cho mọi đối tượng quan tâm có thể dễ theo dõi, giám sát, khai thác thông tin. Công khai thủ tục, điều kiện, quá trình lựa chọn và đối tượng thụ hưởng các nguồn lực quốc gia, đặc biệt là đất, tài nguyên thiên nhiên.

Tập đoàn, tổng công ty nhà nước, DNNN có trách nhiệm giải trình về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; bảo toàn, phát triển vốn nhà nước trước cơ quan đại diện chủ sở hữu khi có yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển thị trường vốn, thúc đẩy giao dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO