Phát triển thủy lợi bền vững về tài chính, theo cơ chế thị trường

Minh Long 27/11/2017 09:25

Định hướng phát triển thủy lợi Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050 xác định: Phát triển thủy lợi đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp có tưới theo hướng giá trị gia tăng. Hoạt động thủy lợi trên nguyên tắc quản lý tổng hợp nguồn nước, phục vụ đa mục tiêu. Chuyển một số nội dung của hoạt động thủy lợi sang vận hành theo cơ chế thị trường có sự tham gia chủ động của các thành phần xã hội. Tiếp tục phát triển thủy lợi cho miền núi, vùng sâu vùng xa…


Nhiều kênh mương nội đồng không phát huy tác dụng.

Thời gian sắp tới, trong chiến lược phát triển ngành thủy lợi, cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn khuyến nông cho canh tác và tưới tiêu các loại cây trồng phi lúa gạo có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối trên cơ sở tùy theo từng vùng. Tăng cường mạng lưới quan trắc thủy văn và thông tin thời gian thực. Áp dụng các luật, quy định, biện pháp nhằm tăng cường ưu đãi, trách nhiệm giải trình và kết quả hoạt động cho các dịch vụ thủy lợi; cung cấp cơ sở quy định quyền sử dụng nước, các quyền và trách nhiệm, chuyển giao quản lý thủy lợi.

Theo ông Phạm Hùng Cường, chuyên gia cao cấp về tài nguyên nước, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, hoạt động thủy lợi cần dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp nguồn nước, nhất là theo lưu vực sông và hệ thống thủy lợi. Cần phát triển thủy lợi bền vững về tài chính trên cơ sở vận hành theo cơ chế thị trường, có sự tham gia của người dân và các thành phần kinh tế để đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp có tưới, tạo nguồn nước cho dân sinh, công nghiệp, dịch vụ. Cùng với đó là thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và quản lý hiệu quả nguồn nước...

Ông Phạm Hùng Cường cho biết, 25 năm trở lại đây, Ngân hàng thế giới liên tục hỗ trợ cho ngành thủy lợi Việt Nam và trong tương lai Ngân hàng tiếp tục gắn kết và hỗ trợ ngành thủy lợi để đạt mục tiêu đổi mới trong 10 năm tới. Chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ qua các hoạt động đầu tư về “nông nghiệp có tưới” “nông nghiệp thông minh” làm sao để cho các hệ thống sản xuất nông nghiệp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, và hoạt động linh hoạt không những chỉ đáp ứng cho sản xuất nông nghiệp mà còn phải đáp ứng những ngành kinh tế khác như: Nuôi trồng thủy sản, làm muối, cung cấp nước sinh hoạt cho các đô thị và vùng nông thôn.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, thời gian vừa qua, thủy lợi Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, minh chứng bằng việc là đã phục vụ rất tốt cho nền kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp. Tuy vậy, ngành thủy lợi cũng còn hạn chế từ nội tại như: Thể chế trong quản trị nước chưa được tối ưu, quản lý tổng hợp nguồn nước, quản lý thống nhất theo lưu vực sông, chuyển nước thành hàng hóa, vận hành theo thị trường… Cùng với đó là những thách thức phải đáp ứng được những yêu cầu mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần làm giảm nhẹ những tác động do sử dụng tài nguyên thiên nhiên, hay sự phát triển của thượng nguồn…

“Trước yêu cầu đổi mới nền kinh tế, đặc biệt là đổi mới nền nông nghiệp, đòi hỏi thủy lợi phải có tầm nhìn đa chiều, huy động được nguồn lực và tìm động lực mới cho thủy lợi; trong đó, nhiệm vụ đầu tiên của thủy lợi phải đáp ứng nước cho sản xuất nông nghiệp với hàng triệu nông dân. Trong những năm vừa qua về cơ sở hạ tầng chúng ta cũng đã có những bước tiến vượt bậc. Chiến lược thủy lợi phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế, đáp ứng được những yêu cầu mới đa mục tiêu, thích ứng biến đổi khí hậu và góp phần giảm nhẹ tác động trong khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Mặt khác chúng ta phải đưa hoạt động thủy lợi theo cơ chế thị trường, tuy nhiên phải gắn chặt với đảm bảo an sinh xã hội, những đối tượng chính sách, các loại cây trồng và đảm bảo an ninh lương thực” - Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển thủy lợi bền vững về tài chính, theo cơ chế thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO