Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người

Thành Luân 04/10/2015 22:58

Đó là lưu ý của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại phiên bế mạc Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”, do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức vào ngày 4/10 tại  TP HCM.

Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại phiên bế mạc hội thảo. Nguồn: TTXVN.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Văn nghệ sỹ không chỉ chuyên chở “đạo làm người” trong tác phẩm của mình mà phải sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật có sức cảm hóa, thúc đẩy con người vươn tới sự hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống theo quy luật của tình cảm, của cái đẹp, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ.

Trên cơ sở nhấn mạnh vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ, Chủ tịch nước cho rằng, đội ngũ lý luận, phê bình VH-NT cần được quan tâm xây dựng phát triển cả về chất lượng và số lượng trong toàn bộ các lĩnh vực VH-NT, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, thật sự góp sức thẩm định đúng đắn các giá trị đích thực các tác phẩm VH-NT và giáo dục thẩm mỹ, làm tốt vai trò định hướng dư luận xã hội. Đảng, Nhà nước và nhân dân mong mỏi các văn nghệ sỹ ngày càng sáng tạo nhiều tác phẩm phản ánh hiện thực sinh động, chân thực, sâu sắc.

Các tác phẩm cần biểu dương, cổ vũ những nhân tố tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu của thời đại; đề cao cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên; phê phán thói hư, tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn.

“Đối với giới văn hóa, văn nghệ nước nhà, tôi muốn nhắc lại một quan điểm chỉ đạo rất quan trọng trong NQ-33 là phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù sáng tạo”- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

Chủ tịch nước cũng đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nghiên cứu những giải pháp khả thi để để đề xuất với Ban Bí thư trong việc hình thành những giá trị nhân cách tiêu biểu cho người Việt Nam. Tránh để tình trạng những công trình khoa học, những nghiên cứu bị bỏ quên, hoặc bị bỏ vào tủ khóa lại mà không được thấm nhuần vào thực tiễn.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu phải hết sức cảnh giác với sự “xâm lăng văn hóa”. Đó là những biểu hiện lai căng lấn át bản sắc văn hóa dân tộc.

Tại phiên kết thúc Hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà lý luận, nghiên cứu văn học, nghệ thuật cũng được nêu ra. Theo GS Hoàng Chương, sân khấu có thế mạnh ngợi ca người tốt và phê phán kẻ xấu để cho cái tốt người tốt được đề cao, biểu dương, và cái xấu, người xấu bị phê phán, bị loại trừ trong xã hội.

Tuy nhiên, ông cũng bức xúc khi cho rằng nhiều nhà viết kịch lại né tránh không dùng vũ khí ngòi bút của mình để “bắn” vào điểm đen, ngược lại chỉ hướng vào các đề tài xưa cũ, khai thác những chuyện có tính giật gân, câu khách, tính thẩm mỹ thấp.

Theo GS Chương, nhiều trại sáng tác kịch bản mở ra với đầu tư khá lớn của Nhà nước nhưng gặt hái không được bao nhiêu: ít tác phẩm, đặc biệt là những tác phẩm có nội dung mới bám sát vào đời sống đương đại.

Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản chính thức thông qua đề án xây dựng khu phố Sách trên đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1. Đây là công trình văn hóa chào mừng Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Việc xây dựng đường Sách là cũng là hoạt động nhằm góp phần phát triển văn hóa đọc, tạo điểm đến cho khách du lịch tại TP.Hồ Chí Minh. Dự kiến, đường Sách bao gồm 19 gian hàng, có thiết kế đồng nhất, hiện đại và một bên đường là mô hình cà phê sách. Đường Sách sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong tháng 10 này.

L.Hồng

Còn theo Đạo diễn Đặng Nhật Minh, trong điện ảnh ngày nay người ta đề cao những phim giải trí không mang một ý nghĩa giáo dục nào hết, khai thác những chủ đề về tội ác, bạo lực, sex, thế giới giang hồ, showbiz, thế giới của đại gia, chân dài…

“Thế mà những phim như vậy lại được tung hô, coi là biểu tượng của đổi mới, bắt nhịp với thời đại?”- ông Minh đặt câu hỏi. Trong khi đó, theo ông Minh, có những phim mang ý nghĩa phản ánh xã hội nhằm thức tỉnh lương tâm, trách nhiệm của con người thì bị dè bỉu.

Bà Thân Thị Thư- Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM cũng bày tỏ lo ngại khi nhiều tác phẩm, phim ảnh nước ngoài được chiếu trên các kênh truyền hình trong nước với đầy rẫy cảnh chém giết, con người mất nhân cách; và chúng cũng tràn lan trên mạng internet.

Bà Thư ví von rằng, các tác động này giống như “gió độc” làm đảo lộn hệ giá trị, đặc biệt là với một bộ phận giới trẻ.

Tổng kết các nội dung thảo luận trong 2 ngày diễn ra Hội thảo, ông Hồng Vinh- Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, cũng như ý kiến xây dựng của giới nghiên cứu, phê bình VH-NT cả nước sẽ được Hội đồng tiếp thu, ghi nhận.

Ông Vinh, cũng cho rằng qua Hội thảo lần này, một lần nữa toát lên ý thức trách nhiệm và sự tâm huyết của giới nghiên cứu, lý luận phê bình và sáng tác VH-NT, đóng góp vào việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực sáng tác mới, lan tỏa rộng rãi các giá trị nhân văn cao đẹp, làm giàu thêm đời sống tinh thần, hoàn thiện đạo đức, nhân cách người Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO