Phía sau động thái tăng lãi suất

Thúy Hằng 13/03/2016 09:10

Mặt bằng lãi suất huy động kể từ cuối năm 2015 đến nay có nhiều biến động rất đáng chú ý. Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm đã có 15 tổ chức tín dụng tăng lãi suất huy động tiền gửi. Dư luận băn khoăn, phải chăng chính những thay đổi trong dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước đã đẩy cuộc đua lãi suất nóng lên? 

* Liệu có phải những thay đổi được đưa ra trong dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã đẩy cuộc đua lãi suất nóng lên trong từng ngày qua?

Nhiều ngân hàng chạy đua tăng lãi suất huy động. (Ảnh: TL).

Thị trường bắt đầu phản ứng?

Mặt bằng lãi suất huy động kể từ cuối năm 2015 và đến tận hôm nay đã có những chuyển biến rất đáng chú ý. Nếu như các năm trước, các đợt điều chỉnh lãi suất thường diễn ra theo chu kỳ, và chỉ diễn ra trong một nhóm ngân hàng nhỏ thì lần này, cuộc đua lãi suất hoàn toàn khác biệt. Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm đã có 15 tổ chức tín dụng tăng lãi suất huy động tiền đồng.

Các ngân hàng có quy mô trung bình, thậm chí cả ngân hàng lớn, các ngân hàng thương mại cổ phần hay cả ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cũng nhập cuộc đua lãi suất. Mức lãi suất lên đến 8,3% tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)... nếu là khách hàng VIP với món tiền gửi lên tới 10 tỷ, 12 tỷ, để ở kỳ hạn dài 12 tháng, 18 tháng, 36 tháng.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng giải thích, họ đang muốn cơ cấu lại dòng vốn. Tức là tăng mạnh lãi suất kỳ hạn dài, từ đó để hướng dòng tiền gửi của khách hàng vào kỳ hạn dài. Đương nhiên, lời giải thích này cũng đúng, nhưng chưa đủ. Và bài viết cũng loại trừ yếu tố thanh khoản ngân hàng đang có vấn đề.

Có thể nhìn thấy 2 câu chuyện đang tác động rất sâu đến lãi suất hiện nay.

Đầu tiên đó là sự bứt phá trong tăng trưởng tín dụng. Khác với các quy luật cũ, năm 2016 tăng trưởng tín dụng không ngủ đông vào đầu năm mà vẫn tăng đều đặn. Điều này đã được Ngân hàng Nhà nước thừa nhận cũng như thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư miêu tả: nền kinh tế đạt nhiều chỉ số ấn tượng. Khoảng cách giữa tăng trưởng huy động và cho vay càng nới rộng, sức ép tăng lãi suất huy động nhằm bổ sung nguồn vốn đầu vào phục vụ cho các khoản vay. Lấy dẫn chứng tại địa bàn Hà Nội cho thấy, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn chỉ đạt 1.403.436 tỷ đồng, giảm 4,84% so với thời điểm 31/12/2015, trong khi đó tín dụng lại tăng. Điều này khiến làn sóng tăng lãi suất huy động được dâng cao trong thời gian qua. Bên cạnh đó, năm 2016 được dự báo nền kinh tế sẽ ấm lên khiến nhu cầu vốn được dự báo sẽ tăng cao tương ứng.

Song ở nguyên nhân thứ 2, đẩy lãi suất tăng đó là những điều được ẩn phía sau dự thảo sửa đổi Thông tư 36. Một nội dung quan trọng được đưa ra trong dự thảo Thông tư sửa đổi là NHNN hướng giảm tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 40%. Điều này khiến các ngân hàng chạy đôn chạy đáo huy động vốn kỳ hạn dài để có nguồn tiếp tục cho vay trung, dài hạn.

Hiện nay 80-90% tiền gửi ngân hàng vẫn là kỳ hạn ngắn, trong khi tín dụng cho vay trung, dài hạn đang tăng nhanh và chính NHNN từ lâu cũng muốn chặn cảnh bóc ngắn cắn dài. Các NHTM hướng khách vào gửi trung và dài hạn cũng là để mở thêm, đỡ tín dụng trung dài hạn.

Một nhận định mới được Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra lại cho rằng, lãi suất huy động tăng là do tác động của Thông tư 36.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Đức Độ- Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, (Học viện Tài chính, Bộ Tài chính), khả năng lớn là thị trường dự báo Thông tư 36 sẽ được sửa đổi, vấn đề chỉ là mức độ và các ngân hàng nhỏ có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức cao đang chuẩn bị trước cho tình huống này.

Nhưng câu chuyện cũng không đơn thuần là thị trường bắt đầu phản ứng với dự thảo sửa đổi Thông tư 36. Một nỗi lo phía sau câu chuyện tăng lãi suất huy động nóng trong thời gian qua còn được đặt ra: Đó là lãi suất cho vay sẽ ở mức nào?

Theo phân tích của giới chuyên gia, các ngân hàng thường lấy lãi suất huy động ở kỳ hạn dài cộng với biên độ 3-5% để áp dụng lãi cho các khoản vay. Như vậy, với cách tính đơn giản, lãi suất cho vay sẽ dao động ở mức 12 – 13%. Đây là mức lãi suất không thấp.

Một số ngân hàng đôn đáo huy động vốn kỳ hạn dài
để có nguồn tiếp tục cho vay trung, dài hạn. (Ảnh: Hoàng Long).

Đi tìm lời giải

Trước những lo ngại liên tục được dấy lên, ngày 11/3 ông Bùi Quốc Dũng- Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, khi cầu tín dụng tăng hầu hết đều xuất hiện tâm lý dự trữ nguồn vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Riêng về việc xuất hiện tâm lý lo ngại khó giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh ông Dũng cũng phân tích, sở dĩ thị trường xuất hiện tâm lý dự phòng bởi những yếu tố vĩ mô như: Lạm phát năm nay dự kiến 3%-4%, trong khi năm 2015 lạm phát là 0,6%, như vậy kỳ vọng lạm phát cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2016 là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng thực 6,68 của năm 2015. Quan sát 5 năm gần đây, GDP năm sau luôn cao hơn năm trước, điều này sẽ dồn tích thêm nhu cầu vốn.

Trong khi cầu vốn tăng nhưng tiền nhàn rỗi (tiết kiệm) giảm. Ngoài ra, yếu tố lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng tác động khá mạnh lên mặt bằng lãi suất. Ngân sách năm 2016 tiếp tục khó khăn do giá dầu thô giảm (khoảng 50% so với dự toán) nên nhu cầu huy động trái phiếu để bù đặp bội chi tiếp tục lớn ở mức 220 nghìn tỷ đồng, cao hơn 2015. Yếu tố này sẽ tác động lên lợi suất trái phiếu Chính phủ và tác động dây chuyền tới lãi suất trung dài hạn.

Các yếu tố nói trên sẽ tác động yếu tố tâm lý, khiến các TCTD tăng dự trữ nguồn. Phía NHNN đã lên tiếng để trấn an thị trường, NHNN cũng khẳng định phải vận dụng nhiều biện pháp để ổn định lãi suất như việc bơm hút tiền nhịp nhàng nhưng suy cho cùng, thị trường tài chính vốn nhạy cảm, và đương nhiên các quan ngại vẫn chưa lặng. Bằng chứng nữa là, Thông tư 36 sửa đổi vẫn đang để ngỏ thời gian. Có thể, NHNN sẽ phải chờ một thời điểm thích hợp để “bung”.

Thời gian gần đây tại các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển… lãi suất huy động được điều chỉnh tăng. Theo đó, với kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng, khi khách hàng gửi với số tiền dưới 1 tỷ đồng, lĩnh lãi cuối kỳ sẽ được hưởng mức lãi suất 7,2%/năm. Với số tiền từ 1 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng, lãi suất được áp dụng ở mức 7,4%/năm và trên 10 tỷ đồng là 7,5%/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phía sau động thái tăng lãi suất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO