Phía sau giấc mơ công nghệ

Lê Bảo 15/12/2016 10:10

Đổi mới công nghệ là hướng đi đúng xu thế không chỉ của mỗi cá nhân doanh nghiệp hướng đến mà còn là mục tiêu phát triển bền vững đối với mỗi một quốc gia. Song với Việt Nam, việc đổi mới công nghệ, tự động hóa lại là một thách thức rất lớn. Thách thức không chỉ ở chi phí cho đầu tư đổi mới mà ở việc làm trong tương lai của hàng chục triệu người lao động.

Phía sau giấc mơ công nghệ

Lao động trong ngành sản phẩm điện – điện tử có thể bị thay thế bởi robot.

“Công nghệ lên ngôi”, “Robot làm thay con người”...những cụm từ này với không ít người vẫn còn khá xa lạ và có vẻ trừu tượng. Bởi tư duy về nhân công giá rẻ vẫn còn khá hiện hữu và được xem là lợi thế khó có thể chuyển dịch.

Song theo nghiên cứu mới nhất của ILO vừa được công bố cho thấy, 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao do tự động hóa. Trong khi đó, 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện – điện tử có thể bị thay thế bởi robot.

Hiện tại Việt Nam vẫn chưa chứng kiến tác động của công nghệ tại nơi làm việc ở mức độ giống như một số nước phát triển hơn trong khu vực ASEAN, bởi giá lao động vẫn còn cạnh tranh và chi phí đầu tư công nghệ tương đối đắt đỏ.

Song nhìn vào dệt may, da giày và điện tử là các ngành đóng góp lớn trong tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam cho thấy, đây lại là những ngành thâm dụng lao động và sẽ chịu sự tác động mạnh mẽ nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Năng suất lao động trong ngành này thấp một cách báo động, chỉ ở mức 20% của Thái Lan và gần tương đương với Campuchia. Còn đối với ngành điện tử, nghe có vẻ sang nhưng thực chất, ngành sản xuất này cũng chủ yếu sử dụng lao động nữ là chính và có trình độ tay nghề rất thấp, chủ yếu là công việc lắp ráp.

Theo các chuyên gia dự báo, tới đây khi tự động hóa sẽ ập đến như một cơn bão và lúc đó không ai khác người lao động sẽ phải đứng bên lề của cuộc chơi.

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi Báo cáo của Bộ LĐTB&XH cho biết, đến năm 2016, trong tổng số 54,36 triệu lao động cả nước, chỉ có hơn 11,21 triệu lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ-chiếm 20,6%.

Đáng lưu ý là lao động được đào tạo trong ngành kỹ thuật, công nghệ còn chiếm tỉ trọng thấp và chúng ta đang thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật cao, công nhân lành nghề, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, kỹ thuật điện hoặc lao động trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, tự động hoá.

Đứng trước thực trạng này rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Có nên cải tiến công nghệ? Chọn con người hay chọn người máy? Trả lời câu hỏi này, nhiều chuyên gia thẳng thắn cho rằng, để có được giấc mơ công nghệ trong sản xuất ngoài chi phí đầu tư lớn thì chúng ta cần phải chấp nhận đánh đổi, không thể vì lo thất nghiệp mà chậm đổi mới.

Rõ ràng lao động đang phải cạnh tranh với người máy, giá người máy đang giảm rất nhanh trong khi tiền lương của người lao động lại luôn có xu hướng tăng lên.

Khi chi phí khấu hao máy móc bằng chi phí trả lương cho người lao động thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ chuyển một loạt sang sử dụng máy móc vì người máy thì không có đình công, không có bảo hiểm xã hội...

Song có một thực tế không thể phủ nhận đó là xu hướng tự động hóa là tất yếu và trong thời gian tới, nếu không bắt kịp được với công nghệ mới, các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được.

Xu hướng công nghệ mới đem lại những thời cơ, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp, người lao động. Làm sao bảo đảm hài hòa giữa đòi hỏi tăng năng suất lao động do tự động hóa đem lại và giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động để giảm thiểu tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ lần thứ 4 này, theo ILO, việc chú trọng vào kỹ năng và sự sẵn sàng của lực lượng lao động Việt Nam là rất quan trọng.

Để làm được điều này rõ ràng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo nhằm đổi mới hệ thống phát triển kỹ năng để đáp ứng tốt hơn với môi trường làm việc luôn thay đổi và những sáng kiến cải tiến công nghệ mới.

Nói đến những tác động của tự động hóa, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan thẳng thắn cho rằng, đây là thách thức không chỉ của riêng Việt Nam mà của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Để giải quyết vấn đề này, cần chiến lược tổng thể, đồng bộ trong việc tái cấu trúc nền kinh tế và từng lĩnh vực. Bản thân các ngành dệt may, giày dép, điện tử phải tái cấu trúc lại để tham gia vào chuỗi giá trị cao hơn, mang tính cạnh tranh toàn cầu. Bởi đã qua thời chúng ta dựa vào lao động giản đơn, giá rẻ.

“Chúng ta sáng tạo ra robot, điều khiển và tương tác với robot. Vì vậy, trong cuộc cách mạng mới, chúng ta phải đầu tư vào con người. Bên cạnh đó, chúng ta cần cải thiện các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo để hiện đại hóa hệ thống phát triển kỹ năng nghề, nhằm đón đầu những xu hướng đang thay đổi tại nơi làm việc và những đổi mới công nghệ” – Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Thế giới đứng trước cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam, cũng đang nỗ lực với các chính sách phúc lợi, đào tạo, chuyển hướng cho một bộ phận bị mất việc do áp dụng công nghệ mới.

Ngành chức năng cũng đã đề ra nhiều giải pháp tổng thể để đối phó với thực trạng này. Trong đó đáng chú ý là tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao thay vì các sản phẩm, các ngành sản xuất thâm dụng lao động; Kế đến là chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nơi thu hút phần lớn lực lượng lao động hỗ trợ các ngành sản xuất chính, nơi công nghệ sản xuất được tự động hóa ngày càng cao.

Nhưng dù vậy giải pháp có căn cơ đến đâu, nếu người lao động và doanh nghiệp không thay đổi tư duy “lợi thế nhân công giá rẻ” thì rất khó có thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn: Chọn người hay chọn robot?.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phía sau giấc mơ công nghệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO