Philippines - Canada căng thẳng vì rác thải

Khánh Duy 17/05/2019 08:00

Philippines hôm 16/5 đã triệu hồi Đại sứ của họ ở Canada - theo Bộ trưởng Ngoại giao nước này - trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa hai nước gia tăng liên quan tới việc Canada không chịu tiếp nhận lại và xử lý hàng tấn rác thải mà họ “gửi nhầm” sang quốc gia Đông Nam Á này.

Philippines - Canada căng thẳng vì rác thải

Một số người dân Philippines tuần hành yêu cầu Canada tiếp nhận lại rác thải. (Nguồn: AP).

Căng thẳng ngoại giao

Mối quan hệ song phương giữa Philippines và Canada bất ngờ bị suy giảm xuống mức thấp chưa từng thấy vì một lý do ít ai ngờ tới. Đó là kể từ khi một công ty của Canada vận chuyển khoảng 100 container bên trong có chứa đầy rác thải, nhưng bên ngoài lại dán nhãn là hàng hóa “có thể tái chế được”, tới các cảng biển của Philippines trong năm 2013 và năm 2014.

Trước đó, chính quyền Manila đã nhiều lần kêu gọi phía Canada xử lý, thu hồi lại các container chứa rác thải này, nhưng không nhận được hành động cụ thể. Gần đây nhất, Manila đặt ra thời hạn chót vào ngày 15/5 để Canada thu hồi lại số rác thải trên – hiện đang bị thối rữa – sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Ottawa hồi tháng trước.

Kể từ sau đó, Canada khẳng định rằng họ đang tích cực làm việc để thu hồi lại số rác thải trên, tuy nhiên không đưa ra được khung thời gian cụ thể.

Trong hôm 16/5, tức thời điểm thời hạn chót mà Philippines đưa ra cho Canada đã hết, Ngoại trưởng Teodori Locsin cho hay ông đã gửi thư triệu hồi Đại sứ và quan chức lãnh sự ở Canada về nước. Vị quan chức cũng cho hay các nhà ngoại giao của họ sẽ trở lại Manila “trong một vài ngày”.

“Canada đã bỏ lỡ thời hạn chót ngày 15/5. Và chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì tình trạng thiếu sự hiện diện ngoại giao ở Canada cho tới khi lượng rác thải của họ được chuyển đi” – ông Locsin viết trên Twitter.

Cùng ngày, Phát ngôn viên của Tổng thống Duterte nói rằng, động thái trên được đưa ra như lời cảnh báo tới Canada rằng Philippines đã sẵn sàng cắt đứt quan hệ với nước này, liên quan tới vấn đề rác thải. “Quan điểm của Tổng thống rất rõ ràng: Lấy hết rác thải về bằng không mối quan hệ của chúng ta sẽ chấm dứt” – ông Salvador Panelo nói trước báo giới.

Hiện Bộ Ngoại giao Canada chưa đưa ra bình luận gì liên quan tới vụ việc này.

“Đơn phương cắt đứt quan hệ”

Bất đồng giữa Canada và Philippines liên quan tới lượng lớn rác thải ở các cảng của Philippines đã làm mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Trước đó thì mối quan hệ này đã bị thử thách, sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau đặt ra câu hỏi về chiến dịch trấn áp ma túy ở trong nước, do ông Duterte khởi xướng.

Kể từ khi khởi xướng chiến dịch trên, Tổng thống Duterte liên tục bác bỏ những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế liên quan tới chiến dịch được tổ chức từ năm 2016.

Năm ngoái, ông Duterte đã hủy một bản hợp đồng mua 16 chiếc máy bay trực thăng quân sự từ một nhà sản xuất có trụ sở tại Ottawa, Canada với tổng giá trị lên tới 235 triệu USD, sau khi chính quyền Canada cân nhắc lại thỏa thuận mua bán này vì lý do chiến dịch trấn áp ma túy của Philippines.

Trong một bài phát biểu hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Duterte đã đe dọa sẽ đơn phương chuyển lượng rác thải khổng lồ trở lại Canada và nói rằng: “Hãy chống lại Canada. Tôi sẽ tuyên chiến với họ”. Sau bình luận trên, phía Canada đã đưa ra đề xuất chuyển số rác thải trên về nước, trong khi Philippines nói rằng Ottawa nên chia sẻ chi phí xử lý lượng rác thải trên.­­­

Tuần trước, Cục Hải quan Philippines cho hay, nước này đã sẵn sàng gửi trả lượng rác thải trên, nhưng phía Canada cho rằng họ cần khoảng thời gian vài tuần lễ để chuẩn bị các thủ tục cần thiết. Hiện có khoảng 69 container chứa rác thải vẫn lưu tại các cảng biển của Philippines, trong khi 34 container khác đã được nước này xử lý – Bộ Tài chính Philippines cho hay.

Tổ chức môi trường có tên Ecowaste Coalition hiện đang đề xuất hỗ trợ xử lý lượng rác thải này, nhưng nói rằng Chính phủ có thể nỗ lực hơn trong việc ngăn chặn việc xả rác thải như vậy. “Nếu Chính phủ Philippines thực sự muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ... họ cần phải nhanh chóng thông qua Hiệp ước Basel sửa đổi” – Tổ chức trên cho hay.

Được biết, Hiệp ước Basel sửa đổi nhằm bảo vệ các quốc gia đang phát triển khỏi bị biến thành khu vực xả thải của các quốc gia giàu có trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Philippines - Canada căng thẳng vì rác thải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO