Phim Việt đang ở đâu?

Thành Luân 03/12/2015 09:25

Vị thế của phim Việt là gì và đang ở đâu? Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã trăn trở và đặt câu hỏi như vậy tại Hội thảo chuyên đề “Xây dựng thương hiệu và vị thế của phim Việt Nam” do Bộ VH-TT&DL phối hợp cùng UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2/12 tại TP Hồ Chí Minh.

Phim Việt đang ở đâu?

Hài nhảm đang hủy hoại phim Việt.

Không khuyến khích “hài nhảm”

Chia sẻ tại hội thảo, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đặt vấn đề: Liệu rằng chúng ta có thể cạnh tranh với các nền điện ảnh lớn không? Bởi vì ngay như nền điện ảnh nhỏ bé, gian khó, phát triển sau chúng ta là Campuchia thì mới đây cũng đã giành được giải thưởng quốc tế rồi. Và, Việt Nam nghiễm nhiên đã tụt lại sau họ vào thời điểm hiện tại.

“Muốn tạo dựng một thương hiệu, một vị thế thì phim Việt phải biết mình là ai, đang ở đâu? Vừa qua khi nhìn danh sách phim tham gia LHP-19 thực sự là đã lâu lắm rồi tôi mới thấy tỷ lệ các phim có căn cước văn hóa rất rõ ràng ở một LHP. Tôi tự đặt câu hỏi: Liệu chúng ta có nên xây dựng các bộ phim dựa trên một tiêu chí văn hóa nào đó để động viên, khích lệ các nhà sản xuất phim trong nước hướng đến hay không? Đối với tôi thì rất nên có những tiêu chí mới này cho các LHP tiếp theo”, Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã tâm tư.

Ở góc độ quản lý, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức LHP-19 chia sẻ, nhiều năm gần đây ngành điện ảnh nước nhà rất trăn trở về chất lượng sản xuất phim trong nước. Chẳng hạn như một vài năm trước hầu như mở bài báo nào ra cũng rất dễ tìm được các cụm từ “hài nhảm”, “thảm họa”; trong khi phim Việt tham gia các LHP quốc tế cũng rất hiếm hoi.

Chính vì vậy, Cục Điện ảnh Việt Nam đã rất chú ý đến chất lượng phim tại các LHP, đặc biệt là từ LHP-18 đến nay. Theo bà Lan, trước LHP-18 thì trung bình mỗi năm điện ảnh nước nhà sản xuất được 25 – 26 bộ phim truyện, nhưng năm nay thì đã nâng lên được khoảng 40 bộ phim với chất lượng khá đồng đều, chuyên nghiệp hơn ở từng dòng phim.

Với chủ đề tham luận “Điều gì làm nên thương hiệu phim Việt?”, Nhà biên kịch, đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng, nói về vị thế và thương hiệu của phim Việt thì đúng là đã đến lúc các nhà làm phim trong nước cần phải ngồi lại sau một thời gian dài làm nghề. Bà Ngát lý giải:

Đã 15 năm Việt Nam có nhiều điều kiện rất tốt để tiếp thu các thành tựu điện ảnh quốc tế, cho phép các nhà điện ảnh được tự do làm phim, cũng như hành lang pháp lý cởi mở rất nhiều. Số lượng phim sản xuất hàng năm cũng rất nhiều, nhưng lại rất hiếm hoi phim vươn ra được các LHP quốc tế.

“Trước đây, dù đất nước còn khó khăn, các văn nghệ sĩ phải sáng tác, phải làm nghề trong những điều kiện thiếu thốn, thế nhưng tại sao chúng ta vẫn có những “Cánh đồng hoang” (Huy chương vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva, 1981), hay như các phim “Mùa gió chướng” (1978), “Mẹ vắng nhà” (1979),… đều có dấu ấn trong thời kỳ đó. Vậy thì chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao với điều kiện thuận lợi về nhiều mặt nhưng hiện nay chúng ta thấy phim trong nước vẫn nhàn nhạt và rất ít các tác phẩm tạo được dấu ấn?”, bà Ngát ngậm ngùi.

Bà Ngô Thị Bích Hiền, Giám đốc sản xuất và phát hành phim BHD chia sẻ khó khăn khi đưa phim Việt ra nước ngoài, nhất là về vấn đề kinh phí. Ngay cả như các phim hài với doanh thu trong nước cả chục tỷ, cả trăm tỷ, nhưng mà vẫn khó để đưa các phim này ra được nước ngoài bởi vì còn các yếu tố khác như là văn hóa, triết lý hài của mỗi nước là có khác nhau và chưa hẳn là độc giả ở các nước yêu thích sản phẩm hài của người Việt.

Bà Hiền mong muốn cần có những thể loại như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (đạo diện Victor Vũ, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) thì mới may ra tạo dựng thêm được vị thế của phim Việt trong bối cảnh hiện nay.

Phải sáng tạo và dám cạnh tranh

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng, đã đến lúc các nhà sản xuất phim trong nước cần phải tìm đến các phim thuần Việt, tức là hướng đến cái thiện, cái đẹp. Bên cạnh đó, thương hiệu phim Việt cũng không thể xa rời văn hóa dân tộc, hình ảnh đất nước, vì nếu phim không gây dựng được bản sắc của riêng mình thì rất khó cạnh tranh với các nền điện ảnh đã rất thành công ở các đề tài đương đại.

Bà Ngát nêu ra hai tiêu chí mà phim Việt cần phải hướng đến – Đó là phim phải đạt được giải thưởng quốc tế và phải bán được ra thị trường nước ngoài. Nói về hai tiêu chí này, bà Ngát khuyên các nhà làm phim hãy học cách người Hàn đưa phim Hàn ra thế giới bằng cách nào hay như cách phim hành động “bom tấn” của Mỹ đã chiếm lĩnh Hollywood suốt nhiều năm như thế nào…

Nhà biên kịch, NSƯT Đinh Thiên Phúc đánh giá, tiềm năng phim Việt Nam chính là “kho vàng” mà điện ảnh trong nước cần phải làm cách nào đó phát huy được trong các thập kỷ tiếp theo. Ông Phúc đặt vấn đề: tại sao Trung Quốc lại làm phim cổ trang rất thành công và cho đến nay cũng không có đất nước nào có thể qua mặt được điện ảnh nước này về thể loại này. Tuy nhiên, đối với lịch sử Việt Nam thì cũng không phải là không thể làm các bộ phim lịch sử hay bởi vì chẳng hạn như thời nhà Trần có rất nhiều điển tích, giai thoại cũng như câu chuyện rất thú vị, vấn đề còn lại là chúng ta làm thế nào để những dấu ấn lịch sử này thể hiện thành công và cuốn hút trên phim. Nhà biên kịch này cho rằng, câu trả lời chính là dành cho các nhà sản xuất phim Việt đương đại suy ngẫm và nghiên cứu.

Đạo diễn người Mỹ gốc Việt - Nguyễn Võ Nghiêm Minh cho biết, ông tham gia LHP-19 với bộ phim “Nước 2030” – Bộ phim trước đó đã giành được giải thưởng “Phim hay nhất” tại LHP San Pedro (Los Angeles, Mỹ). Từ kinh nghiệm làm phim của mình, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh cho rằng, điện ảnh Việt phải là một ngành đại chúng và không thể tách rời đám đông. Ở khía cạnh khác là phải sáng tạo và thích ứng với sự biến đổi, nghĩa là phải dám cạnh tranh với các nền điện ảnh đương đại như là Phim Hàn, Nhật, Trung, hay kể cả là phim của Hollywood.

Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó GĐ Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM cho rằng, muốn phim Việt có vị thế thì trước hết phải chiếm được cảm tình của người xem trong nước đã, trước khi nghĩ đến việc đưa phim Việt ra nước ngoài. Ngoài ra, cũng không nên làm đơn độc trong ngành văn hóa mà thôi mà cần phải phối hợp với cả các ngành khác, như là ngành ngoại giao, các bảo tàng, công ty du lịch để quảng bá phim Việt hiệu quả ra các diễn đàn quốc tế.

“Khi mình đã có phim tốt thì LHP là một cách để lượng giá để chọn ra được những phim có hàm lượng nghệ thuật tốt để tiếp tục giới thiệu tại các LHP quốc tế. Vấn đề còn lại có có chiến lược quảng bá tốt”, bà Thanh gợi ý.

Bà Nguyễn Phương Hòa, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VH-TT&DL) chia sẻ, hiện nay vẫn còn thiếu hệ thống giải pháp phối hợp giữa Nhà nước và các nhà làm phim tư nhân để nâng cao hơn chất lượng của các bộ phim trong nước. Theo bà Hòa, hiện nay Bộ VH-TT&DL đã mời nhiều chuyên gia đến từ các nền điện ảnh lớn ở trên thế giới để tìm hiểu xem ngành công nghiệp điện ảnh của Việt Nam đang ở đâu.

“Về nhận thức thì các cán bộ của ngành VH-TT&DL đã rất hiểu thực tế của ngành nhưng chúng tôi cũng còn phải lắng nghe thêm những người làm nghề để biết được ngành điện ảnh nước nhà đang tồn tại gì và về phía quản lý nhà nước có thể tháo gỡ theo hướng nào”, bà Hòa nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phim Việt đang ở đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO