Phố đi bộ, phải chăng cũng lại... phong trào?

Ngọc Mai 06/08/2022 08:38

Theo tờ trình đề án phố đi bộ khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh mới đây, sẽ tổ chức thực hiện các tuyến phố đi bộ tại khu vực trung tâm thành phố trong giai đoạn 2022-2025. Quy mô tổ chức thực hiện các tuyến phố đi bộ tại khu vực trung tâm thành phố là 930 ha, với 22 tuyến đường. Phải chăng “phố đi bộ” đã trở thành phong trào?

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Hà Nội) không thực sự thu hút.

Theo tờ trình, từ nay đến năm 2023, phố đi bộ khu vực trung tâm TPHCM sẽ tổ chức ở vòng xoay Công trường Quốc tế, đường Phạm Ngọc Thạch, Công xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Du), Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang), Đồng Khởi (từ Nguyễn Du đến Lê Lợi), Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Các tuyến này cấm xe chạy khi tổ chức phố đi bộ. Giai đoạn này thành phố sẽ hạn chế xe, để ưu tiên người đi bộ trên các đường Nguyễn An Ninh và Lưu Văn Lang.

Giai đoạn 2 (2023-2024), TPHCM mở rộng phạm vi phố đi bộ ngày cuối tuần trên đường Đồng Khởi (từ đường Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng), Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Công trường Lam Sơn (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Nguyễn Thiệp (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Mạc Thị Bưởi (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Ngô Đức Kế (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi). Đồng thời, thành phố ưu tiên đi bộ, hạn chế xe qua lại đối với các tuyến đường Đông Du (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Mạc Thị Bưởi (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Hồ Huấn Nghiệp, Ngô Đức Kế (Đồng Khởi đến Công trường Mê Linh), Phan Văn Đạt, Tôn Đức Thắng (từ Nguyễn Huệ đến Công trường Mê Linh).

Đến năm 2025, trung tâm thành phố sẽ có thêm phố đi bộ ở đường Hàm Nghi (Tôn Đức Thắng đến vòng xoay Quách Thị Trang). Đường Tôn Thất Đạm (từ Hàm Nghi đến Huỳnh Thúc Kháng), Thái Văn Lung, Thi Sách sẽ hạn chế xe và ưu tiên người đi bộ.

Theo ngành giao thông, việc mở rộng các phố đi bộ giúp giảm xe cá nhân vào nội đô, phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ ở khu trung tâm - nơi có nhiều di tích lịch sử, công trình kiến trúc, văn hóa... Để tổ chức 22 đường thành phố đi bộ, đề án nêu các giải pháp: Cải tạo nút giao, vỉa hè; điều chỉnh giao thông, tăng kết nối giao thông công cộng; tổ chức sự kiện thu hút người dân, du khách...

Trước đó, vào tháng 10/2020, Sở Giao thông vận tải TPHCM đề xuất 5 tuyến đường thành phố đi bộ, gồm: Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách.

Tại Hà Nội, quận Hoàn Kiếm được coi là đi đầu về xây dựng các không gian đi bộ, tạo cơ hội cho người dân và du khách có thêm điểm vui chơi về đêm. Chỉ sau vài năm mở cửa, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã trở thành thương hiệu của du lịch Hà Nội. Sau thời gian gián đoạn vì dịch Covid-19, ngay khi mở trở lại, khu vực đi bộ vào những ngày cuối tuần tại đây lại lập tức nhộn nhịp.

Đó là thành công rất đáng ghi nhận, vì quanh hồ Hoàn Kiếm chính là địa điểm lý tưởng để không chỉ người dân sống ở khu vực trung tâm Hà Nội đến dạo chơi, vãn cảnh mà cũng là nơi người ngoại thành, người các tỉnh, thành khác tìm đến mỗi khi có dịp. Vì thế, những tối cuối tuần, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm thu hút hàng vạn người dân và du khách tới tham quan.

Không gian đi bộ hồ Gươm và phụ cận hoạt động chính thức từ ngày 1/9/2016, đã dần tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh, cộng hưởng giá trị, đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách đến tham quan, du lịch văn hóa và mua sắm, ẩm thực.

Tuy nhiên, sau thành công của không gian đi bộ hồ Gươm, chính quyền một số quận/huyện Hà Nội cũng “noi theo”, đề xuất mở cửa không gian đi bộ, trong đó có đề xuất phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng); quanh hồ Ngọc Khánh, quanh hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình); phố đi bộ khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì)...

Tuy nhiên, có lẽ “những người mộng mơ” đã không nhìn thấy hết những khó khăn hoàn toàn có thể đến khi mở ra “phố đi bộ”. Quan trọng là có ai đến để đi chơi ở những nơi đó không, hay là chỉ làm phức tạp thêm tình hình khi cấm xe cộ lưu thông.

Phố đi bộ đường Nguyễn Huệ (TPHCM).

Có thể thấy điều đó ở không gian đi bộ ở phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) khai trương vào giữa năm 2018, đã không nhận được nhiều sự quan tâm bởi không có gì đặc sắc, dịch vụ cũng không đa dạng... Với người dân sống trên địa bàn, khi mở phố đi bộ ai có ô tô sẽ phải gửi xa hơn, người thân và bạn bè muốn tới thăm cũng rất bất tiện vì phương tiện phải để xa bên ngoài.

Theo Kiến trúc sư Vương Thùy Dương - chuyên gia về quy hoạch và phát triển đô thị, thì cả nước mới chỉ có 2 mô hình phố đi bộ thành công là phố đi bộ hồ Gươm (Hà Nội) và phố đi bộ đường Nguyễn Huệ (TPHCM). "Sự thành công của không gian công cộng nằm ở việc lắng nghe nhu cầu của người dân và thiết kế phù hợp với nó. Để phát huy tiềm năng du lịch của thủ đô Hà Nội, điều chúng ta nên quan tâm không phải số lượng phố đi bộ hình thành, mà là chất lượng kết nối không gian và tạo ra giá trị của các tuyến phố đó" - bà Dương nói.

Một khu phố đi bộ, điều trước tiên muốn thành công, thì không chỉ ở sự hấp dẫn của riêng nó mà xung quanh nó cũng phải có nhiều điểm để đi chơi, mua sắm, ăn uống. Nhìn chung, nó phải được thiết kế để kết nối, đi kèm tốt với các không gian mở. Mà điều đó thì không dễ mấy nơi có như hồ Gươm của Hà Nội hay đường Nguyễn Huệ của TPHCM.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, thì cho rằng Hà Nội đang có xu hướng "đi bộ hóa" các tuyến đường, việc mở các phố đi bộ tràn lan sẽ không phát huy hiệu quả. Điều quan trọng là phải tận dụng các giá trị văn hóa - kinh tế - không gian của đô thị hiện hữu. Ông Phú nhấn mạnh, trước khi vội mở những tuyến phố đi bộ khác thì trước mắt hãy tập trung hoàn thiện những điểm xung quanh phố đi bộ Hoàn Kiếm. “Có đúc kết, rút kinh nghiệm, hoàn thiện chứ không phải đâu đâu cũng mở phố đi bộ theo phong trào" - ông Phú nói.

Có người đặt vấn đề: Vậy thì tại sao phố đi bộ bên Thành cổ Sơn Tây xa trung tâm Hà Nội tới hơn 40km mà lại hoạt động tốt? Câu trả lời sẽ là thành cổ Sơn Tây chính là tâm điểm của thị xã này, dù có không trở thành phố đi bộ thì người dân vẫn qua lại nhộn nhịp. Thành cổ là điểm nhấn, còn thì phạm vi của nó gồm các tuyến phố Phó Đức Chính - Phan Chu Trinh - Nguyễn Thái Học, với điểm đầu là cổng cũ UBND thị xã Sơn Tây và điểm cuối là ngã ba Quang Trung - Nguyễn Thái Học (cầu cửa Tiền). Có nghĩa là nó có không gian, thuận tiện trong việc liên kết.

Nếu không tính đến những yếu tố đó, thì việc mở ra nhiều các tuyến phố đi bộ trước sau gì cũng không thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phố đi bộ, phải chăng cũng lại... phong trào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO