Phòng bệnh bướu cổ

Giang Hương 03/05/2017 15:05

Thiếu i-ốt có thể gây nên bướu cổ và các biến chứng như thiểu năng giáp, suy giảm khả năng lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bổ sung muối i-ốt hàng ngày để phòng bệnh bướu cổ.

Biểu hiện của bệnh bướu cổ

Bướu cổ có thể chia thành các độ như sau:

Độ l: Nhìn kỹ, có khi phải nhìn nghiêng mới phát hiện hoặc phải sờ nắn mới phát hiện được

Độ 2: Nhìn thẳng đã thấy to

Độ 3: Bướu quá to

Bướu giáp chìm: Bướu ở cổ nhưng trong lồng ngực sau xương ức. Bướu làm khó chịu mỗi khi nuốt và thở. Bướu trong lồng ngực, Xquang thấy như một u trung thất.

Theo các chuyên gia y tế, i-ốt là nguyên tố vi lượng rất quan trọng mà con người cần được cung cấp thường xuyên, liên tục, nhưng không tự tổng hợp được. Do không tự tổng hợp được nên mỗi người cần cung cấp i-ốt thông qua nguồn thức ăn, đồ uống hàng ngày. Các bác sĩ khuyên rằng, khi chế biến đồ ăn, thức uống nên quan tâm và sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường để mỗi thành viên trong gia đình đều được bổ sung i-ốt cho cơ thể.

Bởi, thiếu muối i-ốt sẽ dẫn đến thiếu hóc môn giáp và gây ra nhiều rối loạn khác nhau, như bướu cổ, rối loạn bệnh lý khác như sảy thai, thai chết lưu, khuyết tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, đần độn, cơ thể chậm phát triển, mệt mỏi, giảm khả năng lao động...

Trong đó, đáng lưu ý là bệnh bướu cổ (bệnh bướu tuyến giáp) là một loại bệnh lý rất hay gặp trên thế giới và đặc biệt ở Việt Nam. Tuy chưa có số liệu thống kê chính thức về số bệnh nhân nhưng ở một số vùng có tỉ lệ người mắc bệnh khá cao - từ 3% ở vùng ngoại ô Hà Nội đến 67% ở các tỉnh vùng núi như Lào Cai, Tây Nguyên...

Theo các bác sĩ, ngay từ giai đoạn đầu của bào thai, thai nhi đã hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ việc hấp thu i-ốt của bà mẹ. Vào tuần thứ 12 của thời kỳ thai nghén, thai nhi cần i-ốt để tự tổng hợp hoóc môn giáp nhằm duy trì sự sống. Trong mỗi giai đoạn phát triển của đời người, thiếu i-ốt sẽ gây nên tác hại khác nhau.

Thiếu i-ốt trong thời kỳ bào thai có thể gây sảy thai, đẻ non, con đần độn, thiểu năng trí tuệ, bướu cổ sơ sinh. Thiểu năng trí tuệ và đần độn ở trẻ là tổn thương vĩnh viễn, không thể nào chữa được. Còn ở các lứa tuổi khác, thiếu i-ốt có thể gây nên bướu cổ và các biến chứng của nó như thiểu năng giáp, suy giảm khả năng lao động, ảnh hưởng đến phát triển sức khỏe.

Bổ sung muối i-ốt trong bữa ăn hàng ngày là điều cần thiết, nhưng bổ sung như nào, ăn bao nhiêu là đủ? Theo các chuyên gia y tế, bổ sung muối i-ốt trong bữa ăn hàng ngày là cần thiết nhưng người dân phải được tuyên truyền để sử dụng đúng cách. Bởi, nếu cung cấp quá nhiều i-ốt trong khẩu phần ăn hằng ngày một thời gian dài cũng đưa đến tình trạng gia tăng bướu cổ.

Chính vì vậy ở các thành phố lớn, các vùng duyên hải…, nơi mà trong bữa ăn hằng ngày của người dân đã có hàm lượng i-ốt đủ cho hoạt động sinh tổng hợp hormone của tuyến giáp thì không cần phải cho thêm i-ốt vì sẽ lợi bất cập hại. Theo các nhà chuyên môn, người bình thường mỗi ngày cần 100-150 mcg, phụ nữ mang thai cần nhiều hơn 200 mcg.

Ngành y tế kêu gọi mọi gia đình, mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em hãy tích cực sử dụng muối i-ốt trong bữa ăn hàng ngày. Và việc phòng ngừa các rối loạn do thiếu i-ốt là công việc liên tục để phòng tránh các bệnh về tuyến giáp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng bệnh bướu cổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO