Phòng bệnh sau mưa lũ

Đức Trân 16/10/2017 07:45

Khi lũ lụt, các công trình vệ sinh, cống rãnh bị ngập. Vì vậy, các chất thải của người, gia súc, xác động thực vật làm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước, tạo điều kiện cho muỗi phát triển và gây các bệnh do muỗi truyền, thường gặp là bệnh sốt xuất huyết.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết liên tục giảm trong 8 tuần gần đây, giảm 70% so với tuần cao điểm. Trong tuần (từ ngày 2 đến 8/10), toàn TP ghi nhận 1.068 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 160 trường hợp so với tuần trước và giảm 2.501 trường hợp so với tuần cao điểm trong tháng 8/2017); 24 quận, huyện có số ca mắc giảm; 2 quận, huyện có số mắc tương đương tuần trước; trung bình Hà Nội ghi nhận khoảng 150 ca mắc sốt xuất huyết/ngày.

Mặc dù cách đây 2 tuần, Bộ Y tế đánh giá dịch bệnh SXH tại Hà Nội đã được khống chế và kiểm soát. Tuy nhiên, những ngày qua, trận lũ lụt lớn tại Chương Mỹ không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Vì thế, theo ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, phải giữ nhịp độ phòng, chống dịch thật tốt trong vòng 4-6 tuần nữa thì mới mong không có đỉnh dịch thứ 2 xuất hiện.

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ gửi Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã và các bệnh viện trong, ngoài công lập. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống các bệnh thường gặp sau mưa lũ, như: Sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ, tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng…

Ngoài ra, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai tổng vệ sinh môi trường, đặc biệt lưu ý tới các trường học, bãi đất trống, công trường xây dựng, chợ, nghĩa trang… Sở Y tế cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra việc phòng, chống dịch của các đơn vị, đồng thời giám sát vệ sinh chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung và chất lượng nước hộ gia đình. Riêng các cơ sở khám chữa bệnh cần chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc, dịch truyền, sẵn sàng đáp ứng công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh mắc các bệnh dịch sau mưa lũ.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã chỉ đạo Bệnh viện Da liễu Hà Nội hỗ trợ 1.000 lọ thuốc bôi ngoài da cho người dân vùng lũ; chỉ đạo Bệnh viện Mắt Hà Đông hỗ trợ 6.000 lọ thuốc phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ cho người dân. Đồng thời, cả hai bệnh viện nói trên đều đã cử y, bác sĩ trực tiếp xuống huyện Chương Mỹ để hỗ trợ việc tư vấn khám chữa bệnh miễn phí cho người dân vùng lũ lụt. Sở Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, Trạm y tế các xã đảm bảo bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, chuẩn bị phương tiện, thuốc men để sẵn sàng tiếp nhận và khám cho người dân, đề phòng các trường hợp ốm đau, bệnh tật được cứu chữa kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng bệnh sau mưa lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO