Phòng chống cúm gia cầm: Ngăn chặn các chủng virus xâm nhiễm qua biên giới

M.Khang 17/03/2017 11:10

Ngày 26-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn chủng vi rút cúm A/H7N9 và các chủng virus khác xâm nhiễm qua biên giới.

Tiêm phòng cho gia cầm.

Chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã ghi nhận 112 trường hợp người bị nhiễm cúm A/H7N9 ở 16 tỉnh thành, đặc biệt là những tỉnh phía nam giáp biên giới Việt Nam. Đây là một nguy cơ rất lớn nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời và quyết liệt để ngăn chặn.

Được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế từ năm 2014 đến nay, Việt Nam giám sát rất chặt chẽ các loại dịch cúm trên gia cầm; đã lấy hơn 200.000 mẫu giám sát và chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã giám sát chặt chẽ và chưa phát hiện cúm A/H5N9 trên người. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các tổ chức y tế mặc dù từ năm 2014 đến nay tuy chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 cả trên người và trên gia cầm ở Việt Nam nhưng nguy cơ lây nhiễm là rất lớn.

Lạng Sơn: Lập chốt để kiểm soát 24/24

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lý Vinh Quang cho biết tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan ban ngành của tỉnh triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch cúm lây lan như: Tăng cường lực lượng, đặc biệt là các đường mòn, lối mở và lập chốt để kiểm soát việc buôn lậu gia cầm 24/24 giờ tại khu vực biên giới; các trạm kiểm soát đã tăng cường trang thiết bị để kiểm tra.

Trong nội địa, tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điểm chăn nuôi, chợ buôn bán gia cầm; tăng cường tuyên truyền nhân dân không buôn lậu gia cầm qua biên giới; phát động tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng… nhằm ngăn chặn hiệu quả chủng virus cúm A/H7N9 và các chủng virus khác xâm nhiễm qua biên giới.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất đưa ra một số định hướng hoạt động trong công tác ngăn chặn vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút khác xâm nhiễm qua biên giới. Theo đó, các tỉnh biên giới chỉ đạo các đơn vị chức năng như Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị thường… tổ chức kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm, xử lý triệt để các đường dây vận chuyển, các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.

Trong nội địa cần tăng cường hoạt động kiểm soát liên ngành, hỗ trợ ngành thú y trong công tác kiểm dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh gia cầm, động vật, sản phẩm gia cầm, động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển theo quy định; tăng cường kiểm tra, phát hiện và triệt phá các điểm giết mổ, buôn bán gia cầm trái phép cũng như kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc gia cầm tại các chợ buôn bán gia cầm sống ở các tỉnh có liên quan đến việc buôn bán, vận chuyển, thu gom, tập kết, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc…

Tiêu độc, khử trùng trên đàn gia cầm.

ĐBSCL tăng cường phòng chống cúm gia cầm

Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, ngành thú y của tỉnh đang phối hợp với chính quyền địa phương, người chăn nuôi… tăng cường nhiều biện pháp phòng chống.

Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng thú y trong tỉnh đã tiêm phòng trên 2 triệu liều vacxin phòng chống cúm gia cầm. Hiện tại, các huyện, thị tiếp tục kiểm tra đàn gia cầm nhằm tiêm bổ sung đầy đủ, không để sót. Đối với các huyện tiếp giáp biên giới Campuchia như Tân Hồng, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự, công tác kiểm soát việc vận chuyển gia cầm được tăng cường nghiêm ngặt”.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, cận Tết Nguyên đán 2017, tỉnh đã phát hiện một ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên đàn gà, với 860 con ở hộ ông Nguyễn Văn Toàn, ấp Mỹ Trinh B, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè và đã tiêu hủy hoàn toàn.

Hiện nay, toàn tỉnh Tiền Giang có đàn gia cầm khá lớn với khoảng 12,2 triệu con, tăng 46,7% so cùng kỳ (chủ yếu tăng ở đàn gà 65,4%). Vì vậy, việc phòng chống cúm gia cầm rất được quan tâm. Ngành thú y đang tập trung tiêm phòng cúm A/H5N1 cao điểm đợt 1 đối với đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ tiêm phòng đạt 79,6% đối với đàn vịt, 90,19% đối với đàn gà. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, xử lý ngay và không để dịch lây lan.

Tại An Giang, ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương và lực lượng thú y triển khai nhanh nhiều giải pháp ngăn chặn dịch bệnh. Nghiêm cấm dưới mọi hình thức về vận chuyển, buôn bán, sản phẩm gia cầm qua biên giới, khu vực tiếp giáp với Campuchia; đồng thời thưởng nóng 500.000 đồng cho bất cứ ai báo tin chính xác về gia cầm chết hàng loạt hoặc nghi cúm gia cầm, đàn gia cầm không tiêm phòng…

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, toàn bộ gia cầm bị bệnh đã được tiêu hủy; đồng thời thực hiện tiêu độc khử trùng; quản lý vùng có ổ dịch; kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn; tăng cường quản lý vịt chạy đồng và đẩy nhanh việc tiêm phòng, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các vùng nông thôn…

Diễn tập phòng chống cúm gia cầm tại nhiều địa phương

Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, nhất là virus cúm A/H7N9 từ Trung Quốc có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế đã đề nghị Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai và một số địa phương khác tổ chức diễn tập phòng chống dịch cúm gia cầm với sự tham gia của tất cả các ngành y tế, thú y, công an, biên phòng. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng tiếp tục tổ chức đoàn công tác đến các tỉnh biên giới phía Bắc để lấy mẫu đối với những người tiếp xúc với gia cầm, lấy mẫu môi trường để xét nghiệm.

Về phía Tổ chức Y tế thế giới đã hỗ trợ Việt Nam triển khai thí điểm test nhanh virus cúm gia cầm ở Lạng Sơn và chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội). Đối với khách du lịch hoặc những người có kế hoạch đi đến vùng có dịch cần được cung cấp thông tin về dịch bệnh. Có thể áp dụng trở lại tờ khai y tế tại cửa khẩu, nhất là với những khách đến từ Trung Quốc. Trong 2 tháng đầu năm, tại 29 cửa khẩu quốc tế của Việt Nam đã giám sát trên 90.000 lượt hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc và Campuchia, tuy nhiên chưa ghi nhận trường hợp nào nghi mắc cúm gia cầm.

Các địa phương chủ động giám sát và lấy mẫu gia cầm được buôn bán tại các chợ, điểm thu gom, tập kết thuộc môi trường địa bàn có nguy cơ cao để kịp thời chuẩn đoán, xét nghiệm đối với các mẫu giám sát, các mẫu chuẩn đoán dịch bệnh; nghiên cứu xây dựng các phương pháp xét nghiệm nhanh có thể áp dụng ngay tại thực địa nhằm phát hiện kịp thời virus xâm nhập.

Cùng với đó là chủ động phun tiêu độc, khử trùng khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối tắt, phương tiện vận chuyển qua lại đường biên giới; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các chợ buôn bán gia cầm, khu vực tập kết, vận chuyển gia cầm, cơ sở giết mổ gia cầm, khu vực ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng chống cúm gia cầm: Ngăn chặn các chủng virus xâm nhiễm qua biên giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO