Phòng, chống khai thác cát trái phép ở Vĩnh Long: Phát huy vai trò giám sát của người dân

Phạm Minh Tuấn 20/08/2018 08:50

Cần lấy ý kiến của người dân trực tiếp bị tác động trong quá trình cấp phép khai thác cát sông để có cái nhìn toàn diện, khách quan và tạo sự đồng thuận; công khai thông tin các mỏ cát được cấp phép khai thác để người dân nắm, từ đó phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong phòng, chống khai thác cát trái phép.

Đó là những đề nghị của ông Lưu Thành Công, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long tại buổi giám sát về công tác quy hoạch, quản lý và cấp phép khai thác cát, sỏi tại các tuyến sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cuối tuần qua.

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát sông, cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khai thác cát trái phép. Sở phối hợp thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động khoáng sản; quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn người dân tham gia bảo vệ môi trường và phòng, chống sạt lở bờ sông; tham mưu tỉnh bố trí kinh phí cho các địa phương có nguồn tài nguyên, đẩy mạnh thực hiện công tác thanh kiểm tra.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long Roãn Ngọc Chiến, tổng trữ lượng cát sông trên địa bàn tỉnh là 125,2 triệu m3. Tỉnh hiện có 2 giấy phép thăm dò cát sông và 31 giấy phép khai thác cát sông còn hiệu lực (trong đó có 2 khu vực mỏ chưa hoạt động); tổng trữ lượng cấp phép của 31 mỏ đang khai thác là 32,83 triệu m3, công suất được phép khai thác hàng năm là 4,2 triệu m3/năm. Thực tế khai thác cát hàng năm trên các sông với mức độ sản lượng từ 3 triệu đến 3,5 triệu m3/năm, đạt 71,43% công suất được phép khai thác.

Để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra trên địa bàn, tỉnh đã thành lập các chốt kiểm tra trên sông Tiền, sông Cổ Chiên và sông Hậu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát sông của tổ công tác liên ngành để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn ra phức tạp và gia tăng, chủ yếu tại địa bàn giáp ranh với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh. Hình thức khai thác trái phép thường bằng ghe bơm hút cát, hoạt động vào ban đêm hoặc ngày nghỉ, thời điểm lực lượng chức năng khó giám sát, kiểm tra, tiếp cận các phương tiện vi phạm; thủ đoạn của một số đối tượng vi phạm ngày càng nguy hiểm và manh động khi đối phó với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sau khi cấp phép còn vi phạm về khai thác chưa đúng vị trí, chưa thực hiện nghiệm các quy định về thả phao, cắm mốc khu vực khai thác; việc quản lý khối lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp còn gặp khó khăn.

Ngoài ra, mức xử phạt hành chính do vi phạm đối với hành vi khai thác cát, sỏi trái phép còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; việc quản lý cát, sỏi lòng sông liên quan trực tiếp đến chức năng quản lý của nhiều sở, ngành, địa phương; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản còn hạn chế, dẫn đến chưa có sự đồng thuận của người dân đối với hoạt động khai thác cát hợp pháp của một số mỏ được cấp phép.

Từ năm 2017 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long đã kiểm tra 47 lượt doanh nghiệp và 86 cá nhân có phương tiện bơm hút cát sông. Qua kiểm tra phát hiện 5 doanh nghiệp chưa bố trí nơi lưu giữ tạm thời chất thải theo quy định, chưa bố trí bảng báo hiệu thông báo trên bờ tại khu vực khai thác và 85 cá nhân có phương tiện bơm hút cát sông không có giấy phép, kết quả xử phạt hành chính gần 1,7 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng, chống khai thác cát trái phép ở Vĩnh Long: Phát huy vai trò giám sát của người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO