Phong Điền (Cần Thơ): Về đích huyện nông thôn mới

Quốc Khánh - Quốc Trung 17/05/2016 14:05

Ngày 17/5/2016, Phong Điền là huyện đầu tiên trong số 9 quận, huyện của thành phố Cần Thơ được công nhận huyện nông thôn mới (NTM). Như vậy, Phong Điền là đơn vị thứ hai ở vùng ĐBSCL được công nhận huyện NTM sau thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang). 

Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Những ngày đầu khi thành lập huyện, mặc dù có thế mạnh về vườn cây ăn trái nhưng kinh tế vườn chưa phát triển; Kết cấu hạ tầng nhất là giao thông, thủy lợi còn nhiều bất cập; Các tuyến đường giao thông về xã, ấp chỉ đảm bảo cho xe 2 bánh lưu thông; Hệ thống thủy lợi chưa được khép kín, không đử sức bảo vệ cho vườn cây ăn trái vào mùa lũ. Đa số vườn của bà con nông dân vẫn là vườn tạp nên đời sống của bà con chưa khấm khá. Hàng ngàn hộ dân còn sống trong những căn nhà lá tạm bợ. Nhiều hộ dân còn phải sử dụng nguồn nước chưa đảm bảo vệ sinh; thiếu điện trong sinh hoạt; Cơ sở vật chất cho trường học, trạm y tế chưa đáp ứng yêu cầu học hành, khám chữa bệnh cho nhân dân; An ninh trật tự còn phức tạp. Trong số 20 tiêu chí của chương trình xây dựng NTM thì xã đạt thấp nhất là 9 chỉ tiêu và xã đạt cao nhất là 14 chỉ tiêu.

Phong Điền (Cần Thơ): Về đích huyện nông thôn mới

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn
thăm mô hình vườn du lịch sinh thái Mỹ Thơm.

Diện mạo mới

Là huyện đầu tiên trong số 9 quân, huyện của thành phố được chọn thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Đảng bộ huyện xác định phải qui hoạch sản xuất; đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng; phát triển những giống cây trồng chủ lực, có chất lượng cao, như: dâu Hạ Châu, nhãn, vú sữa,.., để thay thế cho cây có múi là cam, quit đang bị thoái hóa, đồng thời khai thác thế mạnh về du lịch. Đảng bộ đề ra định hướng xây dựng Phong Điền trở thành huyện sinh thái. Do vậy, công tác đảm bảo vệ môi trường luôn được chính quyền và người dân ở đây đặc biệt quan tâm. Các hoạt động tưởng chừng nhỏ như, thu gom, xử lý rác được tổ chức thực hiện hiệu quả bằng ý thức của cả cộng đồng. Đặc biệt, cảnh quan môi trường sống của nhân dân trên các tuyến lộ giao thông nông thôn được xây dựng sáng - xanh - sạch - an toàn. Hầu hết các tuyến giao thông trên địa bàn được trồng cây xanh, hoa kiểng tạo nên sắc thái mới, diện mạo mới, riêng biệt của Phong Điền để phấn đấu là “lá phổi xanh” của thành phố Cần Thơ, là vùng quê đáng đến của du khách và đáng sống của nhân dân.

Năm 2011, năm đầu tiên thực hiện chương trình xây dựng NTM, khi kinh tế vườn bắt đầu khởi sắc thì Phong Điền lại hứng chịu lũ lớn tràn về, nhấn chìm gần 1.500 ha vườn cây ăn trái vừa được cải tạo, khôi phục. Trước những khó khăn, thách thức như vậy, các cấp, các ngành huyện Phong Điền đã ra sức chung tay khôi phục vườn cây ăn trái. Chỉ tính riêng trong năm 2012, toàn huyện đã khôi phục gần 1.000 ha vườn. Đến nay, huyện đã khôi phục hơn 2.250 ha với các loại cây trồng mang tính chủ lực, nhiều tiềm năng thị trường và có giá trị kinh tế cao. Song song đó, Huyện ủy, UBND huyện còn tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất bền vững, đầu tư nạo vét trên 1,5 triệu m3 các tuyến kênh rạch; xây dựng trên 1.300 cống đập và khoảng 230 km đê bao. Đến nay, trên 90% diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện đã xây dựng đê bao chống lũ hòan chỉnh. Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, sản lượng trái cây tăng lên từng năm. Chỉ tính riêng trong năm 2015, sản lượng trái cây trên địa bàn huyện đạt trên 85.000 tấn với giá trị hơn 750 tỉ đồng. Trong chặng đường hội nhập, ngành nông nghiệp huyện đã và đang thực hiện các giải pháp nâng cao trình độ khoa học - kỹ thuật cho nhà vườn, thực hiện giải pháp IPM trong phòng trừ dịch hại, tổ chức sản xuất theo quy trình an toàn (GAP) gắn với liên kết sản xuất để tạo ra những sản phẩm nông sản an toàn theo tiêu chuẩn chất lượng. Qua đó, đưa trái cây Phong Điền đến các thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thậm chí qua các nước láng giềng như Campuchia, Lào; đặc biệt, vườn cây ăn trái gắn liền với phát triển du lịch. Nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn với những sản phẩm đặc trưng của địa phương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - an toàn được xây dựng rộng khắp trên địa bàn.

Chuyển biến về nhận thức và hành động

Ông Nguyễn Thành Đông, Bí thư Huyện ủy Phong Điền cho rằng thành quả sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng NTM ở Phong Điền là đã tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của từng cán bộ đến nhân dân nhờ sự đồng thuận về chủ trương xây dựng NTM. 5 năm qua, toàn huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư trên 1.813 tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Hiện nay kết cấu hạ tầng thiết yếu của huyện được đầu tư hơn 633 tỷ đồng để nâng chất hệ thống giao thông, thủy lợi trong đó vận động các mạnh thường quân và nhân dân hơn 200 tỷ đồng để nâng chất lượng, xây dựng 93 km đường giao thông xóm, ấp. Trong qúa trình xây dựng NTM, Phong Điền đã có hơn 400 tổ chức và cá nhân đóng góp tiêu biểu, được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Nếu trước đây, số hộ nghèo phải ở trong những căn nhà lá lụp sụp, không điện, không nước sạch thì 5 năm qua, thông qua cuộc vận động ”toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” lồng ghép với cuộc vận động ”Ngày vì người nghèo” đã xây dựng và bàn giao gần 1.600 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí hơn 55,6 tỉ đồng góp phần hoàn thành tiêu chí số 9 về nhà ở. Nét độc đáo của Phong Điền là không chỉ lo cho dân nghèo mà đảng viên nghèo cũng được các đảng viên trong toàn Đảng bộ đóng góp xây dựng nhà qua đó có 20 nhà Đại đoàn kết do đảng viên đóng góp tặng cho đảng viên nghèo. Huyện huy động các nguồn lực kết hợp với xã hội hóa đầu tư 276 trạm biến áp, 163,4 km đường dây trung thế, 324,4 km đường dây hạ thế; xây dựng hệ thống cấp nước sạch; đầu tư mạng lưới trường lớp, mạng lưới y tế cơ sở; phát động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; đầu tư trung tâm thương mại huyện và mạng lưới chợ xã; xây dựng cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa cho các xã nhờ đó đến nay, toàn huyện có 98,92% hộ dân có điện sử dụng an toàn; 33/43 trường học đạt chuẩn quốc gia; 70/74 nhà văn hóa ấp đạt chuẩn; tất cả các xã đều có chợ nông thôn; 6/6 xã có bưu điện văn hóa xã trong đó hệ thống đường truyền internet phủ khắp toàn xã. Toàn huyện có gần 99% số hộ dân sử dụng điện an toàn cho sinh hoạt và sản xuất. Hệ thống cấp nước được đầu tư, mở rộng góp phần phục vụ nước sạch cho nhân dân trên địa bàn từ 34% năm 2011, tăng lên đạt gần 80% như hiện nay.

Phong Điền (Cần Thơ): Về đích huyện nông thôn mới - 1

Đường về xã nông thôn mới Trường Long.

Nâng cao mức sống người dân

Bên cạnh việc chăm lo nâng cao cuộc sống cho nhân dân, huyện tập trung thực hiện nhiều giải pháp giúp bà con phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm để giảm tỉ lệ hộ nghèo, Phong Điền đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện liên kết trong sản xuất. Giai đoạn 2011 - 2015, huyện đã phân vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo hơn 2.150 ha vườn cây ăn trái kém hiệu quả thành vườn cây ăn trái đặc sản. Trên địa bàn huyện cũng đã hình thành được nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn như: vùng vú sữa Giai Xuân; vùng dâu Hạ Châu xã Nhơn Ái; vùng nhãn idol ở xã Trường Long, xã Nhơn Nghĩa; vùng hoa kiểng xã Tân Thới; vùng lúa chất lượng cao xã Trường Long, xã Giai Xuân… Ngoài ra, huyện chú trọng phát triển loại hình du lịch sinh thái vườn, thu hút mỗi năm trên 500.000 lượt du khách đến tham quan, vui chơi góp phần tăng thêm thu nhập từ 2 đến 2,5 lần so với sản xuất vườn chuyên canh. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ có sự tăng trưởng ổn định. Huyện đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư kinh phí trên 600 tỷ đồng xây dựng Trung tâm thương mại huyện và chợ xã (Mỹ Khánh); nâng chất lượng 04 chợ xã: Giai Xuân, Tân Thới, Trường Long, Nhơn Nghĩa phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên trên địa bàn đạt trên 95,2%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,36%. Bình quân thu nhập 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt trên 150 triệu đồng/năm trong đó, các vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh cho thu nhập đạt từ 200-350 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng thu nhập bình quân của huyện đạt 34,7 triệu đồng/người/năm. Bà Thái Thị Bích Loan, người dân ấp Trường Thọ A, xã NTM Trường Long, huyện Phong Điền hồ hởi chia sẻ với chúng tôi: Từ khi chính quyền xã Trường Long triển khai xây dựng NTM, đường giao thông được đầu tư mở rộng, bộ mặt xã ngày càng khang trang. Người dân chúng tôi được hưởng lợi nhiều mặt, được giúp vay vốn làm ăn, được đào tạo nghề nên có thu nhập ổn định, gia đình khá giả...

Chia sẻ trong niềm vui là huyện đầu tiên của thành phố Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Để phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện, thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân huyện Phong Điền sẽ tập trung phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao mức sống của nhân dân, hình thành những vườn cây ăn trái đặc sản, vườn chuyên canh trong đó tổ chức cho nhân dân làm ăn theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo đến 2020 còn 1,8%. Huyện đẩy mạnh cải cách hành chính để làm sao cho người dân khi có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính không bị phiền hà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phong Điền (Cần Thơ): Về đích huyện nông thôn mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO