Phòng ngộ độc nấm

Giang Hương 01/05/2017 11:55

Khi thời tiết ấm, ẩm và nhất là sau các trận mưa, các loài nấm phát triển rất nhanh. Các bác sĩ cảnh báo, đây cũng là thời điểm mà các cơ sở y tế phải tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bị ngộ độc nấm. Bởi vậy, bà con phải hết sức cảnh giác.

Nấm độc tán trắng (Amanita verna) thường mọc thành từng cụm.

Tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên thời gian qua, việc tuyên truyền về ngộ độc nấm đã được ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường, song người dân vẫn rất chủ quan với quan niệm, cứ nấm rừng hái về rửa sạch rồi nấu lên là ăn được, nhất là với những loại nấm màu sắc sặc sỡ, nhìn trông rất bắt mắt.

Thế nhưng các chuyên gia y tế khuyến cáo, loại nấm độc nhất, hay gây chết người nhất lại trông ngon và hấp dẫn nhất, ăn vào cũng ngon, khi bị ngộ độc không biểu hiện ngay cho nên phát hiện thường muộn, bệnh nặng và nhiều người tử vong.

Nhiều nghiên cứu cho thấy các loài nấm độc này có tên thông thường là nấm độc tán trắng (tên khoa học là Amanita verna) và nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa), là loại nấm có độc tố amatoxin thường mọc hoang dại ở rừng, khe suối... phát triển nhiều vào mùa xuân và hè, khi mưa xuống, rất khó phân biệt với các loại nấm không độc nên ngưi dân thường bị nhầm lẫn.

Người bị ngộ độc nấm thường xuất hiện sau khi ăn từ 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ và biểu hiện muộn xuất hiện sau khi ăn từ 6 đến 40 giờ, trung bình 12 giờ. Mức độ ngộ độc tùy thuộc vào các loại nấm.

Theo các bác sĩ, người bị ngộ độc thường thấy nôn nao, khó chịu, có khi đau bụng dữ dội hoặc nôn ra máu, đi ngoài nhiều lần, phân có mùi hôi tanh; người mệt nhừ, lạnh toát, có khi nổi mẩn đỏ; nếu nặng thì co giật, hôn mê. Các triệu chứng xuất hiện càng chậm thì mức ngộ độc càng nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Bởi vậy, ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm cần nhanh chóng gây nôn (bằng biện pháp cơ học): Trong vòng vài giờ sau ăn nấm (tốt nhất trong giờ đầu tiên) nếu bệnh nhân là người trên 2 tuổi, tỉnh táo, chưa nôn nhiều. Cho bệnh nhân uống nước và gây nôn sau đó chuyển nạn nhân đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời.

Tại đây các bác sĩ sẽ rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm. Các bác sĩ cũng khuyên nên đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế. Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm cơ sở y tế để các bác sĩ xác định loài nấm.

Để phòng ngộ độc nấm người dân tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm dại, đặc biệt là các loại nấm có màu sắc sặc sỡ. Dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ. Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc. Nấm tươi ăn được thì cũng nên nấu ăn ngay khi mới hái bởi nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.

Có ý kiến cho rằng, nấm độc thường có mầu sắc sặc sỡ nhưng thực tế loại nấm độc nhất, hay gây chết người lại trắng; vẻ lành tính, giống như nấm thường và khi ăn lại ngon.

Nhiều người cho rằng, nấm bị sâu, bọ ăn là nấm không độc nhưng thực tế tất cả loại nấm độc đều bị kiến, ốc sên, sâu bọ ăn nên người dân cần hết sức đề phòng, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Tuyệt đối không ăn thử nấm, kể cả trước đây đã từng nhiều lần ăn các loại nấm trông giống như vậy mà không sao vì nấm độc và nấm không độc thường nhìn bề ngoài rất giống nhau.

Có ý kiến cho rằng, nấm độc thường có mầu sắc sặc sỡ nhưng thực tế loại nấm độc nhất, hay gây chết người lại trắng; vẻ lành tính, giống như nấm thường và khi ăn lại ngon. Nhiều người cho rằng, nấm bị sâu, bọ ăn là nấm không độc nhưng thực tế tất cả loại nấm độc đều bị kiến, ốc sên, sâu bọ ăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng ngộ độc nấm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO