Phong trào 'Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi': Thương trường thành đạt, nghĩa tình gắn bó

Theo QĐND 16/10/2016 21:20

Ngày 14/10, tại Hà Nội, Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc, tổng kết Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” lần thứ 5, giai đoạn 2011-2016.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế đất nước, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã… do CCB làm chủ vẫn khẳng định được vị thế, uy tín trên thương trường, doanh thu và lợi nhuận tăng, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương và cả nước, đồng thời thêm sáng đẹp phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng 500 đại biểu lãnh đạo CCB của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị Trung ương hội, các tập thể, cá nhân CCB tiêu biểu trong phong trào giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Thiếu tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dự hội nghị.

Đặc biệt, hội nghị còn có sự tham dự của Đoàn đại biểu Hiệp hội CCB nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Đoàn đại biểu Hiệp hội CCB Vương quốc Campuchia.

Những điển hình năng động, dám làm

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam khẳng định: Trong 5 năm qua, phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế trong thời kỳ đổi mới, Hội CCB Việt Nam đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, huy động được nhiều nguồn lực, phát huy được tiềm năng, trí tuệ, kinh nghiệm, sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nên Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã đạt được kết quả tốt đẹp.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của CCB đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước và các địa phương; tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh, đồng thời có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng về hình thức liên kết, liên doanh, đời sống của CCB được cải thiện rõ rệt; góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế của địa phương và cả nước.

Với khát vọng tạo được nhiều việc làm cho lao động nông thôn, CCB, thương binh Trịnh Xuân Lâm đã từng bước phát triển xưởng may nhỏ bé ban đầu thành Tổng công ty Tiên Sơn Thanh Hóa hiện nay.

Với nguồn vốn 2.000 tỷ đồng, ông đã đầu tư xây dựng 9 nhà máy may tại các huyện trong tỉnh, tạo công ăn việc làm cho 15.000 lao động, trong đó có nhiều con, cháu CCB và gia đình chính sách.

Ngoài việc thực hiện tốt chế độ, quyền lợi cho người lao động, đến nay, tổng công ty đã chi hơn 10 tỷ đồng để làm công tác từ thiện xã hội, đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học, tặng hàng trăm sổ tiết kiệm cho các đối tượng…

Khi nghe CCB Nguyễn Đức Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản, thực phẩm xuất khẩu Tân An, tỉnh Long An báo cáo thành tích trong hội nghị, ai cũng thán phục tài năng, trí tuệ của ông.

Với số vốn ít ỏi ban đầu, chỉ sau một thời gian hoạt động, dưới sự điều hành của CCB Nguyễn Đức Thanh, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt hơn 40 triệu USD, doanh thu gần 1.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 6-7 tỷ đồng/năm.

Nhiều người dân địa phương biết đến Quỹ tín dụng nhân dân Vạn Trạch (tỉnh Quảng Bình) do CCB Hoàng Thanh Trắc làm giám đốc.

Quỹ có địa bàn hoạt động tại 56 thôn của 6 xã, với gần 4.000 thành viên, nguồn vốn hoạt động đạt hơn 200 tỷ đồng, trong đó cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn chiếm hơn 90%, chất lượng tín dụng tốt.

Hằng năm, ông Trắc đóng góp 150 triệu đồng cho công tác từ thiện, làm nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách. Ông cho 56 thôn vay không lấy lãi (mỗi thôn vay 200 triệu đồng) để xây dựng đường giao thông.

Theo lãnh đạo Hội CCB Việt Nam, thời gian qua, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã do CCB làm chủ vẫn khẳng định được vị thế, uy tín trên thương trường, doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương và cả nước…

Vươn lên làm giàu, giúp nhau vượt khó

Rời quân ngũ trở về địa phương, CCB Trần Quốc Toản, ở xã Châu Pha, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bắt tay vào làm kinh tế trang trại tổng hợp. Vượt qua bao khó khăn thử thách, ông cùng gia đình trồng và chăm sóc hơn 200ha rừng, 10ha cây ăn quả, nuôi gà, nuôi cá…; tổng doanh thu hơn 36 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 55 hộ gia đình CCB.

CCB Nguyễn Thị Kim Oanh (ở xã Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) là một nữ CCB tiêu biểu trong làm kinh tế giỏi. Sau khi về nghỉ hưu, bà Oanh thuê đất trồng 4ha cà phê và thành lập công ty xử lý nước thải với số vốn ban đầu 300 triệu đồng.

Năm 2006, bà Oanh mua máy móc thiết bị hiện đại sản xuất phân bón vi sinh cung ứng cho một số đơn vị thuộc Binh đoàn 15 và nhân dân các vùng phụ cận. Nhận thấy bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn về kinh phí, bà Oanh bàn bạc với lãnh đạo, chính quyền địa phương bán 400 tấn phân bón theo phương thức trả chậm với giá 1 tỷ đồng không tính lãi để bà con chăm sóc cây trồng, thâm canh, tăng năng suất.

Năm 2013, bà tiếp tục đầu tư kinh doanh khách sạn, hằng năm thu lãi hơn 500 triệu đồng; riêng công ty sản xuất phân vi sinh của bà có doanh thu ổn định hơn 50 tỷ đồng/năm…

Theo lãnh đạo Hội CCB Việt Nam, trong phong trào CCB giúp nhau làm kinh tế giỏi có hàng vạn trang trại, gia trại và hộ gia đình CCB đang sản xuất, kinh doanh chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Mặc dù chịu ảnh hướng lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhưng hoạt động kinh tế của các trang trại, gia trại, hộ gia đình CCB vẫn phát triển, đạt chất lượng, hiệu quả cao, tạo ra giá trị sản phẩm lớn, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn có thu nhập ổn định, nhất là ở vùng núi, biên giới…

Phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững

Trung tướng Nguyễn Văn Đạo, Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam cho biết: “Nhờ nhận thức đúng, xác định rõ nhiệm vụ, tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp phù hợp, huy động được mọi nguồn lực để làm kinh tế phục vụ mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, trong 5 năm qua, Hội CCB Việt Nam đã giảm được hơn 155.000 hộ nghèo; hiện nay có 23 tỉnh, thành hội cơ bản không còn hộ CCB nghèo”.

Nhiều người nhắc đến mô hình 5+1 (5 hội viên khá giúp đỡ 1 hội viên nghèo) của Hội CCB tỉnh Bến Tre, như một hình mẫu sáng tạo, hiệu quả trong giúp hội viên giảm nghèo.

Nhờ mô hình này mà trong nhiều năm qua, Hội CCB tỉnh Bến Tre đã xóa được hàng trăm nhà tạm, nhà dột nát, giúp hàng trăm hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng…

Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có hơn 1.000 mô hình đang hoạt động hiệu quả… Hội CCB TP Hải Phòng có Phong trào “Chung sức xóa nghèo cho CCB thành phố”. Từ phong trào này, đã vận động hội viên phối hợp với các doanh nghiệp; Bộ CHQS thành phố vận động cán bộ, chiến sĩ tự nguyện ủng hộ tiền để xây dựng quỹ giúp hội viên nghèo bằng tiền và hiện vật phục vụ sản xuất, kinh doanh để thoát nghèo…

Phong trào giúp nhau giảm nghèo của Hội CCB Việt Nam đã có sự chuyển biến nhanh, từ chỗ xóa nghèo là trọng tâm nay hầu hết các tỉnh, thành hội xác định chuyển sang xóa nghèo nhanh, bền vững và vươn lên làm giàu là nhiệm vụ trọng tâm.

Từ chỗ coi trọng xóa nghèo về đời sống vật chất, nay công tác xóa nghèo theo hướng đa chiều và toàn diện hơn, chú trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phương tiện nghe nhìn, phương tiện đi lại, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường; con em được học hành, được hướng dẫn đào tạo nghề phù hợp với gia đình hội viên CCB.

Trong Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã có nhiều thương binh, bệnh binh vượt qua bệnh tật, vươn lên trở thành tấm gương sáng trong sản xuất, kinh doanh và hết lòng giúp đỡ đồng đội thoát nghèo.

Điển hình như CCB, thương binh Trịnh Đình Cây (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước), đã cùng gia đình đầu tư xây dựng trang trại với 70ha cao su, tiêu, điều, cây ăn quả; thu lãi bình quân 900 triệu đồng/năm.

Khi có tích tũy, ông dành hơn 1 tỷ đồng cho vay không lấy lãi để giúp đồng đội làm kinh tế. CCB, thương binh hạng 1/4 Hoàng Trọng Cường, Giám đốc HTX chăn nuôi 27-7 ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, dù mỗi tuần phải chạy thận nhân tạo 3 lần tại bệnh viện đa khoa tỉnh, nhưng ông đã cùng 8 đồng chí thương binh trong xã thành lập HTX chăn nuôi lợn với quy mô 1.800 con/lứa, cho thu nhập hằng năm hơn 1 tỷ đồng…

Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã khai thác được nhiều nguồn lực, phát huy được tiềm năng của CCB, nâng cao năng lực, kinh nghiệm làm kinh tế cho hội viên, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế nước nhà…

Cũng từ phong trào này đã phát hiện và nhân lên nhiều điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi, thực sự mẫu mực về đạo đức, lối sống. Qua đó cho thấy, Bộ đội Cụ Hồ không chỉ có bản lĩnh, dũng cảm trong chiến đấu, mà luôn tiên phong, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế. Ý chí và nghị lực của họ càng làm sáng lên tinh thần đoàn kết, đồng chí, nghĩa tình của CCB Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phong trào 'Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi': Thương trường thành đạt, nghĩa tình gắn bó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO