Phu nhân GS Nguyễn Văn Huyên, bà Vi Kim Ngọc: Xứng danh dòng dõi

Cẩm Thúy 23/12/2015 16:58

Là con gái của quan Tổng đốc Vi Văn Định – một nhân sĩ được Bác Hồ trọng dụng – bà Vi Kim Ngọc, một tiểu thư xinh đẹp đã trở thành phu nhân của GS Nguyễn Văn Huyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Cuộc đời bà tiêu biểu cho nhan sắc và đức hạnh, giữ vai trò quan trọng cho những thành công của GS Huyên và nuôi dạy con cái trở thành những trí thức nổi tiếng của nước nhà. Lời kể về bà của trưởng nữ Nguyễn Kim Nữ Hạnh (con gái trưởng của GS Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc) giúp chúng ta hình dung về

Vợ chồng GS Nguyễn Văn Huyên.

Mẹ tôi sinh năm 1916, ở tuổi 18 đôi mươi, mẹ tôi và cô Kim Phú (bà Vi Kim Phú, em ruột bà Vi Kim Ngọc là phu nhân Giáo sư Hồ Đắc Di - nv) được mệnh danh là “ngôi sao tỉnh Thái Bình”.

Trong hồi ký của cô giáo Thịnh ở tỉnh Thái Bình thời ấy (sau này là phu nhân Thiếu tướng Đỗ Xuân Hợp) đã miêu tả về tiểu thư Kim Ngọc lúc ấy: “Cái làm tôi thích thú nhất là Ngọc đánh dương cầm hay lại biết vẽ, tính tình ý nhị nhẹ nhàng. Theo tôi thật là một người lý tưởng. Tuy học còn ít nhưng thông minh lại có thừa”.

Hồi còn ở Hà Nội, sáng nào trước khi đưa con đến trường, mẹ tôi cũng ngồi bên bàn gương và lần lượt gọi tôi và Hà (PGS.TS Nguyễn Kim Bích Hà – con gái thứ 2 của GS Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc - nv) đến trước gương để chải đầu, sửa móng tay bằng chiếc kéo xinh xinh cong cong hay bằng chiếc kìm bấm bé tí tẹo được cất trên bàn rất gọn gàng, ngăn nắp.

Đứng trước gương ba mặt, tựa vào lòng mẹ ngắm bên phải trái rồi bên phải, hướng nào tôi cũng thấy mẹ đẹp như cô tiên. Ánh mắt dịu hiền tỏa ra một tình yêu thương vô hạn. Chúng tôi có đủ các kiểu ảnh mẹ tôi chụp ở vào tuổi 20, 40, 50, 60, 70. Tấm nào mẹ cũng đẹp, ngay cả lúc tuổi đã già.

Bác Kim Yến (con gái thứ của cụ Vi Văn Định – nv) kể rằng: Ngày ấy bác và mẹ tôi được ông cho lên Hà Nội học piano. Bấy giờ cô Kim Phú mới 10 tuổi nên chưa được theo học đàn. Hai chị em được ông cho học thầy người Pháp giỏi nhất có tên là Poinsigon. Lên Hà Nội học, hai chị em còn nhút nhát không biết phố nào có tên là Cột Cờ. Học xong theo ông lái xe về ngay. Ông chăm con mà lại nghiêm khắc giáo dục theo nếp gia phong phải lễ độ, tôn ti trật tự, sai một tí là ông cho mấy roi ngay. Cho nên bác viết: “Chúng tôi sợ bố lắm”.

Cô Kim Phú sợ khi mẹ tôi đi lấy chồng sẽ phải thay mẹ theo bà ngoại học tập nội trợ quản lý gia đình. Bởi vậy khi chú Hồ Đắc Di hỏi là cô không chờ mẹ tôi lấy chồng đã nhận lời liền. Chính vì vậy năm 1936, sau khi lấy cha tôi, mẹ tôi vẫn muốn ở gần bà vừa là để đỡ đần bà ngoại vừa để bà đỡ cô đơn. Sau khi bà ngoại mất (1937) thì ông tôi giữ mẹ tôi ở lại bên cạnh ông để quản lý gia đình, giúp ông tiếp khách và quản lý đàn cháu. Đó là lý do vì sao gia đình nhỏ của cha mẹ tôi lại ở 59 Trần Bình Trọng, cạnh hồ Hale.

Trong 10 năm đầu ra làm việc, cha tôi miệt mài với sự nghiệp nghiên cứu và dạy học, còn mẹ tôi gánh vác lo toan việc nhà, cả việc của gia đình nhỏ lẫn gia đình lớn của ông ngoại tôi. Cha mẹ tôi được chia ở trên tầng ba là tầng cao nhất. Tôi không nhớ có mấy phòng song chắc chắn có phòng cha mẹ và tôi ở, một phòng của Bích Hà và Nữ Hiếu (PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu – con gái thứ 3 của GS Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc, vợ GS Nguyễn Lân Dũng – nv) và một phòng làm việc của cha tôi. Bên cạnh là phòng của cô Kim Quý và chị Vi Nguyệt Hồ (cháu gái nội của cụ Vi Văn Định, phu nhân GS Tôn Thất Tùng – nv). Bước qua sảnh đường là sang phòng ông ngoại.

Số phận các anh chị sống bên ông ngoại chẳng ai giống ai. Nhưng có một điều chị Hồ và cô Quý khi lấy chồng ra làm việc tại cơ quan nhà nước tôi đều thấy có một điểm hai người đều là vợ, là mẹ rất đảm đang và nhất mực yêu thương chồng con. Biết hy sinh sự nghiệp của riêng mình để dành cho chồng có thời gian và tâm trí gánh vác việc nước vẹn toàn, tự giành lấy việc nuôi con được chu đáo. Chị Hồ đủ sức để có thể học cao hơn nhưng suốt cuộc đời không hãnh tiến chỉ làm một việc thành thạo là gây mê cho các ca mổ của anh Tôn Thất Tùng. Cô Quý một mình gánh vác việc nhà để chú Trần Bá Kỳ hoàn thành nhiệm vụ của bác sĩ, Viện phó Viện Quân y trong 2 cuộc kháng chiến…

Những năm tháng tản cư ra Kháng chiến, mỗi lần mẹ tôi mở vali thuốc mang theo phòng khi ốm đau, lần nào cũng vậy, khi nắp vali bật mở, chùm hoa bất tử cha tôi mang từ Đà Lạt (năm 1946 cha tôi được cử là cố vấn đoàn phái bộ đàm phán trù bị tại Đà Lạt) về làm kỉ niệm cũng hiện ra, còn nguyên màu vàng hơn pha đỏ tía. Thỉnh thoảng mẹ tôi lại mở những phong thư cha viết từ Fontainebleau và đọc cho chúng tôi nghe vài đoạn… Lúc nào tôi cũng thấy mẹ tôi nhắc đến Cách mạng, đến Bác Hồ. Trong cuốn ảnh gia đình còn giữ bức ảnh chụp trước khi cha tôi đi Hội nghị Fontainebleau năm 1946, ảnh mẹ tôi bện tóc rồi vấn trần như thể vấn khăn. Nét mặt mẹ dịu hiền, trang nghiêm có đượm nét buồn lo. Tôi đâu có hiểu bấy giờ tiễn cha đi, để lại 5 mẹ con nhỏ dại trước cảnh đất nước ngàn cân treo sợi tóc!

Bà Vi Kim Ngọc bế con gái đầu Nguyễn Kim Nữ Hạnh - năm 1938.

Gia đình tôi rời Hà Nội trước ngày 19-12-1946, tức là trước khi có Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ. Không ngờ sau 9 năm mới trở lại Thủ đô. Nhật ký mẹ tôi viết: “…Bác Phạm Văn Đồng lại nhà nói vậy, thế là ba gia đình Huyên, Di, Tùng bở lại tất cả tài sản gia đình trí thức phong lưu ra Vân Đình với một số đồ dùng tối thiểu để sinh hoạt”. Nơi đây là chặng đường dừng chân đầu tiên của cuộc đời lưu động qua 9 năm kháng chiến. “Lên non thiếp cũng lên theo/ Tay vịn chân trèo hái trái nuôi nhau” – Đó là quyết tâm của mẹ tôi. Rồi từ Vân Đình đi Phú Thọ rồi lên Chiêm Hóa như sau này GS Hồ Đắc Di viết trong hồi ký: “Có ngờ đâu mình rồi sẽ trải qua con đường kháng chiến dài hàng trăm, hàng nghìn cây số, lâu tới hơn ba nghìn ngày đêm để rồi 9 năm sau mới trở về”.

Nhớ lại những ngày gian khổ đã trôi qua mà thấy tự hào về niềm tin tất thắng của mẹ. Lòng dũng cảm và sự hy sinh của mẹ bước theo con đường Bác Hồ đã mở để tạo điều kiện cho cha tôi yên tâm lo việc nước… Tất cả những điều đó tôi nhìn thấy trên đường đi, những người, những vật, những sự việc đã giúp tôi cảm nhận được cái đơn giản và mãnh liệt của cuộc sống, để trụ lại trong tôi sự thiêng liêng của nghĩa lớn.

Rất ít khi cha tôi có mặt và làm việc ở nhà kể từ ngày chạy loạn vào Hà Đông cho đến những ngày tản cư lên Việt Bắc. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, mọi gian nan vất vả một nách 4 con thơ, đổ tất lên vai mẹ tôi. Mỗi lần tiễn cha đi công tác, mấy mẹ con đều theo cha ra tận đầu dốc Ải. Nơi đây có thể nhìn bao quát cả con sông và đoạn đường mòn uốn khúc để dõi theo cha cùng anh cần vụ mỗi người một xe cho đến khi khuất sau lùm cây mới quay vào. Trước khi đi, từ bé đến lớn đều được cha ôm hôn dặn dò, cuối cùng bao giờ cha cũng ôm hôn mẹ. Mỗi lần chuẩn bị ba lô cho cha lên đường, bao giờ mẹ tôi cũng lo đầy đủ cà phê, muối vừng… Rồi sau này còn thêm thịt ướp săm-pết, lạp xường do tự tay mẹ con chúng tôi tăng gia được.

Cha tôi đi công tác biền biệt. Chúng tôi chẳng biết cha làm việc ở đâu và như thế nào. Mãi sau này mới có điều kiện tìm hiểu về công việc cha tôi đã làm lúc vắng nhà. Đây là những dòng nhật ký mẹ tôi viết những lúc vắng cha tôi: “Mùng 8-7 Mậu Tý tức ngày 12-8-1948. Nắng thu đã hửng. Mát dịu núi rừng Việt Bắc. Không còn oi bức trời hè nữa. Sao cảnh buồn đến thế. Ngày bình thản quá! Trời thăm thẳm, núi xanh xanh, rừng âm u! Lại xa anh Huyên. Anh đi họp 10 ngày mới về, mãi chưa thấy anh về. Mỗi lần anh lên đường lòng em xao xuyến nhớ nhung! Nhớ anh quá! Hôm nay nhớ anh da diết!...”

Biết bao biến cố mà cả dân tộc đã trải qua trong những ngày tháng đó. Hình như cũng kể từ ngày đó, mẹ tôi đã quen dần với những đợt xa cha ngắn ngày và đón cha tôi về như những đợt sóng triều dâng.

Từ một phụ nữ nội trợ đã vượt lên tất cả để cùng cha tôi tham gia kháng chiến, để bắt tay vào việc cho kháng chiến. Khi 4 chị em chúng tôi đã tự phục vụ sinh hoạt của mình thì mẹ tôi bắt đầu ra làm việc xã hội. Từ trình độ văn hóa Cao đẳng tiểu học, mẹ tôi đã học xong phổ thông trung học và theo học khóa đào tạo chuyên ngành Ký sinh trùng học và nhận bằng tốt nghiệp Y sĩ. Đồng thời mẹ tôi theo học lớp ngoại ngữ tiếng Nga và tự học nâng cao tiếng Pháp để phục vụ chuyên môn. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, mẹ tôi đã theo trường Y lên Thái Nguyên để học tiếp và nhận bằng tốt nghiệp chuyên ngành của mình. Tóm tắt một cuộc đời, một lý lịch thì ngắn gọn và dễ dàng. Nhưng từ một phụ nữ nội trợ đến khi trở thành cán bộ là quá trình đổi thay rất lớn về nội tâm. Vào năm 1953 được GS Đặng Văn Ngữ và ông Trần Duy Hưng khuyên chuyển sang làm việc ở phòng thí nghiệm, mẹ tôi rất lo. Nhưng rồi mẹ cũng quyết định vào công tác tại phòng thí nghiệm thực hành của Trường đại học Y Dược. Mẹ tôi thành công được là do mẹ lao vào cuộc sống một cách nhiệt thành. Mẹ nghe theo lời cha tôi: “Làm từ việc nhỏ, việc dễ, thích hợp để tiến lên mãi cùng chị em, bạo dạn dần lên, giúp các con tham gia xây dựng xã hội mới, giải quyết những mâu thuẫn thế hệ thanh niên mới với chúng ta. Việc ấy nhất định làm được”. Đó là bí quyết thành công của mẹ tôi.

Trải qua bao thăng trầm công tác, mẹ tôi luôn tự hào vì mình đã cùng y bác sĩ trẻ xây dựng bao tài liệu quý cho công việc nghiên cứu khoa học và giảng dạy của Bộ môn Ký sinh trùng. Mẹ tôi đã cùng nhóm nghiên cứu điều tra các loại muỗi vùng nội ngoại thành Hà Nội và năm 1961 đã xuất bản cuốn sách với những tài liệu về “muỗi Culicinel”.

Những công trình mẹ tôi tham gia viết về giun, sán, muỗi, rồi cả nghiên cứu về nấm gây bệnh và nấm kháng sinh, nấm dinh dưỡng. Rồi các loại lá cây dân gian được xem xét phân tích kết hợp nghiên cứu chữa bệnh trên da, trên tóc như lá trầu không…

Những năm tháng nghỉ hưu, mẹ tôi chuyển sang hội họa. Chỉ tiếc là năm 1975, cha tôi mất. Năm ấy cha mẹ tôi sang Đông Đức chữa bệnh, hưởng 3 tuần hạnh phúc. Ai có ngờ! Lần đầu tiên cha dẫn mẹ đi nghỉ cho bõ những ngày bĩ cực thì cũng là ngày hạnh phúc cuối cùng. “Sung sướng trong hạnh phúc/ Đau thương trong vĩnh biệt” – Đó là những dòng mẹ tôi ghi lại sau khi từ Đức trở về.

Kể từ ngày rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc, gia đình tôi không còn lệ giỗ chạp như xưa. Sau khi cha tôi mất, mẹ tôi lập bàn thờ cha tại nhà. Ngày lễ tết mẹ tôi nhắc con cháu dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ. Sáng mồng một con cháu tề chỉnh đến trước bàn thờ. Từ bé tới lớn lần lượt báo cáo thành tích, kết quả học tập, công tác trong năm và những dự định, những lời hứa trước ông cho năm sắp tới.

Mười ba năm kể từ ngày cha tôi mất cho đến ngày mẹ tôi từ giã cõi đời, không một lần sai lệch!

Mẹ tôi luôn tạo cho con cháu trong nhà nhớ về ông để tự củng cố lấy chí hướng, dũng cảm và có trách nhiệm trước cuộc đời.

Vai trò và bổn phận của cha đã gắn liền với mẹ. Sau khi cha tôi mất, mẹ tôi sống trọn 13 năm với lòng hy sinh cao cả để giữ trọn cho các con mái nhà ấm êm, cho các cháu hưởng trọn vẹn tình thương và lòng kính trọng ông bà.

Mẹ tôi có ý nguyện được an nghỉ tại quê cha tôi, làng Lai Xá. Trong suốt 13 năm vắng bóng cha, năm nào mẹ tôi cũng cùng con cháu về tảo mộ vào dịp 25-12. Cho dù sức khỏe yếu, mẹ tôi vẫn kiên trì dẫn các con vào làng, vào nhà thờ thắp nén nhang, đặt lễ. Việc kể từ khi cha tôi mất, mẹ tôi phục hồi bàn thờ gia đình bởi mẹ tôi hiểu yếu tố vững chắc nhất gắn bó các thành viên gia tộc là việc thờ cúng tổ tiên. Di chúc của mẹ tôi để lại có viết: “Phần cha kính yêu để lại cho các con là một lưu niệm vô giá. Các con trai, con gái đều có bộ óc kiến thức độc lập. Bộ óc biết suy nghĩ lẽ phải, điều trái để xử thế với đời. Điều đó không có giá nào mua được, tạo được…”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phu nhân GS Nguyễn Văn Huyên, bà Vi Kim Ngọc: Xứng danh dòng dõi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO