Phụ nữ và quyền có việc làm

Thành Vĩnh 15/09/2017 08:45

Sau rất nhiều năm phấn đấu để có bình đẳng giới, cho tới thời điểm này, khi cho ý kiến về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra có tới 50% số chỉ tiêu chưa phù hợp với thực tế.

Trong đó, đặc biệt đáng lo ngại là con số 80% phụ nữ ở tuổi trên 35 đang làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc. Chưa bàn đến các mục tiêu bình đẳng trong lĩnh chính trị xa vời, tối thiểu nhất là quyền được lao động và có thu nhập bình đẳng với nam giới cũng đang quá chênh lệch.

Lao động thâm niên thấp hơn thì chi trả bảo hiểm và mọi chế độ sẽ ít hơn.

Theo kết quả nghiên cứu gần đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 80% phụ nữ ở tuổi trên 35 làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc.

Phần lớn lao động nữ trở về làm công việc nội trợ gia đình, lao động tự do, còn lại mở cửa hàng buôn bán nhỏ và quay trở lại làm nông nghiệp. Cũng theo dự báo của nghiên cứu này, chỉ khoảng trong 10 năm nữa sẽ có khoảng 2-3 triệu người bị mất việc làm trước tuổi nghỉ hưu.

Theo các chuyên gia, tình trạng sa thải lao động độ tuổi 35 đang đặt ra một nguy cơ lớn đáng báo động cho thị trường lao động Việt Nam, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp và tạo thêm gánh nặng an sinh xã hội.

Nguyên nhân khiến lao động bị sa thải một phần do người lao động không thích ứng được với thay đổi về công nghệ nhưng nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp cần thay lao động trẻ hơn, khỏe hơn, năng suất lao động cao hơn và chỉ phải trả mức lương thấp hơn lao động lâu năm.

Đối với các doanh nghiệp, họ chỉ chạy theo lợi nhuận. Vì vậy, hành lang pháp lý phải đủ chặt chẽ mới có thể bảo vệ được quyền lợi của phụ nữ.

Dẫn ra con số 80% trong 1,2 triệu lao động trên 35 tuổi thất nghiệp là phụ nữ, tức là tương đương 960.000 chị em đang ở trong độ tuổi trụ cột của gia đình bị mất việc, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội thừa nhận do hành lang pháp lý chưa rõ ràng.

Khi pháp luật chưa đủ để bảo vệ quyền lợi của lao động nữ thì doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội để đem về cho họ phần lợi nhất.

Ví dụ như Honda một năm thay tới 40% lao động. Rõ ràng, họ tuyển lao động thâm niên thấp hơn thì chi trả bảo hiểm và mọi chế độ sẽ ít hơn.

Điều đáng lo ngại là ngay cả trong trường hợp bị sa thải như vậy, lao động nữ cũng không biết kêu ai, dựa vào đâu để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tính đến nay, hầu như chưa có đủ căn cứ pháp lý để xử phạt việc kỳ thị lao động nữ như vậy. Mặt khác, trình độ của lao động nữ đang ở mức thấp.

Tới mức nếu có bị sa thải, cũng không biết làm việc gì khác. Chúng ta đã nói rất nhiều về bình đẳng giới, nhưng nếu phụ nữ không được học tập, nâng cao bồi dưỡng kiến thức thì họ rất khó có năng lực thực thi quyền của mình.

Ngay cả đối với những người chưa bị sa thải, thì thực trạng lao động nữ trong các khu công nghiệp, đời sống tinh thần và vật chất của họ hiện nay thực sự là đáng nhức nhối.

Có nghĩa là cùng với hành lang pháp lý, giải pháp căn cơ bền vững là phải nâng chất lượng nguồn nhân lực nữ. Rất nhiều chương trình đào tạo nghề nông thôn đã được triển khai, nhưng hiệu quả không cao.

Tâm lý kỳ thị cho rằng con gái không cần học nhiều đã khiến trẻ em gái ở nông thôn không được chăm lo cho việc học tập (bao gồm cả học nghề), đồng nghĩa với việc tước đi cơ hội được bình đẳng về quyền có việc làm và thu nhập ổn định.

“Tôi tha thiết mong muốn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đưa việc sa thải lao động nữ trên 35 tuổi vào báo cáo này mạnh mẽ hơn nữa, để Quốc hội thảo luận và kiến nghị của cử tri được xem xét đầy đủ” – câu nói tha thiết của bà Nguyễn Thanh Hải cần được vang lên mạnh mẽ hơn nữa không phải chỉ trong một báo cáo về mục tiêu bình đẳng giới.

Tới tận thời điểm này, những quyền tối thiểu nhất của phụ nữ không được đảm bảo thì có nghĩa là mục tiêu phấn đấu cho văn minh, hạnh phúc của đất nước chưa thể nào đạt được.

Bình đẳng giới trong nhiều năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng nếu những quyền tối thiểu nhất của đa số phụ nữ còn chưa có, thì những tỉ lệ phần trăm phụ nữ tham gia chính trị hay kinh tế cũng chỉ mang tính hình thức vì nó chiếm tỉ lệ nhỏ so với đa số phụ nữ vẫn đang bị kỳ thị, chịu những sự bất bình đẳng giới. Nó cũng chứng tỏ ngay cả cùng là phụ nữ, khoảng cách giữa nhóm đạt tới bình đẳng và nhóm phụ nữ yếu thế cũng rất xa.

Có một thực tế hiện nay được bộc lộ rất rõ trên mạng xã hội, ngay cả ở khu vực thành thị, là việc đàn ông công khai và ngang nhiên bình luận về phụ nữ thể hiện rất rõ sự định kiến và kỳ thị. Ví dụ như vợ đồng nghĩa với một bà la sát già khú đế, xấu xí, hám tiền...; còn những phụ nữ khác bên ngoài thì giống như món đồ chơi để giải trí của đàn ông…

Điều đáng ngạc nhiên là đàn ông công khai gọi các kiểu “bồ” là “hàng họ” và nhận được sự a dua của cả cộng đồng mạng mà không có một ai bày tỏ thái độ bất bình (kể cả phụ nữ). Mà một khi còn định kiến, kỳ thị như thế, còn lâu mới có bình đẳng giới!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phụ nữ và quyền có việc làm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO