Phục hồi kinh tế Mỹ: Chưa quá lạc quan

Hà Anh 12/08/2021 06:41

Nền kinh tế Mỹ được cho là sẽ phục hồi nhanh hơn dự đoán nhờ các gói hỗ trợ từ Chính phủ, sự sôi động trở lại của thị trường chứng khoán và sự tăng vọt giá nhà đất. Tuy nhiên, sự lạc quan của các doanh nghiệp nhỏ Mỹ lại đang giảm xuống khi tình trạng thiếu lao động vẫn tiếp diễn.

Giảm chỉ số lạc quan

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế Mỹ đến chỗ suy thoái trong năm 2020. Năm nay, tình hình đã sáng lên.

Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát hôm 11/8, các chủ doanh nghiệp nhỏ trên khắp nước Mỹ ngày càng không tin tưởng vào khả năng phục hồi nền kinh tế trong tháng 7 khi tình trạng thiếu lao động vẫn chưa được cải thiện.

Chỉ số lạc quan của Liên đoàn Doanh nghiệp độc lập quốc gia (NFIB) đã giảm 2,8 điểm xuống mức 99,7 trong tháng 7 và gần như xóa sạch tất cả mức tăng của tháng 6. Cụ thể, trong 14 thành phần, có tới 10 thành phần giảm điểm chỉ số, 3 thành phần cải thiện và 1 thành phần không thay đổi.

Ông Bill Dunkelberg, nhà kinh tế trưởng của NFIB, cho biết: “Các chủ doanh nghiệp nhỏ đang mất niềm tin vào sức mạnh của nền kinh tế và kỳ vọng khả năng tạo việc làm sẽ chậm lại”.

Như vậy, trong khi nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ mở rộng trong năm nay với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980, thì vẫn có những dấu hiệu cho thấy nó có thể đang hạ nhiệt. Sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng tiếp tục làm giảm tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất và tâm lý người tiêu dùng giảm xuống gây lo ngại về lạm phát.

Theo NFIB, chỉ có 27% doanh nghiệp có kế hoạch tạo việc làm mới trong ba tháng tới, giảm một điểm so với tháng trước.

Tuần trước, trong báo cáo việc làm hàng tháng, Phòng Thương mại Mỹ cho biết, 49% chủ doanh nghiệp nhỏ tin rằng, số lượng việc làm sẽ không được lấp đầy trong tháng 7 trên cơ sở điều chỉnh theo mùa.

Chất lượng lao động được xếp hạng là “vấn đề quan trọng nhất” của các doanh nghiệp khi có tới 26% số người được hỏi chọn nó trong số 10 vấn đề (mức cao của cuộc khảo sát là 27%), báo cáo của NFIB cho biết.

Theo ông Dunkelberg: “Khi các chủ sở hữu tìm kiếm những người lao động có trình độ, họ cũng đang cho thấy rằng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang có tác động đến hoạt động kinh doanh của họ”. Khoảng 57% người được hỏi cho biết, họ có ít hoặc không có ứng viên đủ tiêu chuẩn cho các công việc mới trong tháng 7.

Các doanh nghiệp trong cuộc khảo sát của NFIB cũng đánh giá lạm phát là một mối lo ngại, với 44% dự định tăng giá trong ba tháng tới, con số này không thay đổi so với mức cao kỷ lục hồi tháng 6.

Tuy nhiên, ông Neel Kashkari, Chủ tịch chi nhánh Minneapolis của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, ông đã nhất trí với Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng nền kinh tế sẽ trở lại môi trường giá cả bình thường khi điều chỉnh mở cửa trở lại. Hồi cuối tháng 6/2021, ông Kashkari dự báo các chỉ số lạm phát tăng gần đây chỉ là tạm thời và người Mỹ sẽ quay trở lại thị trường lao động với số lượng lớn vào mùa Thu.

Lao động làm việc từ xa thiệt thòi

Những tác động của đại dịch đã đưa đến số cơ hội việc làm ở mức kỷ lục, nhưng hàng triệu người vẫn thất nghiệp, trong đó một số bỏ việc để ở nhà chăm sóc con cái. Cũng có một số lao động đã nhân đại dịch để nghỉ hưu hoặc thay đổi công việc.

Trước các hoạt động kinh doanh bất ngờ tăng khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại, các nhà hàng, các nhà bán lẻ và các nhà tuyển dụng khác đã gặp khó khăn trong việc tuyển lao động cho các vị trí trống và đã phải tăng lương, thậm chí đề nghị thưởng hay phụ cấp đối với những lao động mới.

Tuần trước, chuỗi dược phẩm CVS đã thông báo tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ, tham gia vào một nhóm trong đó có Target, Chipotle và Amazon cùng với các tập đoàn khác. Chính sách mới sẽ có hiệu lực tại CVS vào tháng 7/2022.

Tuy nhiên, tại các tập đoàn, công ty lớn, người lao động làm việc từ xa lại đang cảm nhận được tác động của đại dịch đến thu nhập của bản thân. Các nhân viên của Google, cùng làm việc tại văn phòng trụ sở trước đại dịch có thể thấy những thay đổi khác nhau về lương khi họ chuyển sang làm việc tại nhà, với những người đi làm lâu năm sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Đây là một thử nghiệm đang diễn ra trên khắp Thung lũng Silicon và nó cũng thường định hướng cho các nhà tuyển dụng lớn khác.

Trên thực tế, Facebook và Twitter cũng cắt giảm lương của các nhân viên làm việc từ xa khi họ chuyển đến các khu vực ít tốn kém hơn, trong khi các công ty nhỏ hơn như Reddit và Zillow lại chuyển sang các mô hình trả lương theo vị trí. Còn ở Google, một số nhân viên ở xa, đặc biệt là những người làm việc từ xa có thể bị cắt lương ngay cả khi không hề thay đổi địa chỉ chỗ ở.

Người phát ngôn của Google cho biết: “Mức lương sẽ khác nhau giữa các thành phố và tiểu bang. Công ty sẽ không thay đổi mức lương của nhân viên nếu họ chuyển từ làm việc ở văn phòng sang làm việc từ xa toàn thời gian, nhưng vẫn ở trong thành phố nơi đặt trụ sở”.

Một nhân viên giấu tên của Google cho biết, người này thường đi đến văn phòng ở Seattle từ một quận gần đó và đang có khả năng bị giảm khoảng 10% tiền lương nếu quyết định làm việc tại nhà toàn thời gian.

Jake Rosenfeld, Giáo sư Xã hội học tại Đại học Washington ở St. Louis cho biết, cách trả lương của Google làm dấy lên tình trạng báo động về việc người lao động sẽ cảm nhận được những tác động sâu sắc nhất của đại dịch, bao gồm cả gia đình của họ.

Khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã muốn tăng hơn gấp đôi mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ, từ mức 7,25 USD/giờ đã được duy trì 12 năm. Theo nhà kinh tế Rubeela Farooqi, quá nhiều sự phản đối đối với mức lương tối thiểu 15 USD/giờ, nhưng các doanh nghiệp hiện không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng lương để thu hút hoặc giữ chân lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phục hồi kinh tế Mỹ: Chưa quá lạc quan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO