Phương án hỗ trợ cho các tài xế vận chuyển nông sản trên địa bàn TP Hà Nội

An Chi 07/09/2021 10:18

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vấn đề lưu thông hàng hóa nông sản tại một số địa phương trên địa bàn TP Hà Nội gặp nhiều khó khăn gây nên ảnh hưởng đến việc thu mua và cung ứng nông sản tới người tiêu dùng.

Theo báo cáo của vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) về tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua, bên cạnh những vướng mắc về thị trường tiêu thụ một số mặt hàng nông sản như trái cây, củ quả… thì việc lưu thông hàng hóa nông sản tại một số địa phương trong thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19 gặp nhiều khó khăn do việc vận chuyển ra vào vùng dịch phải tuân thủ các biện pháp hạn chế, cách ly, kiểm dịch, kiểm tra nên ảnh hưởng đến việc thu mua và cung ứng nông sản tới người tiêu dùng.

Nhằm duy trì ổn định việc lưu thông hàng hóa trên địa bàn thành phố, Bộ NN&PTNT dự kiến đề nghị UBND các tỉnh thành phố, trong đó đặc biệt là TP Hà Nội có những chính sách để hỗ trợ cho các tài xế vận chuyển nông sản trên địa bàn giúp việc lưu thông nông sản tốt hơn.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT dự kiến sẽ kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội theo hướng: Tạo điều kiện cho lực lượng dịch vụ vận chuyển và người lao động trong các cơ sở sản xuất ban đầu và nhà máy sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm thiết yếu, người lao động tại các cơ sở chăn nuôi, chế biến giết mổ, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… được tiếp cận và tiêm vaccine phòng Covid-19 sớm nhất có thể để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đơn giản hóa các thủ tục để hàng hóa nông sản được lưu thông thuận lợi trên địa bàn. Đề nghị ưu tiên tiêm đầy đủ 2 mũi vaccin cho 100% nhân sự hoạt động trong thu hái, đóng gói, chế biến nông sản rau quả.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND TP Hà Nội và các địa phương có chính sách hỗ trợ cho chủ xe, lái xe, phương tiện giao thông để giảm chi phí vận chuyển tạo điều kiện cho tiêu thụ nông sản được thuận lợi, đồng thời tạo điều kiện đưa các xe vận chuyển nông sản theo luồng xanh để thuận lợi cho vận chuyển, tiêu thụ nông sản và lưu thông vật tư nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chính sách mạnh mẽ hơn nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến hàng nông sản để chế biến sâu; phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, giảm bớt xuất khẩu sản phẩm tươi, thô.

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải có biện pháp tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hóa; chỉ đạo các tập đoàn phân phối trong nước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại địa phương nơi có hoạt động của doanh nghiệp.

Trước yêu cầu lớn kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố gặp khó khăn và bị đứt gãy, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT đã chỉ đạo thành lập “Diễn đàn thông tin Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản”.

Với phương châm chỉ đạo của Thành phố là soát thật kỹ, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng đảm bảo không để dứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, đảm bảo an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân, đặc biệt là các khu vực cách ly, phong tỏa, Sở Công thương Thành phố Hà Nội đã chủ động đảm bảo nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đầy đủ đến người dân.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm phải đóng cửa nhưng chính quyền và hệ thống phân phối đã triển khai các hình thức cung ứng hàng hóa đa dạng đến người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân mua bán thuận tiện, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu.

Bên cạnh việc tổ chức các điểm bán hàng hóa thiết yếu sẵn có trên địa bàn, để đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân, đặc biệt khi địa bàn có các điểm bán tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, Thành phố đã triển khai nhiều mô hình cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân như: Tổ chức 62 điểm bán hàng lưu động tại 11 quận; 13 "Siêu thị 0 đồng" hỗ trợ người nghèo, công nhân lao động đã hỗ trợ được gần 22.000 suất quà (400.000 đồng/suất) với tổng trị giá khoảng 8,8 tỷ đồng; chuyển đổi 342 địa điểm của các bưu cục, nhà sách, cửa hàng điện máy thành điểm bán hàng thiết yếu; trưng dụng 05 địa điểm làm nơi tập kết hàng hóa để kết nối hàng hóa cho Thành phố và giảm tải lượng hàng hóa về các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phương án hỗ trợ cho các tài xế vận chuyển nông sản trên địa bàn TP Hà Nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO