Phương pháp mới phòng chống sốt xuất huyết

Thanh Hà 20/09/2017 10:00

Thời gian qua dịch sốt xuất huyết đã bùng phát ở nhiều tỉnh, thành với số ca mắc lên tới kỷ lục, nhất là Hà Nội và TP. HCM. Ngành Y tế liên tục ra quân dập dịch với số tiền bỏ ra để phun thuốc diệt muỗi, lăng quăng lên tới hàng chục tỷ đồng… nhưng hiệu quả không được như mong muốn. Trong khi đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa đưa ra một tin vui về công tác phòng chống sốt xuất huyết.


Thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trên đảo Trí Nguyên. Ảnh: TL.

Wolbachia là loại vi khuẩn tự nhiên, có trong tế bào của khoảng 60% loài côn trùng sống gần gũi xung quanh con người như ruồi giấm, châu chấu, bướm, chuồn chuồn… và cả một số loài muỗi thường đốt người (nhưng muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết thì lại không có vi khuẩn này). Qua nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới đã thành công trong việc cấy vi khuẩn Wolbachia vào muỗi vằn và chứng minh được rằng trong cơ thể muỗi chúng có khả năng ức chế sự phát triển của virus Dengue (gây bệnh sốt xuất huyết), virus Zika và một số loại vi virus khác truyền qua muỗi, từ đó làm giảm nguy cơ lây truyền vi rút gây bệnh sang người.

Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã cùng các nhà khoa học Australia nhân nuôi thành công dòng muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia. Trên cơ sở khoa học và thực tiễn thu được, đặc biệt qua đánh giá của các hội đồng khoa học về tính an toàn của phương pháp này, muỗi vằn Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia đã được sử dụng tại các hộ gia đình trên đảo Trí Nguyên (Nha Trang – Khánh Hòa) trong hai đợt, tháng 4-9/2013 và tháng 5-11/2014. Từ đó, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia dần chiếm ưu thế hơn trong quần thể muỗi vằn tự nhiên và giúp hạn chế lan truyền bệnh SXH và Zika mà không làm tăng số lượng muỗi trong cộng đồng.

Kết quả giám sát dịch tễ các năm gần đây cho thấy trong khi số ca mắc sốt xuất huyết ở thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa đều ở mức rất cao, thì riêng ở đảo Trí Nguyên từ khi kết thúc thả muỗi Wolbachia năm 2014 đến nay chưa xảy ra bất cứ ổ dịch sốt xuất huyết tập trung nào. Vào tháng 8-2016, kết quả nghiên cứu thí điểm ứng dụng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trên đảo Trí Nguyên đã được Bộ Y tế nghiệm thu về các mặt tính an toàn, khả năng ức chế virus Dengue của muỗi Wolbachia.
Được biết, muỗi vằn dùng để thả ở Nha Trang về cơ bản là muỗi có nguồn gốc từ chính thành phố Nha Trang. Những con muỗi vằn cái mang vi khuẩn Wolbachia đầu tiên (muỗi giống nuôi trong phòng thí nghiệm) được cho giao phối với muỗi vằn đực tự nhiên của thành phố Nha Trang để đẻ ra thế hệ muỗi con mang Wolbachia. Các con muỗi cái mang Wolbachia của thế hệ này lại tiếp tục được cho giao phối với muỗi vằn đực tự nhiên của thành phố Nha Trang để sinh ra thế hệ muỗi thứ hai mang Wolbachia. Cứ như vậy, qua nhiều thế hệ, kết quả là Dự án đã có được dòng muỗi vằn mang Wolbachia của Nha Trang.
Trước và trong toàn bộ quá trình nuôi và nhân giống, muỗi được kiểm nghiệm chặt chẽ để đảm bảo chúng không mang bất kì mầm bệnh nào. Và hiện nay, Dự án hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam đang xin phép các cấp có thẩm quyền để triển khai bước tiếp theo là thí điểm thả muỗi Wolbachia trên một khu vực thực địa hẹp ở thành phố Nha Trang đất liền, dự kiến từ cuối năm 2017.
Việc thả muỗi ở thực địa (trong cộng đồng dân cư) đã được triển khai ở Australia (từ 2011), Việt Nam (2013), Indonesia, Brazil và Colombia (2014). Phương pháp này có triển vọng mang lại lợi ích to lớn, giúp khống chế một cách chủ động, lâu dài bệnh sốt xuất huyết và Zika. Kết quả đạt được ở các nước đều cho thấy đây là một phương pháp an toàn, muỗi mang Wolbachia không gây ra bất cứ vấn đề gì về sức khoẻ con người hay môi trường sinh thái. Hiệu quả khống chế sự lan truyền của bệnh sốt xuất huyết trên thực địa hẹp đã thấy rõ trong nhiều năm qua.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 90.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong. Số mắc tăng hơn 60%, số tử vong tăng 7 trường hợp so với cùng kỳ 2016. Trong 61 tỉnh, thành có dịch sốt xuất huyết thì Hà Nội và TP. HCM là hai điểm có số ca mắc cao nhất cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phương pháp mới phòng chống sốt xuất huyết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO